Đức Linh - Xã Mê Pu 10 năm thực hiện xói đói giảm nghèo và hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo Nghị quyết số 14-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa X)

  • /
  • 26.12.2013 - 17:3

Xã MéPu hiện nay có 3.127 hộ với 13.869 khẩu, dân cư được cơ cấu trên 9 thôn, trong đó có 01 thôn thuần là dân tộc K’ho; có tổng diện tích tự nhiên là 5.891,60 ha, người dân trong xã nguồn thu nhập chủ yếu là từ sản xuất nông nghiệp.

            Xóa đói giảm nghèo là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững gắn với việc bảo đảm công bằng xã hội, trên tinh thần đó địa phương luôn xác định đây là nhiệm vụ chính trị lâu dài và quan trọng nhất trong giai đoạn hiện nay. Triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 14-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa X) về xóa đói, giảm nghèo, đầu tư cơ sở hạ tầng xã nghèo và hỗ trợ nhà ở cho người nghèo; trong 10 năm qua Đảng ủy xã hàng năm đều ban hành các nghị quyết về xây dựng chỉ tiêu, giải pháp lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ, nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch của Ủy ban nhân dân xã về phát triển kinh tế - xã hội, những giải pháp thực hiện để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các chương trình mục tiêu giảm nghèo của địa phương.
           Công tác giảm nghèo trên địa bàn xã được tỉnh và huyện quan tâm thông qua các chương trình của Dự án Giảm nghèo đã đến được với các đối tượng thụ hưởng, xã được chọn là xã điểm về xây dựng nông thôn mới nên từ đó càng được sự quan tân đầu tư cơ sở hạ tầng theo chương trình, dự án, các chính sách hỗ trợ về y tế, cung cấp tín dụng ưu đãi đến nay tổng dư nợ đạt 17 tỷ 170 triệu đồng, có 1.320 hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách được vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện, trong đó vay chương trình hộ nghèo là 372 hộ với số tiền là 3 tỷ 895 triệu đồng; vay cận nghèo là 07 hộ với số tiền 150 triệu đồng; vay vốn giải quyết việc làm 30 hộ với số tiền 501 triệu đồng; vay xuất khẩu lao động là 3 hộ số tiền 58 triệu đồng; vay vốn học sinh, sinh viên nghèo, cận nghèo và có hoàn cảnh khó khăn là 440 học sinh, sinh viên với số tiền 10 tỷ 348 triệu đồng; vay xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn là 367 hộ số tiền 1 tỷ 874 triệu đồng; vay hộ nghèo xây nhà ở là 43 hộ với số tiền 344 triệu đồng.

               Đã tiến hành cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 100% đối tượng là người nghèo theo đúng quy định, đã hỗ trợ xây dựng 227 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo khó khăn về nhà ở với tổng kinh phí 2 tỷ 313 triệu đồng trong đó Nhà nước hỗ trợ 204 căn số tiền 2 tỷ, xã vận động các tổ chức, cá nhân là 23 căn với số tiền 313 triệu đồng. Đồng thời giao đất để làm nhà ở cho 05 hộ với diện tích 570m. Dạy nghề cho 87 lao động nông thôn trên địa bàn; hỗ trợ 18 con bò cho 9 hộ nghèo với số tiền 180 triệu đồng từ nguồn vốn chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, từ đó góp phần giải quyết việc làm cho lao động nghèo và tăng thu nhập để họ có động lực vươn lên thoát nghèo bền vững.
           Tập trung chỉ đạo tốt công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi được chú trọng, chuyển đổi lúa 2 vụ lên 3 vụ, mô hình 2 vụ lúa + 1 vụ bắp được triển khai nhân rộng, đầu tư sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ phát triển. Thông qua tác động, hiệu quả thực hiện các chương trình, chính sách giảm nghèo công tác triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo ở xã có những chuyển biến đáng kể như:
           Tổng số hộ nghèo của toàn xã năm 2003 là 266 hộ, chiếm tỷ lệ 10,30%, trong đó hộ nghèo là dân tộc thiểu số 32 hộ, chiếm tỷ lệ 44,44%; đến năm 2011 hộ nghèo toàn xã theo chuẩn giai đoạn (2011- 2015) là 442 hộ, chiếm tỷ lệ 15,03%, trong đó dân tộc thiểu số là 59 hộ, tỷ lệ 63,44%; hộ nghèo cuối năm 2013 giảm còn 188 hộ, chiếm tỷ lệ 5,93%, trong đó dân tộc thiểu số là 30 hộ, tỷ lệ 30,30%.
           Quan tâm đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, vay vốn chăn nuôi bò (121 triệu/16 hộ), chuyển giao khoa học kỹ thuật đã tạo sự chuyển biến nâng cao trình độ sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, thực hiện tốt việc bố trí đất nông nghiệp theo Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy cho đồng bào với 176,93 ha/78 hộ (bình quân mỗi hộ hơn 2 ha); hỗ trợ xây dựng 53 căn nhà cho hộ nghèo với kinh phí 397 triệu đồng; việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho thôn dân tộc như làm đường giao thông nông thôn, trường học, các công trình thiết yếu khác cũng quan tâm thực hiện tốt.
             Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa X) và 03 năm thực hiện Kết luận 94 của Tỉnh ủy, được sự lãnh đạo của cấp ủy và chính quyền địa phương cùng với các ban ngành đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội, công tác xóa đói giảm nghèo và hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được một số kết quả cao, đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo từng bước được nâng lên làm thay đổi bộ mặt nông thôn góp phần rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. Trong quá trình thực hiện ở địa phương có những thuận lợi và khó khăn đó là:
          Về thuận lợi.
          - Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, các chi bộ và ban nhân dân ở thôn quan tâm, thực hiện thường xuyên; vai trò của Mặt trận và các hội, đoàn thể được phát huy; công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trách nhiệm trong cán bộ và nhân dân được tăng cường, thực hiện liên tục và có hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ người nghèo, quan tâm và giải quyết các khó khăn, bức xúc của nhân dân.
        - Công tác giải quyết các chế độ chính sách cho hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số như nhà ở, đất sản xuất, y tế, giáo dục… kịp thời, cơ bản đáp ứng được yêu cầu của nhân dân góp phần ổn định chổ ở, chăm sóc sức khỏe cho người nghèo; duy trì được số lượng học sinh đến trường, bảo đảm kết quả phổ cập giáo dục các cấp, tạo nguồn nhân lực trong tương lai của địa phương.
       - Các chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng và hỗ trợ phát triển sản xuất như đào tạo nghề, giải quyết việc làm, cho vay ưu đãi vv.. đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo, làm thay đổi nhận thức, giúp người nghèo có việc làm, tạo thu nhập ổn định để thoát nghèo bền vững, nhất là xã được chọn xã điểm về xây dựng nông thôn mới nên có được đầu tư cơ sở hạ tầng như giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, đầu tư hệ thống kênh dẫn nước TàPao để phục vụ sản xuất đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất, người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội tốt hơn không những đảm bảo giảm nghèo mà còn bảo đảm cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương cũng như ổn định an ninh trật tự, giữ vững an ninh quốc phòng.
            Tuy nhiên, vẫn còn hạn chế một số mặt:
            - Tỷ lệ hộ nghèo của xã tuy giảm nhưng vẫn còn cao hơn so mức bình quân chung của huyện; kết quả giảm nghèo ở các thôn có giảm nhưng không nhiều, tỷ lệ hộ tái nghèo vẫn còn, 2 thôn có tỷ lệ hộ nghèo còn quá cao đó là thôn 7(12,77%), thôn 9(thôn dân tộc) (30,30).
            - Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tham mưu hướng dẫn, tuyên truyền và tổ chức thực hiện Chương trình giảm nghèo chưa kịp thời, đồng bộ. Một số chi bộ thôn thiếu quan tâm trong chỉ đạo, đôn đốc triển khai nghị quyết, chương trình, kế hoạch giảm nghèo của xã nên từ đó tỷ lệ hộ nghèo một số thôn còn cao.
            - Công tác chỉ đạo và tổ chức điều tra xác nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm ở một số thôn còn nhiều bất cập, sai sót, chưa thực hiện đúng quy trình điều tra, rà soát theo hướng dẫn của xã, quá trình điều tra, rà soát, tổ chức họp dân bình xét, xác định hộ nghèo, cận nghèo có tình trạng vị nể, thiên vị, thiếu khách quan.
             - Ý thức tự vươn lên trong cuộc sống của một bộ phận hộ nghèo chưa cao, còn trông chờ ỷ lại vào Nhà nước, không muốn thoát nghèo để hưởng chế độ, chính sách.

                                                                                                                                            NT.


  • |
  • 1228
  • |

Các tin khác