Đức Linh phát huy hiệu quả của Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp

      Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp huyện Đức Linh được thành lập trên cơ sở hợp nhất 5 trạm: Trạm Khuyến nông, Trạm Chăn nuôi và Thú y, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trạm Thụ tinh nhân tạo và Trạm giống cây trồng. Từ khi thực hiện mô hình hợp nhất theo Kế hoạch số 100-KH/HU, ngày 28/02/2018 của Huyện ủy Đức Linh (khóa XI) đến nay, Trung tâm đã nhanh chóng đi vào hoạt động ổn định, phát huy những thuận lợi, khắc phục khó khăn, thực hiện tốt vai trò hoạt động hỗ trợ sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

       Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp huyện Đức Linh đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động tham mưu UBND huyện chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh động vật; tổ chức thực hiện các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ như: Điều tra, dự tính, dự báo thời gian phát sinh, mức độ gây hại và hướng dẫn biện pháp kỹ thuật phòng trừ dịch hại trên đồng ruộng; chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; xây dựng, nhân rộng các mô hình khuyến nông và phòng chống dịch bệnh động vật… Đã tổ chức 42 lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trên cây trồng, con nuôi, khuyến nông cho 1.300 lượt nông dân tham gia. Qua các lớp tập huấn giúp nông dân tiếp thu, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phòng trừ dịch bệnh gây hại và sản xuất có hiệu quả. Trong năm 2020, Trung tâm đã xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả các mô hình 20 ha lúa chất lượng cao ở xã Nam Chính, mô hình nuôi cá chép giòn ở xã Tân Hà, 2 ha trình diễn giống lúa ở Đa Kai, tập huấn và hội thảo mô hình 26 lớp.

        Trong công tác quản lý dịch hại cây trồng, Trung tâm đã phân công cán bộ tích cực bám sát đồng ruộng, tổ chức thực hiện hiệu quả công tác điều tra, giám sát; dự tính, dự báo chính xác thời gian phát sinh, phạm vi và mức độ gây hại; đề xuất chủ trương, hướng dẫn biện pháp kỹ thuật và thông báo kịp thời tình hình dịch hại cây trồng trên địa bàn toàn huyện. Ngoài ra, Trung tâm còn thường xuyên theo dõi, giám sát và quản lý tốt những đối tượng dịch hại chính như: chuột, cỏ dại, ốc bươu vàng, rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, sâu keo mùa thu, bệnh nghẹt rễ, bệnh đạo ôn, bệnh khô vằn, bệnh bạc lá, bệnh đốm sọc vi khuẩn, bệnh đen lép hạt... nên mức độ gây hại nhẹ, ảnh hưởng không đáng kể tới năng suất và chất lượng cây trồng.  

        Trong công tác phòng chống dịch bệnh động vật, Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp phân công cán bộ tăng cường bám sát cơ sở nắm chắc tình hình chăn nuôi, giám sát dịch bệnh trên đàn vật nuôi; xác minh, báo cáo kịp thời khi có ổ dịch phát sinh. Từ năm 2019 đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận hàng ngàn lít hóa chất sát trùng và cấp phát cho các xã, thị trấn; vận động các hộ chăn nuôi chủ động mua thuốc sát trùng và vôi bột thực hiện khử trùng, tiêu độc ngăn chặn dịch bệnh không lây lan sang địa bàn khác.

        Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp huyện Đức Linh đã phát huy hiệu quả vai trò, phối hợp với chính quyền cơ sở trong công tác quản lý dịch hại trên cây trồng và phòng chống dịch bệnh động vật trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, hoạt động của Trung tâm vẫn còn bất cập, hạn chế, khó khăn trong công tác chỉ đạo, điều hành. Chưa thực sự chủ động tổ chức toàn diện các nhiệm vụ theo chức năng của Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp, chỉ mới thực hiện nhiệm vụ về mặt kỹ thuật, chưa làm tốt nhiệm vụ của mảng dịch vụ. Công tác phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện chưa chặt chẽ… Thời gian tới, Trung tâm cần chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao và phù hợp với tình hình thực tế của huyện, đề ra những cách làm mới, sáng tạo để nâng cao hiệu quả hoạt động. Chú trọng nắm bắt các chủ trương, định hướng phát triển nông nghiệp của huyện để có cơ sở tham mưu thực hiện các nhiệm vụ trong sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh thực hiện các hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp cho người dân; làm tốt công tác dự tính, dự báo chính xác các đối tượng dịch hại trên cây trồng; tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Đặc biệt, tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, phòng, ban liên quan thực hiện các giải pháp đẩy mạnh cung ứng các hoạt động dịch vụ về nông nghiêp có hiệu quả trên địa bàn huyện nhằm góp phần thúc đẩy kinh tế của địa phương ngày càng phát triển./.


Các tin khác