Đức Linh - Giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ

Thực tiễn công tác xây dựng Đảng trong những năm qua cho thấy: Những chi bộ đạt trong sạch vững mạnh thường là các chi bộ duy trì tốt nề nếp sinh hoạt, có nội dung sinh hoạt phong phú, thiết thực, có hình thức sinh hoạt hợp lý, hiệu quả. Hoạt động của chi bộ  có tác dụng nâng cao uy tín của tổ chức Đảng và đảng viên, củng cố lòng tin của quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Bên cạnh đó vẫn còn một số chi bộ chất lượng sinh hoạt định kỳ còn yếu kém, có biểu hiện thất thường, nội dung nghèo nàn, ít thiết thực, hình thức sinh hoạt còn gò bó, đơn điệu …Những hạn chế đó làm cho sinh hoạt chi bộ không thực sự khơi dậy, phát huy trí tuệ của đảng viên, kìm hãm khả năng tìm tòi, sáng tạo đề xuất những giải pháp khi triển khai nhiệm vụ.

      Ở một số chi bộ đã được hướng dẫn, chỉ đạo sinh hoạt theo chuyên đề, nhưng trên thực tế, hình thức này chưa được nhân rộng một cách phổ biến. Thậm chí, chất lượng sinh hoạt chuyên đề của chi bộ cũng chưa thể nói là tốt. Việc ghi chép biên bản đôi khi thiếu cẩn thận, chưa phản ánh được đúng tinh thần và nội dung của cuộc họp…

     Từ thực trạng chất lượng sinh hoạt của các chi bộ, xuất phát từ yêu cầu của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong giai đoạn hiện nay, thì việc tìm giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ thực sự là vấn đề cần thiết, nhằm nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng đáp ứng yêu cầu mới.

     Để thực hiện được yêu cầu đó, trước mắt phải quan tâm đầu tư là nâng cao chất lượng sinh hoạt định kỳ của chi bộ cơ sở cũng như chi bộ trong Đảng bộ cơ sở, có thể khái quát thành một số nội dung sau:

     Thứ nhất: Việc chuẩn bị sinh hoạt chi bộ

     Đây là công việc của cấp uỷ Đảng mà chủ yếu là bí thư chi bộ, chi uỷ và một số đảng viên nòng cốt. Cùng với việc xác định rõ thời gian, địa điểm sinh hoạt, phải đầu tư chuẩn bị nội dung, bao gồm:

     - Đánh giá kết quả hoạt động của chi bộ tháng trước, chỉ rõ những ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân, so sánh với chỉ tiêu đã đề ra để xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đảng viên, chú ý phát hiện những nỗ lực mới, sáng tạo của đảng viên để biểu dương kịp thời và tổng kết kinh nghiệm; có thể đánh giá theo nhóm công việc như: Công tác chuyên môn, công tác đảng, công tác đoàn thể và các công tác khác…

     - Quá trình đánh giá phải lượng hoá được vai trò của cá nhân đảng viên, tổ đảng, tổ chức chuyên môn, tổ chức đoàn thể …dự thảo đánh giá do bí thư chi bộ chuẩn bị được thông qua chi uỷ để thống nhất và phân công cấp uỷ triển khai khi họp chi bộ. 

     - Thời gian sinh hoạt chi bộ thường từ 2-3h, nên dự thảo đánh giá cần kết hợp chuẩn bị cả dự thảo kế hoạch công tác mới theo nhóm công việc nêu trên….Với những nội dung khó, nội dung mới, có thể phân công một số đảng viên nghiên cứu trước để giới thiệu trong sinh hoạt chi bộ (nếu cần phải mời đại biểu cấp uỷ cấp trên).

     - Trong phần dự thảo kế hoạch công tác mới phải dựa vào các chủ trương của cấp trên, chức năng nhiệm vụ và tình hình cụ thể của đơn vị để hình thành các nội dung công tác nhằm đảm bảo tiến độ thời gian, các chỉ số cần đạt được tuỳ theo quy mô của đơn vị và khả năng của đảng viên, dự kiến rõ việc phân công nhiệm vụ cho cấp uỷ và đảng viên trong chi bộ nếu dự thảo được thông qua.

      Thứ hai: Tổ chức sinh hoạt chi bộ

      - Hội nghị chi bộ định kỳ thường do bí thư chi bộ chủ toạ, điều hành, sinh hoạt chi bộ cần cử thư ký ghi chép nghị quyết, thủ tục khai mạc ngắn gọn, đi ngay vào nội dung đã chuẩn bị kỹ, cấp uỷ trình bày dự thảo cần rõ ràng, mạch lạc để đảng viên có thể tốc ký được…

      - Chủ tọa cần để một khoảng thời gian hợp lý để đảng viên suy nghĩ, tham gia thảo luận. Chủ tọa nên gợi ý trước để việc thảo luận được tập trung, không tản mạn. Khi đảng viên phát biểu, chi bộ cần lắng nghe và tổng hợp đầy đủ ý kiến. Với những nội dung quan trọng cần phải có định hướng rõ, chủ tọa chủ động mời đảng viên đã được phân công phát biểu trước, tuỳ theo số lượng đảng viên của chi bộ mà xác định số ý kiến cần thiết để xây dựng nghị quyết.

     - Kết thúc thảo luận, chủ tọa tổng hợp nhanh các ý kiến và nêu dự thảo kết luận, ở nội dung này cần nêu rõ tỷ lệ nhất trí, tán thành theo dự thảo, các vấn đề được bổ sung, các vấn đề cần phải lấy biểu quyết. Khi hội nghị đã biểu quyết xong, chủ tọa nhắc lại yêu cầu phân công đã thông báo lúc thông qua dự thảo (cũng có thể phải lấy biểu quyết  nếu việc phân công liên quan đến nhiều lợi ích hoặc những vấn đề nhạy cảm khác), đồng thời dự kiến chế độ kiểm tra, thông tin báo cáo của đảng viên với tổ đảng và cấp uỷ chi bộ. Để khắc phục tình trạng đơn điệu, cứng nhắc trong sinh hoạt chi bộ, mỗi lần sinh hoạt nên có các nội dung bổ trợ như: Giới thiệu kinh nghiệm chuyên môn, cách làm kinh tế, phương pháp chăm sóc sức khoẻ…Thực tế cho thấy, sinh hoạt chi bộ định kỳ dễ bị lạm dụng về thời gian, coi nhẹ thảo luận, nặng về phổ biến, quán triệt. Khi có Nghị quyết của Trung ương Đảng phải triển khai, hầu hết các chi bộ phổ biến được, nhưng thảo luận và xây dựng chương trình hành động nhằm đưa nghị quyết vào cuộc sống khá lúng túng, có nguyên nhân từ trình độ của cấp uỷ, đảng viên, nhưng cũng có cả hạn chế từ tổ chức Đảng cấp trên chưa làm tốt công tác kiểm tra, đôn đốc.

      Thứ ba: Quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ của chi bộ và đảng viên

     - Cấp uỷ (bí thư, hoặc phó bí thư chi bộ) cần nắm thông tin chính xác và kịp thời về tiến độ triển khai, những khó khăn, thuận lợi, những phát sinh mới, các bất cập của chế độ, chính sách…làm cơ sở cho việc đánh giá chất lượng hoạt động của đảng viên, tiếp tục xây dựng dự thảo nội dung tháng tới sát với thực tiễn hơn.

     Tóm lại sinh hoạt chi bộ định kỳ là hoạt động chủ yếu của chi bộ, vì vậy cần được duy trì nghiêm túc, thành nề nếp. Cấp uỷ chi bộ cần chủ động đầu tư, thiết kế nội dung sinh hoạt thiết thực, phong phú với hình thức và thời gian hợp lý. Việc tổ chức sinh hoạt chi bộ phải đảm bảo đủ nội dung, đề cao vai trò của cấp uỷ, đảng viên trong sinh hoạt chi bộ, có đủ thông tin, dư luận quần chúng về chi bộ và đảng viên. Làm tốt công tác kiểm tra đảng viên, nêu cao tinh thân gương mẫu của cấp uỷ chi bộ, coi trọng yêu cầu cải tiến và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ qua các kỳ sinh hoạt, lắng nghe và tiếp thu ý kiến của  chính quyền và các đoàn thể, của nhân dân đối với chi bộ… Chắc chắn hoạt động của các chi bộ sẽ thực sự có hiệu quả, góp phần tích cực xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.

     Thực tế cho thấy, ở đâu cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên nhận thức đúng vị trí, vai trò, tầm quan trọng của sinh hoạt chi bộ thì ở đó tính đảng được phát huy. Do đó, cấp ủy, cán bộ, đảng viên phải nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của chi bộ; thực sự coi trọng nội dung, chất lượng sinh hoạt chi bộ. Vì vậy, cấp ủy phải thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ theo hướng sát thực, hiệu quả theo đúng tinh thần Nghị quyết cấp trên. Tiếp tục quán triệt sâu kỹ Quy định 45-QĐ/TW, ngày 01/01/2011 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về Quy định thi hành Điều lệ Đảng, Hướng dẫn số 01-HD/TW, ngày 05/01/2012 của Ban Bí thư (khóa XI) về Hướng dẫn một số vấn đề cụ thể về thi hành Điều lệ Đảng, Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW, ngày 17/5/2012 của Ban Tổ chức Trung ương về Hướng dẫn một số vấn đề cụ thể  nghiệp vụ công tác đảng viên và các Hướng dẫn số 46, 47, 49, 50, 51 ngày 24/10/2013 của Ban Tổ chức Tỉnh ủy về nội dung, quy trình sinh hoạt chi bộ.

                                                                                                                                                                             


Các tin khác