Đức Linh - Kết quả 10 năm đào tạo nghề và giải quyết việc làm

  • /
  • 17.3.2014 - 6:47

Trong 10 năm qua đã giải quyết việc làm cho 39.316 lao động (trong đó lao động nghèo nông thôn chiếm trên 70%). Giai đoạn 2005-2010, bình quân mỗi năm là 3.500 lao động; giai đoạn 2011-2015, bình quân mỗi năm là 4.000 lao động; lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là 149 người.

       Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động luôn được huyện quan tâm triển khai thực hiện. Một số lao động được đào tạo đã có việc làm, ổn định cuộc sống. Xác định được tầm quan trọng của vấn đề, huyện thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nghề ngắn hạn; trên cơ sở nhu cầu đào tạo, học nghề của học viên và xã hội, đã tổ chức tuyển sinh, đào tạo và bồi dưỡng nghề tại địa phương cho 3.817 học viên; riêng trong 03 năm, từ năm 2010-2013 đã đào tạo được 2.935 học viên. Huyện còn đưa chương trình hướng nghiệp vào trong nhà trường đề định hướng nghề nghiệp cho các em học sinh. Nội dung và phương pháp giảng dạy nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục hướng nghiệp trong các trường học thường xuyên được đổi mới, qua đó đã giúp cho các học sinh có nhận thức đúng đắn hơn về học nghề và lựa chọn ngành nghề cho phù hợp.

       Ngoài ra, còn phối hợp tổ chức giáo dục định hướng cho hơn 149 lao động nông thôn đi xuất khẩu lao động; trong đó, đa số là những học viên thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo. Trong 10 năm qua, số lượng người tham gia xuất khẩu lao động tăng theo từng năm (năm 2004 có 16 người; năm 2005 có 26 người; năm 2008 có 93 người...) Thu nhập hàng tháng của người xuất khẩu lao động cao so với trong nước (trên 20 triệu đồng). Công tác giải quyết việc làm được quan tâm chỉ đạo thường xuyên, trong 10 năm qua đã giải quyết việc làm cho 39.316 lao động (trong đó lao động nghèo nông thôn chiếm trên 70%). Giai đoạn 2005-2010, bình quân mỗi năm là 3.500 lao động; giai đoạn 2011-2015, bình quân mỗi năm là 4.000 lao động; lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là 149 người. Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện có các cơ sở sản xuất tại các khu CN-TTCN - làng nghề trong huyện (1.100 cơ sở sản xuất CN-TTCN, 179 doanh nghiệp) được quan tâm đầu tư và phát triển mạnh. Từ đó, đã giải quyết được khá lớn nguồn lao động tại chỗ, nhất là lao động nông thôn thuộc diện hộ nghèo và hộ cận nghèo tại địa phương với thu nhập bình quân khoảng 2.800.000 đồng/người/tháng. Nhìn chung, hệ thống cụm công nghiệp được quy hoạch rộng khắp, thuận lợi cho người lao động tham gia làm việc tại địa phương.

            Đạt được kết quả trên cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện tốt công tác giáo dục, tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bằng nhiều hình thức tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng và tuyên truyền trực tiếp qua các hoạt động và các buổi sinh hoạt của các tổ chức Mặt trận, đoàn thể. Kết quả đã mở 250 lớp tập huấn, tổ chức 05 phiên chợ việc làm, hội thảo chuyên đề, tư vấn cho hàng chục ngàn lượt người trong độ tuổi lao động về hướng nghiệp, dạy nghề, trao đổi thông tin cùng các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để tư vấn, tạo điều kiện cho người lao động tìm được việc làm thích hợp, ổn định cuộc sống. Trong tổ chức mở các lớp đào tạo nghề, huyện luôn quan tâm thực hiện việc gắn kết giữa công tác đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

       Hằng năm, Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo các ngành chức năng tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng nhu cầu học nghề của người lao động, các đối tượng được hỗ trợ đào tạo nghề; trên cơ sở đó, tiến hành xây dựng kế hoạch, giải pháp đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương. Trong thời gian qua, huyện đã tích cực chủ động kêu gọi xã hội hóa trong lĩnh vực dạy nghề, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia mở cơ sở dạy nghề.

      Hiện nay, huyện có 02 Trung tâm để đào tạo nghề: Trung tâm Dạy nghề và Trung tâm Giáo dục thường xuyên & Hướng nghiệp luôn được UBND tỉnh, Sở Lao động – TB & XH và Sở Giáo dục & Đào tạo quan tâm đầu tư cơ sở vật chất và phân bổ kinh phí kịp thời. Năm 2005 Trung tâm Dạy nghề huyện được UBND tỉnh đầu tư xây dựng với tổng kinh phí trên 9 tỷ đồng, hằng năm đều được đầu tư nhiều loại máy móc phục vụ công tác dạy nghề cho lao động. Để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nghề, Trung tâm Dạy nghề huyện thường xuyên ký hợp đồng lao động những giáo viên có bằng cấp và chuyên môn giỏi về dạy nghề tại Trung tâm. Tại thời điểm này, Trung tâm Dạy nghề huyện có 06 biên chế; giáo viên cơ hữu 01; giáo viên hợp đồng theo thời vụ 11; Trình độ của giáo viên đều đạt chuẩn theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Đối với Trung tâm Giáo dục thường xuyên & Hướng nghiệp, hiện nay có 14 biên chế, trong đó có 06 giáo viên; ngoài ra, Trung tâm còn ký hợp đồng thỉnh giảng thường xuyên với 10 giáo viên.

       Việc thực hiện các chính sách ưu đãi của nhà nước trong hoạt động đào tạo nghề được thực hiện khá tốt, đúng quy định. Về giải quyết cho vay nguồn vốn giải quyết việc làm, hiện nay tổng dư nợ là 7.167 triệu đồng cho 502 dự án và đã giải quyết việc làm cho hơn 1000 lao động. Đối với việc giải quyết cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số vay mua bò theo Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy, đã cho 208 hộ vay với số tiền khoảng 1.676 triệu đồng. Phần lớn, nguồn vốn giải quyết việc làm được phân bổ hằng năm cho địa phương luôn đảm bảo. Việc thực hiện Đề án 295 của Chính phủ về “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm” giai đoạn 2010-2015; hằng năm, huyện đều mở các lớp đào tạo nghề cho phụ nữ lao động nông thôn. Từ năm 2008, đến cuối năm 2013, Hội LHPN huyện đã phối hợp mở 23 lớp dạy nghề về đan mây tre, lắp ráp máy vi tính, vi tính văn phòng, kỹ thuật cạo mủ cao su, đan - thêu hàng thủ công mỹ nghệ, may gia công... cho 758 hội viên, phụ nữ; tranh thủ sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến công tỉnh mở 01 lớp tập huấn khởi sự doanh nghiệp cho 30 phụ nữ; chủ động phối hợp Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật, Trung tâm Thiện Chí, Trung tâm Dạy nghề huyện tổ chức 348 lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi..., có 25.229 phụ nữ tham gia; thành lập 157 cơ sở tạo việc làm, giải quyết việc làm cho 5.835 lao động nữ nhàn rỗi; giới thiệu việc làm cho hơn 2.000 lao động nữ làm việc tại các công ty, xí nghiệp, khu công nghiệp trong và ngoài huyện. Giới thiệu 23 nữ đi xuất khẩu lao động. Huyện đoàn Thanh niên đã tổ chức Đề án “Hỗ trợ thanh niên học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2008-2015”, đã phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức tuyên truyền pháp luật trên hệ thống loa truyền thanh, tư vấn nghề nghiệp, việc làm; tuyên truyền, tư vấn sức khỏe sinh sản, phòng chống bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội, tổ chức Hội thi tay nghề; triển khai phong trào sáng tạo trẻ, sáng tạo kỹ thuật... thu hút hàng nghìn lượt thanh niên tham gia. Qua đó, đã kịp thời nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng và giải quyết việc làm, đáp ứng nhu cầu chính đáng của thanh niên công nhân.

       Công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động của các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động được Tổ công tác liên ngành của huyện thực hiện thường xuyên. Trong 05 năm gần đây (từ năm 2008-2013), Tổ công tác liên ngành của huyện đã trực tiếp tổ chức 59 lượt kiểm tra và phối hợp với các cơ quan tỉnh tổ chức 12 lượt kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động tại 71 doanh nghiệp và hộ sản xuất (trong tổng số 179 công ty, doanh nghiệp tư nhân hoạt động trên địa bàn huyện). Công tác kiểm tra, thanh tra góp phần tác động làm chuyển biến đáng kể về nhận thức của doanh nghiệp trong việc chấp hành pháp luật lao động. Đa số các doanh nghiệp thực hiện tốt việc ký kết hợp đồng lao động, đảm bảo tiền lương, tiền công theo hợp đồng hoặc theo thỏa thuận, trên địa bàn huyện không để xảy ra tranh chấp lao động và đình công.

       Mặc dù đạt được những kết quả trên nhưng công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn huyện còn gặp một số khó khăn: Tình trạng việc làm chưa bền vững, nhu cầu việc làm và học nghề còn nhiều bất cập và bức xúc. Việc triển khai thực hiện chính sách về đào tạo nghề, lao động, việc làm còn chậm, lúng túng và thấp. Công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách chưa được thường xuyên, việc xử lý vi phạm chưa thực sự nghiêm minh, ảnh hưởng không tốt đến việc giải quyết việc làm và phát triển thị trường lao động. Thị trường lao động ở địa phương còn sơ khai, hệ thống thông tin thị trường lao động chưa hoàn thiện, hệ thống giao dịch việc làm chưa mạnh, chủ yếu vẫn là hình thức trực tiếp giữa người lao động và người sử dụng lao động (chiếm trên 80% tổng số giao dịch). Các chính sách về tiền lương, tiền công đối với người lao động nói chung chưa khuyến khích người lao động phát huy hết khả năng và chưa thực hiện được chức năng “kích cầu” để sản xuất phát triển, trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động vẫn còn yếu về chất lượng, thiếu về số lượng, hơn 70% lao động chưa qua đào tạo, một bộ phận lao động đã qua đào tạo hoặc được sử dụng không đúng ngành nghề đào tạo, hoặc phải đào tạo lại mới có thể làm việc trong các doanh nghiệp.

                                                                                 H.M.T

 


  • |
  • 1184
  • |

Các tin khác