Phát huy truyền thống của dân tộc, làm theo lời dạy của Bác Hồ về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”; công tác đền ơn đáp nghĩa ở huyện Đức Linh được cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể đặc biệt quan tâm. Nhờ đó, phong trào đền ơn đáp nghĩa của huyện trong những năm qua phát triển mạnh mẽ, sâu rộng, được nhân dân đồng tình ủng hộ và có hiệu quả thiết thực. Hiện nay, tổng số đối tượng chính sách có công là 2.508 người, đối tượng đang được hưởng trợ cấp thường xuyên là 1.210 người.
Năm 2013, thực hiện theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công cách mạng; theo đó, đã tập trung khảo sát có 122 hồ sơ người có công với cách mạng; trong đó, gửi tỉnh 91 hồ sơ, hoàn tất 36 hồ sơ Mẹ Việt Nam Anh hùng, 327 hồ sơ thờ cúng liệt sỹ; đã có quyết định truy tặng và phong tặng 13 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (04 mẹ còn sống); đến nay, tổng số Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống trên địa bàn huyện là 06 mẹ.
Hàng năm, bằng những việc làm thiết thực, các cơ quan, đơn vị, các ban ngành, đoàn thể trong và ngoài huyện, cán bộ, công nhân viên và nhân dân trong huyện đã tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; Ngoài ra, các ngành, các địa phương đã phát động phong trào tặng sổ tiết kiệm cho thương binh và gia đình liệt sỹ; toàn huyện đã tặng được khoảng 400 sổ tiết kiệm có số dư từ 200.000đ - 500.000đ mỗi sổ. Từ năm 2007 đến nay, huyện đã vận động được 3.909.591.191 đồng, hỗ trợ đối tượng người có công trong việc cải thiện nhà ở. Ngoài ra, còn trợ cấp đột xuất cho 136 trường hợp gặp hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật với kinh phí hỗ trợ khoảng 50 triệu đồng.
Việc thực hiện phong trào nhận phụng dưỡng, đỡ đầu, chăm sóc sức khỏe người có công được duy trì thường xuyên. Toàn huyện có 28 mẹ của liệt sỹ được công nhận danh hiệu cao quý “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”. Hàng năm, huyện cấp phát kịp thời thẻ Bảo hiểm y tế cho gần 2000 đối tượng chính sách được hưởng theo quy định chung. Cấp tiền, dụng cụ chỉnh hình cho 45 thương binh, bệnh binh theo quy định với kinh phí gần 100 triệu đồng. Ngoài ra, từ năm 2007 đến nay, đã tổ chức điều dưỡng cho 1.117 lượt người với số tiền gần 1 tỷ đồng. Hàng năm, UBND huyện đã trợ cấp ưu đãi cho hơn 500 học sinh, sinh viên với số tiền hơn 1 tỷ đồng/năm và trợ cấp hơn 50 suất học bổng cho con thương binh, thân nhân liệt sỹ học giỏi có hoàn cảnh khó khăn. Trợ cấp tiền thờ cúng liệt sỹ cho 420 thân nhân gia đình liệt sỹ kịp thời, đầy đủ theo quy định.
Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ được chăm lo trọn vẹn, nghĩa tình. Trong 07 năm qua đã quy tập, đưa về cải táng tại Nghĩa trang liệt sỹ huyện 13 mộ liệt sỹ; tổng số mộ liệt sỹ hiện có tại Nghĩa trang liệt sỹ huyện là 279 mộ. Hàng năm, Nghĩa trang liệt sỹ huyện đều được đầu tư, sửa chữa và nâng cấp dần hoàn chỉnh. Hiện nay, cấp xã, thị trấn có 03 Nhà bia ghi danh liệt sỹ và 04 Đài tưởng niệm. Bên cạnh đó, bằng nguồn vốn huy động trong cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân và sự đóng góp của thanh niên, thời gian qua huyện đã xây dựng nhiều bia địa chỉ đỏ; đặc biệt trong 02 năm 2013 - 2014, huyện đã xây dựng Bia Chiến thắng Mười nhà, Bia Chiến thắng Núi Dinh, sửa chữa, tôn tạo Nhà bia ghi danh liệt sỹ Đoàn H50 - thanh niên xung phong và xã Đa Kai.
Từ năm 2007 đến nay, huyện đã tiếp nhận và đề nghị tỉnh xét công nhận thêm 675 hồ sơ người có công, hưởng trợ cấp theo Quyết định 290/2002/TTg, Quyết định 142/CP, người hoạt động kháng chiến và con của họ bị nhiễm chất độc hóa học, người có công giúp đỡ cách mạng, với kinh phí trên 1 tỷ đồng và cấp đổi 66 bằng Tổ quốc ghi công.
Hằng năm, huyện điều tổ chức thăm tặng quà vào dịp Tết cổ truyền và Ngày Thương binh liệt sỹ 27/7 cho 4.300 đối tượng chính sách với số tiền trên 1.005 triệu đồng. Trợ cấp thường xuyên cho 1.210 người, với kinh phí hàng tháng hơn 1.600 triệu đồng. Tổ chức đưa hơn 100 lượt thân nhân liệt sỹ đi viếng mộ tại Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh vào dịp lễ 27/7; hỗ trợ chi phí tàu xe, ăn ở cho thân nhân liệt sỹ ở các tỉnh về thăm viếng liệt sỹ ở Nghĩa trang liệt sỹ huyện và thân nhân liệt sỹ ở địa phương đi viếng mộ ở các tỉnh khác với kinh phí trên 100 triệu đồng.
Những kết quả đạt được 7 năm qua nhờ sự quan tâm đặc biệt của các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể địa phương đối với công tác “Đền ơn đáp nghĩa”. Hàng năm, bằng nhiều hình thức vận động, nguồn Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được cán bộ, công chức và nhân dân đồng tình ủng hộ đóng góp đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Qua đó, kịp thời hỗ trợ sửa chữa nhà tình nghĩa, xây dựng nhà tình thương, trợ cấp đột xuất cho gia đình chính sách gặp khó khăn và tổ chức thăm tặng quà nhân các dịp lễ, tết.
Trong thời gian tới huyện sẽ nâng cao hơn nữa chất lượng phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc người có công với cách mạng vì đây là trách nhiệm, là việc làm thường xuyên của Đảng bộ và nhân dân huyện nhà, đòi hỏi các cấp, các ngành và cả đối tượng cùng chung sức chăm lo thực hiện. Với mục tiêu là đảm bảo cho người có công với cách mạng luôn yên ổn về vật chất, vui vẻ về tinh thần có cuộc sống bằng hoặc cao hơn mức sống của xã hội tạo điều kiện cho người có công phát huy tốt khả năng lao động của mình vào việc phát triển kinh tế gia đình, tham gia vào các hoạt động xã hội để các đối tượng tiếp tục phát huy phảm chất truyền thống cách mạng phục vụ sự nghiệp đổi mới của đất nước.