Cây sen hồng trên đất Đức Linh

  • /
  • 27.6.2011 - 0:0

Nhiều năm nay cây sen hồng đã trở thành cây trồng có giá trị kinh tế giúp người nông dân ở Đức Linh thoát nghèo và ổn định đời sống gia đình.

 

Đức Linh - vựa lúa lớn của tỉnh Bình Thuận với những cánh đồng bát ngát dọc đôi bờ sông La Ngà đỏ nặng phù sa.. Chính vì vậy mà đất đai ở đây rất tốt tươi. Trên các cánh đồng lúa này xuất hiện nhiều bàu nước. Bàu nhỏ thì vài sào, bàu lớn thì đến hàng chục hec-ta. Tại những bàu nước này, người dân sản xuất một vụ bấp bênh.

              Năm 2000, khi phong trào trồng cây sen hồng Đài Loan phát triển, người nông dân bắt đầu chú ý đến những cái bàu, với những cây sen mọc dại không hề chăm sóc gì mà vẫn xanh tốt suốt bao năm. Nhiều hộ nông dân tiến hành cải tạo những bàu nước, mang sen về trồng và những mùa sen bội thu không phụ công chăm sóc. Từ đây phong trào trồng cây sen hồng phát triển mạnh, nhiều người vươn lên làm giàu.

              Hiện nay, ở phía Nam sông La Ngà, dọc đê bao từ Võ Xu đến Đức Tài, nhiều bàu nước hoang đã được phủ kín cây sen hồng (có kích thước thân, lá, hoa, gương to hơn các giống sen khác), chủ yếu là trồng sen lấy hạt. Để sen có môi trường sinh trưởng thích hợp cũng như tránh sự tác động của dòng chảy khi mùa nước lớn, người ta đã làm những bờ bao quanh bàu và kết hợp nuôi cá. Nhờ nguồn nước trong bàu thuận lợi cho các loại cá phát triển tốt, nên mỗi năm ngoài việc thu hoạch hàng chục tấn sen người ta cũng thu được vài chục tấn cá.

Anh Phạm Trí, người có nhiều kinh nghiệm trồng sen và trực tiếp phụ trách thu hoạch bàu sen hơn 10 hecta ở Đức Tài cho biết: tuy mới vào đầu vụ nhưng với diện tích lớn như thế, mỗi lần hái anh cũng thu hoạch được vài trăm ký-lô-gam gương sen. Theo anh Trí, sen năm nay trúng hơn năm trước, 1 ha có thể cho thu hoạch hơn 1 tấn gương. Với giá hiện tại khoảng từ 5-6 nghìn đồng/ký, người trồng sen sẽ có lãi.

            Ở phía Bắc sông La Ngà, xã Sùng Nhơn cũng là một địa phương có diện tích trồng sen lớn ở Đức Linh. Trong hơn 350 hecta diện tích trồng sen của toàn huyện thì riêng xã Sùng Nhơn đã chiếm hơn 1/4 diện tích. Đặc biệt hơn, đây còn là nơi khởi đầu cho phong trào trồng cây sen hồng trên đất Đức Linh. Khác với khu vực Nam sông, hầu hết các cánh đồng ở Bắc sông đều không có đê bao, nên đến mùa nước lớn các cánh đồng ở đây đều bị ngập. Vì vậy các bàu sen tại đây cũng chỉ thu hoạch được đến khoảng tháng 6, tháng 7 hàng năm. Do đặc điểm đó mà các bàu sen ỏ xã Sùng Nhơn không có bờ bao chắc chắn như ở phía Nam sông. Tuy nhiên, các bàu sen ở đây lại có diện tích rất lớn. Bàu lớn nhất có thể đến 20 hecta. Nhờ nước lũ mà các bàu sen được bồi đắp một lượng phù sa đáng kể, nên cây sen ở đây phát triển mạnh hơn các nơi khác trong huyện. Nếu như ở Đức Tài, Đức Chính, một hec-ta sen thu hoạch được khoảng 1 tấn gương thì ở Sùng Nhơn là từ một tấn rưỡi trở lên.

Ông Trần Lữ Hiền ở xã Sùng Nhơn, người đầu tiên đưa giống sen Đài Loan hạt dài về trồng cho biết: so với giống sen hạt tròn thường trồng ở các tỉnh miền Tây thì giống sen hạt dài có năng suất không bằng nhưng chất lượng hạt thì có phần nhỉnh hơn. Với kinh nghiệm hơn 10 năm trồng sen ông Hiền cho rằng, giống sen hạt dài hiện đang trồng rất thích hợp với đất đai ở huyện.

Theo quy luật, khi diện tích cây trồng phát triển ngày càng nhiều thì vấn đề mà người ta quan tâm đó là tìm lối ra cho sản phẩm sao cho có lợi nhuận cao nhất. Những năm đầu trồng sen, khi sản lượng sen còn thấp, người nông dân thường bán gương thô cho thương lái đưa vào các công ty trong thành phố tiêu thụ. Vì thế mà giá thành không cao. Tuy nhiên khoảng 5-6 năm trở lại đây, một số hộ trồng sen đã tìm được đầu ra nên đầu tư mở cơ sở thu mua và tách vỏ hạt sen ngay tại địa phương. Việc làm này, không những nâng cao giá thành sản phẩm mà còn tạo việc làm đáng kể cho người lao động ở địa phương.

Khi mới thành lập, các cơ sở tách vỏ hạt sen thường tuyển công nhân làm tập trung và trả lương theo sản phẩm. Nhưng khi số lượng sen ngày càng nhiều thì các cơ sở này chuyển sang giao khoán sản phẩm cho từng người. Qua đó, có thể tận dụng được lao động nhàn rỗi. Công việc tách vỏ hạt sen khá đơn giản. Trước tiên là tách hạt sen ra khỏi gương; sau đó, dùng dao lột vỏ ngoài và vỏ lụa; cuối cùng là dùng tăm để lấy tim sen. Với công việc không mấy khó khăn này, trung bình mỗi người một ngày có thể làm được từ 3 đến 4 kg nhân hạt và được trả công 20.000/kg. Chính vì vậy, mỗi khi đến mùa sen thì phong trào tách vỏ sen lại lan rộng khắp nơi. Riêng ở xã Sùng Nhơn, nơi có các cơ sở thu mua và tách vỏ hạt sen lớn nhất huyện đến mùa sen rất nhiều người nhận sen về nhà làm.

Có thể nói, cây sen hồng đã mở ra một hướng đi mới trong việc đa dạng hóa giống cây trồng ở huyện. Hàng trăm hecta ao bàu trên địa bàn huyện được tận dụng để trồng sen đã mang lại nguồn lợi không nhỏ. Với hướng phát triển như hiện nay, nếu cây sen được quan tâm đúng mức chắc chắn sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn cho người dân nơi đây. Với đặc tính là giống cây thân thiện với môi trường, dễ trồng, rất ít khi mất mùa và có giá trị kinh tế cao, cây sen không những góp phần làm giảm diện tích đất hoang hóa mà còn giúp người nông dân trong huyện ổn định đời sống và làm giàu chính đáng.




  • |
  • 1575
  • |

Các tin khác