ĐỨC LINH - XƯA VÀ NAY

  • /
  • 5.4.2011 - 0:0

Đức Linh ngày nay là huyện trung du miền núi, nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Bình Thuận, diện tích 53.491 ha; phía Đông giáp huyện Tánh Linh; phía Bắc giáp với huyện Đạ Oai tỉnh Lâm Đồng; phía Tây và Nam giáp với huyện Xuân Lộc, Định Quán của tỉnh Đồng Nai. Địa hình Đức Linh chia thành 3 vùng chính: rừng núi, đồi gò và đồng bằng.

 

Tuy xa Phan Thiết - Trung tâm của tỉnh, nhưng Đức Linh có vị trí khá đặc biệt, tiếp giáp với 3 vùng đất khác nhau: Cực Đông Tây Nguyên, Cực Nam Trung bộ và Đông Bắc Nam bộ. Trong thời kỳ Mỹ xâm lược, địch khai thác kinh tế nhằm xây dựng vùng này thành hậu cứ để đánh phá cách mạng 3 tỉnh Bình Thuận, Lâm Đồng, Long Khánh. Còn ta xây dựng vùng này làm bàn đạp tiến về Sài Gòn, khi có điều kiện và phát triển lên Nam Tây Nguyên.

 

Vùng rừng núi từ Đông Bắc xuống Tây Nam độ cao từ 800 mét đến 1000 mét, chiếm khoảng 15% diện tích. Đây là chân núi cuối cùng của dãy Trường Sơn, giáp với rừng Cát Tiên. Núi Dinh là một điểm cao trong huyện.

 

Trước năm 1975, rừng núi của huyện Đức Linh ngày nay là vùng rừng nguyên sinh. Trong rừng núi có nhiều loại gỗ quý như: cẩm lai, trắc, gõ, giáng hương, căm xe, dầu, sao...Nhiều cây, gốc có đường kính hai đến ba mét. Thú rừng có voi, hổ, báo, nai, bò rừng, vượn, khỉ, chó sói, heo rừng...Nhiều loại thú có cánh như dơi, tắc ké, chồn, v.v... Động vật bò sát có: trăn, rắn, kỳ đà, cá sấu... Nhiều chim công, chim trĩ, gà lôi, phụng hoàng, đại bàng, cu xanh, bồ nông, sáo nhồng, v.v... Tôm cá nhiều vô kể. Những năm 60, 70 của thế kỷ 20, các loại động vật này có đàn đông đến hàng trăm con. Lâm sản có các loại như: mây, song, trầm, mật ong, dầu rái, chai cục có giá trị kinh tế. Động, thực vật vùng rừng núi Đức Linh rất phong phú, đa dạng. Cho nên, trong kháng chiến chống Mỹ, các cơ quan khu, tỉnh, huyện, lực lượng vũ trang miền, các đội công tác thường đóng ở Đức Linh.

 

Vùng đồi gò cao từ 120 đến 150 m nằm ở phía Tây Nam, chiếm 59% diện tích. Với loại đất nâu tím trên đá bazan, đồi gò thích hợp cho phát triển cây công nghiệp và cây ăn quả. Hiện nay, vùng đất này đang được phủ xanh bởi những rừng cây công nghiệp như cao su, cà phê, đào lộn hột, hồ tiêu cuốn hút con người và làm sống dậy tiềm năng của đất. Cây tiêu là đặc sản của Đức Linh.

 

Vùng đồng bằng và thung lũng sông La Ngà chiếm 25% diện tích của huyện. Sông La Ngà từ Lâm Đồng chảy qua huyện, vào Đồng Nai, hàng năm mang phù sa bồi đắp nên đất đai rất màu mỡ. Đây là vựa lúa, hàng năm sản xuất vạn tấn lúa gạo, góp phần cho tỉnh trang trải lương thực. Bên cạnh lúa còn có cây công nghiệp ngắn ngày như: đậu, mè, mía...

 

Nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, khí hậu Đức Linh cũng chia làm hai mùa rõ rệt: mùa khô và mùa mưa. Mùa mưa thường đến sớm hơn, từ tháng 4 đến tháng 9 âm lịch. Gió Nồm nam thường mang hơi nước từ biển vào bị các dãy núi phía Bắc của huyện chặn lại, gây mưa nhiều và thường kéo dài hơn, nên hàng năm có thể sản xuất từ 2 đến 3 vụ lúa ngắn ngày. Mùa khô chịu ảnh hưởng của gió Bấc thổi từ tháng 10 âm lịch đến tháng 3 âm lịch năm sau, khí hậu lục địa khô lạnh, thỉnh thoảng có mây mù, gió lốc và lâu lâu cũng có vài cơn mưa. Nhờ hệ thống nước ngầm dồi dào, dễ khai thác nên đủ nước cho sản xuất, sinh hoạt. Đức Linh còn là vùng khá “nhạy cảm” với sự thay đổi thời tiết ở những nơi khác, nhất là bão, áp thấp nhiệt đới, nên thường có lũ lụt trong mùa mưa. Do đó, nhiệt độ trung bình trong năm 25,4 o C, có 1.124 giờ nắng. Mỗi năm có khoảng 148 ngày mưa, lượng bốc hơi 240 mm; lượng mưa trung bình là 2.165 mm; không có bão. Khí hậu nơi đây rất thích hợp cho nhiều loại cây trồng nhưng khắc nghiệt với sinh hoạt của con người, như bệnh tật, sốt rét.

 

Do tác động của điều kiện địa hình và khí hậu nên sông, suối, ao, hồ của Đức Linh (trừ sông La Ngà) phần nhiều là ngắn, lệ thuộc rõ rệt vào thời tiết. Mùa mưa thì nhiều nước, chảy xiết, xói mòn; mùa khô thì cạn nhanh. Cả huyện có 28 con sông, suối và 30 ao hồ. Sông La Ngà bắt nguồn từ cao nguyên Lâm Đồng đổ ra sông Đồng Nai, đoạn chảy qua huyện dài 74 km, lưu lượng trung bình hàng năm là 97,25 m2/giây. Mùa mưa nước sông dâng cao, đổi dòng mạnh, lưu lượng lên tới 190 m2/giây. Mùa khô lưu lượng thấp: 12,7 m2/giây, tuy cạn nhưng không bị đứt lòng. Sự thất thường đó đã làm hạn chế sự giao thông trên sông La Ngà. Nhưng sông La Ngà uốn khúc quanh co, cuộn mình qua rừng núi, đồng ruộng tạo cho Đức Linh một bức tranh sơn thuỷ hữu tình. Thác Reo, thác Mai (nay thuộc Đức Hạnh), hồ Trà Tân (ở Tân Hà) và suối nước nóng ở Rô Mô (Đa Kai) tuy chưa được khai thác nhưng là nơi chữa bệnh, an dưỡng và là điểm du lịch lý thú.

 

Khoáng sản Đức Linh chủ yếu là đất sét, đá vôi. Nơi đây từ xa xưa là vùng núi lửa hoạt động. Dấu vết miệng núi lửa ở đồi Bảo Đại (Đức Hạnh), núi Sụp (Rô Mô), Bàu Sụp (Mé Pu) và những hòn đá nằm rải rác quanh các cánh đồng do nham thạch phun ra là một minh chứng. Các khoáng sản quý khác đang được điều tra, khảo sát, có nhiều cơ sở để hy vọng.

 

Năm 1887, cụ Nguyễn Thông, một quan chức của triều Nguyễn khi khảo sát vùng Đức Linh đã ca ngợi núi rừng ở đây: “cây cổ thụ, trú tre che kín mặt trời” đồng ruộng: “phẳng phiu rộng lớn”, “ruộng đất cao thấp đều nhau”, “cá tôm đầy rẫy”; giá trị của nó “là cái kho vô tận nuôi sống dân địa phương”.

 

Thời phong kiến, người dân tộc ở đây được tổ chức thành các man, các sách, như sách Võ Xu, Võ Đạt, My Phu... Qua thời gian, những sách như Cẩm Hưng, Võ Mang, Lão Lâm (Bắc, Nam sông La Ngà) đến sách Võ Xu thì nay không còn nữa. Nhà Nguyễn ít chú ý đến vùng này, mặc dù còn lưu truyền rằng chính Nguyễn Ánh đã từng đóng quân ở đây, khai khẩn, luyện tập, chống lại nhà Tây Sơn. Đến năm 1951, khi chính quyền Bảo Đại lập Hoàng triều Cương thổ, bao gồm các tỉnh Tây Nguyên hiện nay, trong đó có vùng đất của Đức Linh, Bảo Đại mới thường hay qua lại săn bắn, nghỉ mát ở núi Con Sò và câu cá ở Đa Kai.

 

Sau khi chiếm được lục tỉnh, thực dân Pháp cho người điều tra, vẽ bản đồ nhằm từng bước khai thác vùng đất này và khi biết Nguyễn Thông cũng đã khảo sát, chúng gửi công hàm cho vua nhà Nguyễn để phản đối. Năm 1935, chúng lập huyện Tánh Linh; còn Võ Đắt lúc đó thuộc Biên Hoà và chúng đóng đồn ở núi Con Sò (đồi Bảo Đại), khi cần điều quân từ Gia Ray lên. Nhiều tên thực dân mang theo muối, vải lên mua chuộc, lôi kéo đồng bào dân tộc.

 

Con người xuất hiện ở Đức Linh rất sớm, đàn đá, rìu đá được tìm thấy ở Đa Kai đã chứng minh cho điều đó. Chủ nhân lâu đời ở đây là người dân tộc Châu Ro, K′ Ho, Châu Mạ. Trước cách mạng tháng 8/1945, đồng bào sống rải rác ven sông, suối, bàu nước. Mỗi man, sách có độ trên mươi nóc nhà, cách nhau vài ba giờ đi bộ. Tập quán sản xuất theo lối du canh, du cư. Cả vùng sông La Ngà có khoảng vài ngàn người. Trong kháng chiến chống Pháp, địch xúc tán dân ở rải rác trong các vùng thuộc Đức Linh ngày nay đưa về Tánh Linh; ta đấu tranh đưa dân về xây dựng căn cứ ở Xuyên Mộc. Sau năm 1954, địch khai hoang vùng thung lũng sông La Ngà, chúng dồn đồng bào dân tộc xuống vùng đồng bằng. Năm 1956, địch dồn dân 3 xã La Ngâu, Mang Tố, La Dạ xuống vùng đồng bằng ở La Ngâu hiện nay, có một trung đội dân vệ đóng chốt giữ khu tập trung này. Đến năm 1957, chúng lại dồn dân ở La Ngâu về các khu tập trung Bắc Ruộng, Tà Bao, Đồng Kho. Đến đầu năm 1960, chúng lại dồn tiếp dân ở các tổng Tố La, Cà Dòn của hai huyện Bảo Lộc, Di Linh. Đến ngày 31 tháng 7 năm 1960 ta đánh chi khu, phá khu tập trung Hoài Đức - Bắc Ruộng, đồng bào dân tộc La Ngâu, Mang Tố, Tố La trở lại làng xóm cũ. Nhưng sau đó một thời gian, đồng bào ở Măng Tố, La Ngâu do khó khăn về đời sống trở về lại khu tập trung; đồng bào Tố La do chuẩn bị tốt giống bắp, lúa nên bám trụ sản xuất. Suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt, một số đồng bào ở Thân Đức (Mé Pu) chuyển lên Lâm Đồng, sau ngày giải phóng miền Nam, ta vận động định canh, định cư, đồng bào trở về lại. Hiện nay, ở huyện Đức Linh còn 3 thôn có đồng bào dân tộc sinh sống tập trung, đó là thôn 9 xã Mé Pu, thôn 7 xã Đức Tín và thôn 4 xã Trà Tân.

 

Trước cách mạng tháng 8/1945, người Kinh rất ít, họ đến làm nghề rừng, sống ven lộ, tập trung chủ yếu ở Võ Đắt. Đến sau năm 1954, Mỹ - Diệm thực hiện chính sách dinh điền đưa dân các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi... vào khai thác vùng thung lũng sông La Ngà, dân số tăng lên đáng kể. Từ năm 1970, địch đưa đồng bào Việt kiều ở Campuchia, đồng bào ở Lăng Cô, ở Quảng Trị về đây sinh sống. Đồng bào khu V thường là những gia đình có người đi kháng chiến, là đối tượng khủng bố của địch. Do đã sống trong vùng tự đo Liên khu V, được sự giáo dục của Đảng, của cách mạng thời kỳ kháng chiến chống Pháp nên dù bị xúc phạm, kìm kẹp, nhiều cán bộ, đảng viên vẫn một lòng theo Đảng chiến đấu hy sinh.

 

Sau giải phóng, nhân dân từ Sài Gòn, Phan Thiết, Hàm Tân, Thái Bình, Bình – Trị - Thiên và một số tỉnh khác đến với số lượng đông, đa số đi có tổ chức và một số đi tự do làm cho dân số ở Đức Linh tăng nhanh. Đến nay, mọi người đều hoà hợp trong một cộng đồng chung, chiến đấu và xây dựng trên quê hương mới.

 

Trong nhân dân có nhiều tôn giáo, đông nhất là Phật giáo, đến Thiên chúa giáo, Cao Đài, Tin lành.... Các tôn giáo có một vai trò nhất định trong đời sống xã hội. Địch ra sức lợi dụng lòng tín ngưỡng của giáo dân nhằm đối lập với cách mạng, làm chỗ dựa cho chúng. Quần chúng cách mạng cũng biết lợi dụng danh nghĩa tôn giáo để đấu tranh với địch. Mặc dù bị địch khống chế, giáo dân vẫn yêu nước, tốt đời đẹp đạo, đóng góp nhiều vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

 

Đức Linh là nơi hẻo lánh. Đến khoảng năm 1940-1941, thực dân Pháp mở đường Goòng từ Trảng Táo đến núi Dinh, mở đường từ Ông Đồn đi Võ Đắt để khai thác gỗ. Chúng bắt dân địa phương làm đường theo chế độ sưu dịch. Mỗi người làm 15 ngày công. Nhà nào có trâu, bò thì mỗi con cũng 15 ngày công. Lao động hoàn toàn bằng thủ công. Những gốc cây to, những hòn đá lớn đã hút kiệt sức người. Ốm đau, bệnh tật không hề có thuốc. Thậm chí những người đập đá ở đồi Bảo Đại bị sập chế một lúc hai, ba chục người chúng cũng không bồi thường. Sau đó, chúng dựa vào bọn hương trưởng để khai thác, bóc lột nhân dân. Khi xuất hiện các chủ xe be, một số người Kinh đến buôn bán ở Võ Đắt. Đến thời Mỹ - Nguỵ, trong xã hội phân hoá rõ, một số dựa vào đặc quền bao chiếm ruộng đất, sử dụng máy móc, thuê mướn nhân công, các nhà tư sản mở các xưởng chế biến gỗ, các tiệm buôn bán, kinh doanh.

 

Mặc dù có thiên nhiên ưu đãi, nhưng đời sống của nhân dân ở đây còn nhiều khó khăn, cực khổ. Do đó, ngoài mâu thuẫn chủ yếu là giữa ý thức độc lập tự do với thân phận nô lệ, căm thù giặc cướp nước, còn có mâu thuẫn giữa bọn thống trị, ác ôn, tư sản với ngưới lao động và người dân mang truyền thống yêu nước của dân tộc đã tạo nên tinh thần quật khởi của nhân dân Đức Linh.

 

Đức Linh còn có một vị trí chiến lược quan trọng cả trong xây dựng và chiến đấu. Ở đây hội tụ ý nghĩa của cả ba vùng đất chiến lược. Tuy hẻo lánh, rừng núi bao bọc, nhưng thông thương dễ dàng bởi gần các trục đường giao thông chính. Con đường số 3 xuyên suốt chiều dài của huyện nối liền với quốc lộ I ở ngã ba Ông Đồn; đường 20 ở Phương Lâm với Lâm Đồng và với Tánh Linh ở hai đường 335, 336 (nay là tỉnh lộ 710, 713). Lực lượng cách mạng đóng căn cứ ở dây có thể xây dựng cả hàng sư đoàn. Trong tiến công có điều kiện phát triển lên Nam cao nguyên, xuống đồng bằng ven biển và cùng Đông Nam bộ để uy hiếp Sài Gòn của địch. Trong hai cuộc kháng chiến vừa qua, ta đều xây dựng tuyến hành lang chiến lược qua đây nối liền với các chiến trường quan trọng. Từ năm 1967, vùng căn cứ Đức Linh còn có đoàn H50, H60, đoàn Trung Sơn vận tải hàng từ biên giới Việt Nam - Capuchia về khu VI, về Bình Thuận. Sau khi được giải phóng trong năm 1964-1965, Đức Linh trở thành khu căn cứ, cung cấp sức người sức của cho kháng chiến. Nhiều chiến dịch có ý nghĩa chiến lược được mở ra ở đây. Trong thời kỳ đầu sau giải phóng, Đức Linh là trọng điểm lúa và ngày nay là trọng điểm cây công nghiệp xuất khẩu của tỉnh.

 


  • |
  • 1035
  • |

Các tin khác