Đức Linh - Kiểm tra, ngăn chặn và phòng bệnh chổi rồng trên cây khoai mỳ

  • /
  • 11.7.2011 - 0:0

Hiện nay, diện tích cây mỳ (sắn) trên địa bàn huyện Đức Linh khoảng 3.127 ha, tập trung nhiều ở các xã Đông Hà, Trà Tân, Tân Hà, Đức Hạnh, Đức Tín, Mé Pu, Sùng Nhơn, Đa Kai. Gần đây, qua kiểm tra và phát hiện trên một số diện tích trồng mỳ có xuất hiện một loại bệnh gọi là bệnh “chổi rồng” ở Đức Tín.

Bệnh “chổi rồng”- ban đầu xuất hiện trên lá, lá mỳ (sắn) vàng rồi xoăn lại, đọt cây xì mủ, thân sắn ngả sang màu thâm đen rồi chết. Cây sắn bị bệnh ở giai đoạn trước thu hoạch mọc nhiều chồi ngọn và chồi thân. Những cây bị nặng, lá nhỏ lại và thô cứng, các đốt thân ngắn lại, trên thân và củ phần tiếp giáp với vỏ chuyển sang màu thâm đen, chồi bị chết khô. Cây sắn bị bệnh sớm thường không cho thu hoạch, cây bị bệnh thường giảm 10-20% năng suất và giảm 20-30% hàm lượng tinh bột. Vì vậy nếu không được phòng ngừa sẽ lây lan nhanh làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng khoai mỳ lúc thu hoạch và làm giảm thu nhập của bà con nông dân.

Do đó, để chủ động hạn chế tác hại, lây lan của bệnh, chúng ta cần tập trung vào các biện pháp sau:

- UBND các xã, thị trấn có diện tích trồng mỳ khẩn trương điều tra diện tích mỳ bị nhiễm bệnh báo cáo về các ngành chức năng để có hướng tham mưu xử lý.

- Hiện nay, bệnh “chổi rồng” chưa có thuốc đặc trị, do đó áp dụng các biện pháp thâm canh cây mỳ theo hướng sản xuất bền vững: chọn giống và hom giống thật kỹ, xử lý hom giống bằng thuốc trừ nấm trước khi trồng, bón phân cân đối đầy đủ, phòng trừ bệnh vàng lá mỳ sớm, kịp thời.

- Hạn chế trồng và thay thế dần giống mỳ KM 94 (giống mỳ KM 94 dễ nhiễm bệnh nhất) sang trồng giống mỳ KM 85, KM 98, KM 140. Không nên đem giống từ vùng nhiễm bệnh về làm giống để tránh sự lây lan.

- Khi phát hiện bệnh cần tiến hành vệ sinh vùng đất, tiêu huỷ triệt để những cây mỳ bị bệnh, chỉ sử dụng những giống mỳ từ vùng chưa bị bệnh và cây mỳ sạch để làm giống..

- Đối với diện tích mỳ bị nhiễm bệnh chờ thu hoạch hiện nay, bà con cần tập trung thu hoạch nhanh gọn, vệ sinh tàn dư cây trồng vụ trước, thu gom và đốt để tiêu diệt mầm bệnh.

- Đối với diện tích đang chờ trồng mới, những chân đất đã bị nhiễm bệnh nặng cần hạn chế trồng mỳ lại.

- Trước khi trồng vị mới, bón từ 25-30 kg vôi bột khô/sào, sau khi bón vôi cần phơi đất 20-15 ngày trước khi trồng, bón phân đầy đủ và khuyến cáo nông dân trồng mỳ xen trồng lạc để bổ sung chất dinh dưỡng cho đất, cần tiến hành xử lý hom giống bằng cách dùng vôi hoà loãng nồng độ 5% ngâm hom giống khoảng 8-10 phút để diệt vi sinh vật, ngăn ngừa bệnh gây hại cho cây mỳ.


  • |
  • 1347
  • |

Các tin khác