Đức Linh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở

     Đảng bộ huyện Đức Linh hiện có 221 chi bộ trực thuộc 19 Đđng bộ cơ sở, hầu hết các chi bộ thực hiện tốt nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát, trong đó đã tập trung kiểm tra, giám sát đảng viên trong việc chấp hành quy định về những điều đảng viên không được làm, về thực hiện nhiệm vụ được giao, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

     Công tác kiểm tra, giám sát là chức năng lãnh đạo của Đảng, bộ phận quan trọng trong công tác xây dựng Đảng; lãnh đạo phải có kiểm tra, giám sát; lãnh đạo mà không có kiểm tra, giám sát thì coi như không có lãnh đạo. Trong công cuộc đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng, đặt ra cho Đảng ta và đội ngũ đảng viên những đòi hỏi và yêu cầu mới, trong đó công tác kiểm tra, giám sát của Đảng phải được đổi mới và tăng cường hơn nữa.

     Đảng bộ huyện Đức Linh hiện có 221 chi bộ trực thuộc 19 đảng bộ cơ sở, hầu hết các chi bộ thực hiện tốt nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát, trong đó đã tập trung kiểm tra, giám sát đảng viên trong việc chấp hành quy định về những điều đảng viên không được làm, về thực hiện nhiệm vụ được giao, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thời gian qua, công tác kiểm tra, giám sát ở chi bộ từng bước được quan tâm hơn; việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát từng bước được công khai, dân chủ hơn, qua kiểm tra, giám sát có kết luận, thông báo kết quả kiểm tra, giám sát cụ thể, rõ ràng,.. đã góp phần vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của đảng bộ cơ sở và xây dựng Đảng bộ huyện Đức Linh ngày càng vững mạnh hơn. Tuy nhiên, thẳng thắn đánh giá công tác kiểm tra, giám sát của các chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở vẫn còn có mặt hạn chế, như: một số chi bộ phân công đảng viên không phải là chi ủy phụ trách công tác kiểm tra, giám sát, nên có tâm lý ngại va chạm, thiếu bản lĩnh và trách nhiệm khi thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát nên hiệu quả và chất lượng công tác kiểm tra, giám sát chưa cao; đa số đảng viên được phân công làm công tác kiểm tra, giám sát là kiêm nhiệm, thời gian chủ yếu dành cho công việc chuyên môn, nên chưa có nhiều thời gian đầu tư, nghiên cứu văn bản và tài liệu liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát. Nhiều chi bộ chưa có kế hoạch kiểm tra giám sát năm hoặc nhiệm kỳ, một số chi bộ có xây dựng nhưng chưa sát với tình hình thực tế và nội dung kiểm tra, giám sát chưa tập trung vào việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, việc thực hiện nhiệm vụ chi bộ phân công, việc khắc phục, sửa chữa hạn chế, khuyết điểm sau kiểm điểm phê bình và tiếp thu phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng Đảng. Số lượng đảng viên được kiểm tra, giám sát hàng năm còn ít nên dấu hiệu vi phạm và khuyết điểm của đảng viên chậm được phát hiện để sửa chữa, uốn nắn, ngăn ngừa vi phạm. Công tác giải quyết đơn thư tố cáo, phản ánh của đảng viên, một số chi bộ còn xem nhẹ nên giải quyết chưa đúng quy trình, biên bản làm việc chưa thể hiện cụ thể, rõ ràng tính chất, mức độ khuyết điểm, vi phạm của đảng viên bị tố cáo, phản ánh.

     Nguyên nhân của hững hạn chế trên là do Bí thư chi bộ và đảng viên được phân công phụ trách công tác kiểm tra, giám sát của chi bộ chủ yếu kiêm nhiệm nên hoạt động kiểm tra, giám sát chưa thực sự ngang tầm với nhiệm vụ. Một số đồng chí thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát chưa được tập huấn, bồi dưỡng về nghiệp vụ và thiếu đầu tư nghiên cứu chuyên sâu về nghiệp vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng, nên việc nắm vững các quy định, quy trình, thủ tục còn hạn chế; sự quan tâm, đầu tư, chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ của ủy ban kiểm tra cơ sở đối với các chi bộ về công tác kiểm tra, giám sát còn ít. Đảng viên làm công tác kiểm tra, giám sát ở chi bộ đều kiêm nhiệm và không được hưởng phụ cấp hoặc bồi dưỡng nào nên cũng một phần ảnh hưởng đến quyền lợi của cán bộ. Một số chi bộ chưa thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, triển khai chỉ thị, nghị quyết, quy định, hướng dẫn của cấp trên về công tác kiểm tra, giám sát đến tất cả đảng viên trong chi bộ một cách sâu kỹ. Đảng viên làm công tác kiểm tra, giám sát chưa nhận thức đầy đủ, đúng về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng của chi bộ; còn nể nang, né tránh, chưa quyết liệt; chưa chủ động trong nắm bắt tình hình đảng viên để sớm phát hiện vi phạm; thiếu kiểm tra việc khắc phục sửa chữa những khuyết điểm, sai phạm sau kiểm tra, giám sát.

     Trong thời gian tới, các chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát; tạo sự chuyển biến về tư tưởng, nhận thức và hành động trong chi bộ về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng; đồng chí bí thư chi bộ phải có nhận thức đúng, đầy đủ về vị trí, vai trò, ý nghĩa, tác dụng của công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng của chi bộ. Cấp ủy cơ sở phải tăng cường lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát. Qua kiểm tra, giám sát thường xuyên, có nề nếp sẽ có tác dụng thúc đẩy và giáo dục đảng viên, cán bộ làm nhiệm vụ đối với Đảng, đối với Nhà nước, là gương tốt cho nhân dân, nâng cao ý thức tự phê bình và phê bình, thấy đúng phải bảo vệ, thấy sai phải đấu tranh. Mặt khác, cũng góp phần phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, tình trạng quan liêu, tiêu cực góp phần làm trong sạch đội ngũ đảng viên. Việc kiểm tra, giám sát được tiến hành thường xuyên, đúng nguyên tắc có ý nghĩa đảm bảo cho đường lối, chủ trương, chính sách, nghị quyết được xác định đúng, ngày càng hoàn thiện, được chấp hành triệt để và đi vào cuộc sống. Tăng cường sự lãnh đạo tổ chức thực hiện của cấp ủy đối với công tác kiểm tra, giám sát là nhiệm vụ rất quan trọng có ý nghĩa quyết định đến việc lãnh đạo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của nghị quyết, chương trình, kế hoạch của chi bộ được tổ chức thực hiện đồng bộ, có hiệu quả hơn./.


Các tin khác