Phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên trong công cuộc xây dựng nông thôn mới hiện nay

     Vấn đề nêu gương của cán bộ, đảng viên không chỉ là nhiệm vụ, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên. Đây là một trong năm phương thức lãnh đạo quan trọng của Đảng ta. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đặc biệt coi trọng vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, coi đó là một trong những giải pháp cơ bản để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; đồng thời là phương thức nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, để Đảng thật sự “là đạo đức, là văn minh”.

     Trong lãnh đạo, chỉ đạo ở cơ sở đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị không chỉ giỏi về chuyên môn, ra được nghị quyết hay, xây dựng được đề án, kế hoạch, lộ trình tổ chức thực hiện, huy động được nguồn lực tốt, mà còn đòi hỏi ở mỗi cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị ở cơ sở phải làm tốt vai trò nêu gương, nhất là trong thực hiện xây dựng nông thôn mới. Trong cuộc sống hàng ngày, từ ăn, ở, lao động, sinh hoạt, hành vi ứng xử, đến mức độ đóng góp trong xây dựng nông thôn mới của mỗi cán bộ, đảng viên đều là một tấm gương để nhân dân nhìn vào, học tập và noi theo.

     Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Một tấm gương sống còn có giá trị hơn cả trăm bài diễn văn tuyên truyền. Cuộc đời Người là tấm gương ngời sáng về sự cống hiến, hi sinh vì độc lập dân tộc và tự do, hạnh phúc của nhân dân; là tấm gương cao đẹp cả về tư tưởng, đạo đức và phong cách; tấm gương sống động về sự kết hợp nhuần nhuyễn và nhất quán giữa lý luận và thực tiễn, nói đi đôi với làm. Là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, Người thường xuyên căn dặn, chỉ dẫn cho cán bộ, đảng viên phải thường xuyên nêu gương tốt trong mọi hoàn cảnh, trong mọi công việc, từ nhỏ đến lớn. Và để việc nêu gương đạt kết quả, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau.

     Quán triệt tư tưởng ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đã thường xuyên, liên tục bổ sung, phát triển nội hàm “nêu gương” cũng như quy định cụ thể về nhiệm vụ, yêu cầu, trách nhiệm thực hiện vai trò nêu gương của các tổ chức trong hệ thống chính trị và của mọi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương. Từ năm 2006 đến nay, Bộ Chính trị liên tiếp ban hành Chỉ thị số 06-CT/TW, ngày 07/11/2006 về tổ chức Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 14/5/2011 về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Và mới đây, Bộ Chính trị (khóa XIII) đã ban hành Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đặc biệt, Ban Bí thư Trung ương Đảng cũng đã ban hành Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 07/6/2012 “về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp” quy định rõ trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên là phải tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cán bộ có chức vụ càng cao càng phải gương mẫu; Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị “về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”, đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò nêu gương mọi lúc, mọi nơi của cán bộ, đảng viên. Và mới đây nhất, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25/10/2018 “về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”. Việc nêu gương của cán bộ, đảng viên đã được đề cập từ lâu, đề cập nhiều lần trong các văn bản, nghị quyết, quy định của Đảng. Nhưng đây là lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương ban hành một quy định, trong đó đề cập cụ thể trách nhiệm nêu gương của các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng cho thấy tính công khai, minh bạch, dân chủ trong Đảng ngày càng được phát huy. Đề cao trách nhiệm nêu gương với những quy định cụ thể, dễ nhớ, dễ làm và dễ kiểm tra, giám sát đã nhận được sự đồng tình của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

     Thực tế cho thấy, dân tin yêu Đảng, một lòng một dạ đi theo Đảng, bắt đầu từ những con người cụ thể, những tấm gương tiêu biểu. Trong kháng chiến chống Mỹ, những tấm gương anh dũng hy sinh như Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Viết Xuân… đã dấy lên các phong trào thi đua yêu nước, biến căm thù thành sức mạnh đánh thắng giặc Mỹ, quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, những cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu hiến đất xây trường, làm đường, góp phần xây dựng nông thôn mới, những tấm gương dũng cảm hy sinh vì bình yên cuộc sống nhân dân, say mê tìm tòi trong lao động sản xuất, những tấm lòng thiện nguyện, sẵn sàng sẻ chia vì cộng đồng… đã góp phần làm lan tỏa sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới.


Các tin khác