Theo đó, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đề ra mục tiêu là phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, sạch, an toàn, bảo vệ môi trường sinh thái, có khả năng chống chọi với dịch bệnh và biến đổi khí hậu. Nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện, trong đó chú trọng phát triển các sản phẩm OCOP, phấn đấu đến năm 2025 có 20 sản phẩm đạt chứng nhận 3 sao, 4 sao. Đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Phấn đấu đến năm 2030, ngành nông nghiệp của huyện áp dụng và nhân rộng các ứng dụng công nghệ cao đạt trình độ khá trên địa bàn tỉnh.
Phấn đáu tốc độ tăng giá trị sản xuất giai đoạn 2021-2025 đạt 3,0%/năm. Cơ cấu giá trị sản xuất trong nội bộ ngành nông nghiệp trồng trọt chiếm 55%, chăn nuôi chiếm 30% và dịch vụ nông nghiệp chiếm 15%. Phấn đấu giá trị sản xuất trên 1ha đất sản xuất nông nghiệp đến năm 2025 đạt 140-150 triệu đồng, định hướng đến năm 2030 đạt trên 170 triệu đồng/ha; diện tích sản xuất hữu cơ đạt khoảng 1,0-1,5% tổng diện tích đất nông nghiệp; tỷ lệ diện tích tưới chủ động trong tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp từ 70% trở lên. Tỷ lệ sản phẩm sử dụng phân bón hữu cơ đạt trên 15% trong tổng phân bón được sử dụng trên địa bàn; giữ ổn định tỷ lệ độ che phủ rừng 60% và nâng cao chất lượng rừng.
Để thực hiện đạt mục tiêu nêu trên, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đề ra các nhóm nhiệm vụ và giải pháp cần tập trung thực hiện. Trong đó, xác định việc đầu tiên cần làm là vấn đề quy hoạch phát triển nông nghiệp trên địa bàn huyện gắn với quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới, từ đó hình thành các khu sản xuất tập trung, trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp, khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh đó, tổ chức, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp hợp lý. Tập trung thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp. Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Phát triển mô hình Hợp tác xã, Tổ hợp tác gắn với xây dựng nông thôn mới. Khai thác có hiệu quả các chứng nhận sản phẩm nông sản, an toàn thực phẩm. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về nông nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị tăng cao.
Huyện ủy yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành từ huyện tới cơ sở phải xác định gắn việc chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn với các chương trình, kế hoạch, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát để đảm bảo việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ đạt hiệu quả, chất lượng và đúng tiến độ kế hoạch đề ra. Việc tổ chức thực hiện phải có sự phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng đối với từng cơ quan, đơn vị, địa phương; đồng thời, phải đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các ngành, các cấp nhằm thực hiện hiệu quả kế hoạch đề ra.