Đức Linh: Sau 04 năm thực hiện Quyết định số 938/QĐ-TTg, ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ

       Sau hơn 4 năm thực hiện Quyết định số 938/QĐ-TTG ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017- 2027” (đề án 938), các cấp hội phụ nữ trên địa bàn huyện Đức Linh đã đa dạng hoá hình thức tuyên truyền, xây dựng các mô hình hiệu quả. Qua đó, nâng cao nhận thức, phát huy vai trò chủ động của phụ nữ tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ, trẻ em.

       Ngày 27/3/2019, UBND huyện Đức Linh đã ban hành Kế hoạch số 36/KH-UBND về việc triển khai thực hiện đề án 938 trên địa bàn huyện, trong đó giao Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện là cơ quan chủ trì phối hợp với các ban, ngành triển khai đề án. Đề án có mục tiêu chung là truyền thông, hỗ trợ phụ nữ nâng cao kiến thức, chuyển đổi hành vi, phát huy vai trò chủ động của phụ nữ tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ. Đề án tập trung vào các nội dung tuyên truyền như: An toàn thực phẩm, giáo dục cha mẹ về chăm sóc và bảo vệ trẻ em, phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới… Do đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã chỉ đạo các cấp hội đa dạng hoá hình thức tuyên truyền, xây dựng và nhân rộng các mô hình hiệu quả trong triển khai đề án, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ hội chuyên trách, đẩy mạnh giám sát, phản biện xã hội về các vấn đề liên quan đến phụ nữ.

       Theo đó, các cấp hội phụ nữ đã chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động truyền thông, các nội dung tuyên truyền của đề án. Từ năm 2017 đến nay, các cấp hội đã phối hợp với các cơ quan liên quan mở 46 lớp tập huấn có 2.764 hội viên, phụ nữ tham dự; tổ chức 08 buổi truyền thông về “xây dựng một cộng đồng an toàn lành mạnh cho phụ nữ và trẻ em” và một số kỹ năng giúp trẻ phòng tránh nguy cơ bị xâm hại có 1.176 hội viên phụ nữ tham dự. Hội còn tranh thủ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh mở 02 lớp tập huấn Đề án 938 cho 150 hội viên, phụ nữ trên địa bàn xã Nam Chính và Đức Hạnh. Ngoài ra, Hội còn phát động phong trào thi đua, tổ chức các hoạt động thiết thực đến quyền, lợi ích của phụ nữ và trẻ em như: Họp mặt, toạ đàm, hội thảo, tổ chức Hội thi “Chung tay bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái”, “Phụ nữ với kiên thức gia đình”, cuộc thi “Nét đẹp áo dài”… gắn với triển khai thực hiện đợt thi đua đặc biệt năm 2020 “90 hành động thiết thực vì phụ nữ và trẻ em”…

       Các cấp hội cũng chú trọng xây dựng, duy trì và nâng cao hiệu quả các mô hình vận động, hỗ trợ phụ nữ chủ động giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ. Trong 04 năm triển khai thực hiện Đề án, đã thành lập và duy trì 01 “tổ phụ nữ tiền hôn nhân” có 10 thành viên, 12 tổ “Phụ nữ tuyên truyền phòng chôgs xâm hại phụ nữ, trẻ em” có 180 thành viên; 02 mô hình “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” có 19 thành viên, 01 tổ “Phụ nữ tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình” có 10 thành viên; 89 địa chỉ tin cậy (trong đó, có 41 địa chỉ tin cậy tập thể, 48 địa chỉ tin cậy cá nhân)... Thông qua các mô hình góp phần nâng cao năng lực, kiến thức cho phụ nữ trong tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ. Từ đó, hội viên phụ nữ mạnh dạn, chủ động hơn, sẵn sàng lên tiếng, nắm được cách thức để bảo vệ bản thân tránh khỏi bạo lực, giải quyết các vấn đề xã hội liên quan trong cuộc sống hằng ngày.

       Có thể nói, sau hơn 4 năm thực hiện đề án đã mang lại hiệu quả bước đầu, góp phần nâng cao nhận thức và hành động của người dân, phụ nữ về ý thức chấp hành pháp luật; từ đó, phát huy tính chủ động của phụ nữ trong tham gia giải quyết các vấn đề xã hội có liên quan đến phụ nữ, góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực, nâng cao chất lượng cuộc sống của phụ nữ, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, trong bối cảnh đất nước đang trong quá trình đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, sự tác động tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường đã phần nào ảnh hưởng không nhỏ đến việc nuôi dạy con trong gia đình, tình trạng bạo lực gia đình, xâm hại tình dục trẻ em, vấn đề an toàn thực phẩm... Điều đó càng khẳng định sự cần thiết phải đẩy mạnh việc tuyên truyền, triển khai Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027” trên địa bàn huyện là vô cùng cần thiết và có ý nghĩa quan trọng. Từ đó khẳng định, việc triển khai thực hiện Đề án đã giúp hội viên, phụ nữ nâng cao nhận thức, hình thành nếp sống theo Hiến pháp và pháp luật, góp phần thúc đẩy hội viên phụ nữ chủ động tham gia các hoạt động xã hội một cách mạnh mẽ, tích cực hơn. Vai trò “lên tiếng” của tổ chức Hội phụ nữ trong các vụ việc liên quan đến quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của phụ nữ, trẻ em đã được cải thiện đáng kể./.


Các tin khác