Đức Linh - Kết quả 2 năm thực hiện Kết luận 123 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển toàn diện dân sinh, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số

  • /
  • 1.8.2013 - 17:7

Qua 02 năm thực hiện Kết luận số 123-KL/TU và 8 năm thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đạt được những kết quả đáng kể.

 

Nhìn chung, quá trình triển khai thực hiện chính sách giải quyết cấp đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số cả hệ thống chính trị quan tâm và nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đồng bào đang có nhu cầu bức xúc về đất sản xuất.

           Về phát triển đàn bò và thu hồi nợ mua bò: Năm 2006, thực hiện chính sách cho vay vốn để phát triển chăn nuôi bò đến đồng bào DTTS ở 3 thôn xen ghép với tổng cộng có 208 hộ được vay vốn mua 349 con bò (Trà Tân 147 con, Đức Tín 173 con, Mé Pu 28 con) với số tiền 1.676.008.000 đồng. Hiện nay, đàn bò trên 3 thôn có được là 586 con (trong đó: thôn 4 - Trà Tân 452 con, thôn 7 - Đức Tín 120 con và thôn 9 - Mé Pu 14 con).

         Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi: Diện tích đất sản xuất của 3 thôn đồng bào DTTS xen ghép trên địa bàn chủ yếu là đất lúa, đất màu, đất cây điều, cà phê, cao su. Đất lúa: diện tích canh tác 172 ha gồm: Trà Tân 72 ha, Đức Tín 42 ha, Mé Pu 58 ha, chủ yếu gieo trồng 2 vụ lúa. 

          Thực hiện chủ trương phát triển cây cao su vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong 2 năm qua người dân đã mạnh dạn chuyển đổi 39 ha cây điều kém hiệu quả sang trồng cây cao su 33 ha và cây cà phê 6 ha. Đáng chú ý đã có hộ có diện tích cao su đang thời kỳ thu hoạch đem lại nguồn thu đáng kể, kinh tế hộ gia đình ngày càng khá hơn. Ngoài ra, một số hộ đã thực hiện trồng xen ghép cây ca cao dưới tán điều với diện tích 3 ha ở xã Trà Tân và trồng 7 ha cây mít nghệ, mít Thái Lan đang giai đoạn kiến thiết cơ bản. Về Con nuôi, trước đây với truyền thống và tập tục chăn nuôi của mình, bà con đồng bào luôn duy trì và xác định con bò, con dê là con nuôi chủ lực của gia đình, những năm gần đây cùng với việc hỗ trợ của Nhà nước về vốn và kỹ thuật nuôi nên đồng bào đã đầu tư phát triển chăn nuôi heo, nuôi gà thả vườn để phát triển kinh tế gia đình, đã góp phần đa dạng hóa con nuôi, tạo thêm nguồn thu nhập cải thiện đời sống.

               Nhìn chung, thông qua chương trình đầu tư ứng trước đã giúp cho đồng bào DTTS có đủ giống, vật tư phân bón, hàng hoá để sản xuất, bao tiêu sản phẩm với giá cả phù hợp; hạn chế được tình trạng cho vay nặng lãi, ép giá sản phẩm của tư thương; thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hoá, góp phần tăng thu nhập ở vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện.

Công tác vệ sinh phòng, chống dịch bệnh được duy trì, bệnh sốt rét được kiểm soát có hiệu quả, không có trường hợp tử vong do sốt rét. Tỷ lệ trẻ em được tiêm phòng đủ 6 bệnh truyền nhiễm đạt trên 95%, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn 15%, đã cơ bản loại trừ uốn ván sơ sinh, tỷ lệ phụ nữ có thai được tiêm 2 mũi vắcxin phòng uốn ván đạt trên 90%; tỷ lệ phụ nữ sinh tại trạm y tế tăng. Các chương trình y tế quốc gia ở vùng đồng bào DTTS được quan tâm triển khai thực hiện đạt hiệu quả, đồng bào đã có ý thức trong việc khám, chữa bệnh, sinh đẻ tại trạm y tế, nhiều chỉ số sức khoẻ tăng như: tuổi thọ trung bình, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em.

Các hoạt động văn nghệ thể thao, lễ hội truyền thống được duy trì tổ chức thường xuyên, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai rộng khắp, góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS.

Hàng năm huyện đã phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh triển khai các chương trình, dự án nước sạch, vệ sinh môi trường ở các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số của 3 xã trong huyện bằng nhiều hình thức và nguồn vốn khác nhau như: chương trình mục tiêu quốc gia; chương trình 120, 134, 135..., ngoài ra còn sử dụng từ các nguồn vốn ưu đãi từ của Ngân hàng Chính sách xã hội. Tính đến nay trên địa bàn huyện đã có hệ thống nước sinh hoạt hợp vệ sinh đến thôn 7 - xã Đức Tín, còn lại chủ yếu là sử dụng nước giếng đào cơ bản đảm bảo hợp vệ sinh; tỷ lệ hộ được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 82%; có hệ thống thoát nước thải sinh hoạt đảm bảo; xây dựng các hố chứa rác để thuận lợi cho việc thu gom và xử lý rác thải; xây dựng các nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 50%, từ đó đã góp phần cải thiện môi trường sống của nhân dân.

           Cùng với việc triển khai các chính sách giảm nghèo, huyện cũng đã huy động bằng nhiều nguồn vốn để thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững cho đồng bào các thôn DTTS như: tín dụng ưu đãi hộ nghèo, khuyến nông, hỗ trợ nhà ở,…đã góp phần tạo điều kiện cho đồng bào phát triển sản xuất, cải thiện đời sống. Hộ nghèo ở các thôn thuần đồng bào DTTS (Trà Tân, Đức Tín, Mé Pu) đầu năm 2011 có 348 hộ/558 hộ DTTS chiếm 62,36%. Đến năm 2013 giảm còn 224 hộ/619 hộ DTTS chiếm 36,18%, giảm 26,18% so với năm 2011. Đã hỗ trợ xây dựng 24 căn nhà cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số; năm 2013 theo khảo sát còn 13 căn cần hỗ trợ.

Thực hiện Quyết định số 2452/QĐ-UBND, ngày 05/12/2012 của UBND tỉnh Bình Thuận về việc ban hành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020, trong đó huyện Đức Linh ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông, giáo dục và thủy lợi.           

Tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện cơ bản ổn định. Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” được nhân dân nhiệt tình ủng hộ. Công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS chấp hành các chính sách, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương; xây dựng nếp sống văn minh, xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế được tăng cường.

                                                                                   H.M.T


  • |
  • 921
  • |

Các tin khác