Đức Linh- Ý kiến góp ý khắc phục những bất cập trong dạy thêm, lạm thu và sử dụng các nguồn thu không đúng mục đích, phòng chống tiêu cực trong thi cử

  • /
  • 24.5.2013 - 14:32

Huyện Đức Linh không tổ chức Hội nghị mà tổ chức trưng cầu ý kiến ở các trường trong huyện (13/13 trường THCS, 32/32 trường Tiểu học) và huyện đã tổng hợp các ý kiến đóng góp vào Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy với các nội dung:

 

         Giáo dục là quốc sách hàng đầu của đất nước ta, sự nghiệp giáo dục luôn trên đà đổi mới. Vì vậy để có một nền giáo dục toàn diện cần phải khắc phục cơ bản những tiêu cực trong dạy thêm, chống lạm thu và sử dụng các nguồn thu không đúng mục đích làm ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả giáo dục.

          Nhằm khắc phục tình trạng trên, ngày 08/01/2013 Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 58-KH/TU và ngày 25/3/2013 Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 38-KH/BTGTU về thực hiện nội dung lấy ý kiến xây dựng Chương trình hành động khắc phục cơ bản những bất cập trong dạy thêm, học thêm, lạm thu và sử dụng nguồn thu không đúng mục đích; phòng, chống tiêu cực trong thi cử trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

          Huyện Đức Linh không tổ chức Hội nghị mà tổ chức trưng cầu ý kiến ở các trường trong huyện (13/13 trường THCS, 32/32 trường Tiểu học) và huyện đã tổng hợp các ý kiến đóng góp vào Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy với các nội dung:

         Việc khắc phục những bất cập trong dạy thêm, học thêm: việc học thêm, dạy thêm chủ yếu xuất phát từ nhu cầu của học sinh và phụ huynh. Tuy nhiên, việc giải quyết nhu cầu đó cần phải có những cơ chế, điều kiện trường lớp, số lượng thầy cô giáo, quỹ thời gian nhất định phù hợp với năng lực truyền thụ cũng như tiếp nhận kiến thức của học sinh. Việc dạy thêm cần có sự giám sát chặt chẽ của nhà trường về nội dung, chương trình học; cần nâng cao chất lượng dạy học, đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá chất lượng. Đặc biệt là đề kiểm tra định kỳ, đề kiểm tra cuối học kỳ phải bám sát, chuẩn kiến thức đã học tránh hiện tượng giáo viên dùng điểm số để gây sức ép buộc học sinh phải đi học thêm mà không xuất phát từ nhu cầu chính đáng của các em; cần có hoạt động tuyên truyền mạnh mẽ để phụ huynh học sinh hiểu được việc học thêm ở cấp THCS là chưa thật sự cần thiết. Đối với cấp Tiểu học không nên tổ chức dạy thêm, học thêm; tạo điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và các điều kiện phục vụ dạy và học để các trường tổ chức học đều 02 buổi/ngày; thường xuyên tổ chức sinh hoạt chuyên môn, định kỳ nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy trên lớp, đặc biệt quan tâm phụ đạo cho học sinh yếu kém.

         Về lạm dụng thu và sử dụng nguồn thu không đúng mục đích: để tránh lạm thu và sử dụng nguồn thu không đúng mục đích cần có văn bản quy định cụ thể về các khoản được phép thu phục vụ cho các hoạt động dạy và học cũng như các hoạt động khác; quy định các khoản được phép thu cụ thể đến từng cấp học; báo cáo thu, chi công khai thường xuyên trong toàn thể cán bộ giáo viên.

        Phòng chống tiêu cực trong thi cử: thực hiện học thực chất, thi thực chất; không giao chỉ tiêu thi đua bằng kết quả tốt nghiệp cho các trường; có biện pháp xử lý mạnh hơn đối với giáo viên coi thi vi phạm quy chế thi, quy định chấm thi; tăng cường công tác giáo dục cho học sinh ý thức tự giác trong học tập, thực hiện nghiêm túc quy chế thi. Bên cạnh đó, cần cụ thể hóa các biện pháp xử lý nhằm mục đích răn đe góp phần phòng, chống tiêu cực trong thi cử.

                                                                                                                              H.M.T


  • |
  • 824
  • |

Các tin khác