Năm 2010 toàn huyện đã cấp mới 235 giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hộ kinh doanh, bổ sung - thay đổi giấy chứng nhận ĐKKD cho 82 hộ, nghỉ hẵn kinh doanh 20 hộ; nâng tổng sổ hộ đăng ký kinh doanh trên địa bàn huyện 2.421 hộ, với tổng vốn đăng ký gần 278 tỷ đồng (năm 2010 vốn đăng ký kinh doanh là 28,341 tỷ đồng).
Trong năm tiến hành 02 đợt kiểm tra hoạt động kinh doanh của hộ cá thể, hầu hết các hộ thực hiện đúng quy định về đăng ký kinh doanh, bên cạnh đó một số hộ đã vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng cháy chữa cháy, giống cây trồng, giết mổ gia súc… đoàn kiểm tra đã nhắc nhở và tiến hành xử lý theo quy định.
Tính đến tháng 12/2010, toàn huyện có 102 doanh nghiệp đang hoạt động và thực hiện nghĩa vụ nộp thuế và báo cáo thuế hàng tháng theo đúng quy định; tuy nhiên, trên địa bàn huyện còn một số doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhưng chưa có trụ sở hoạt động và đặt bảng hiệu doanh nghiệp. Qua đó, cho thấy số doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh so với số doanh nghiệp thực tế hoạt động có sự chênh lệch.
Năm 2011, huyện Tánh Linh sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng trong toàn dân về chủ trương phát triển kinh tế tư nhân, xem vai trò của kinh tế tư nhân là một bộ phận thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện; chú trọng hình thức tuyên truyền trực quan. Thường xuyên kiểm tra việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký kinh doanh đối với hộ kinh doanh cá thể từ Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các xã, thị trấn đến Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện theo cơ chế liên thông một cửa tại Quyết định số 2129/QĐ-UBND ngày 20/8/2007 của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận về việc phê duyệt Đề án cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa liên thông” từ cấp xã, thị trấn đến huyện;
Rà soát, đánh giá về bộ máy hành chính cũng như môi trường đầu tư và kinh doanh trên địa bàn huyện để tiếp tục cải cách hành chính có hiệu quả hơn nữa và kịp thời đề xuất những cơ chế, chính sách trong việc thực hiện thu hút đầu tư;
Tăng cường sự phối hợp với các Sở, Ngành ở tỉnh để thực hiện tốt chính sách hỗ trợ đào tạo cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể về nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại - đầu tư, vốn, chuyển giao khoa học và công nghệ để phát triển trong thời kinh tế hội nhập;
Ưu tiên vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, cụm công nghiệp - TTCN và làng nghề truyền thống để thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho hộ kinh doanh, doanh nghiệp có mặt bằng sản xuất;
Chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với UBND các xã, thị trấn kiểm tra các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể thực hiện quy định về trụ sở, bảng hiệu, kinh doanh ngành nghề chưa đăng ký, danh sách các doanh nghiệp, hộ kinh doanh có thông báo tạm ngừng hoạt động, giải thể hoặc đình chỉ hoạt động mà vẫn hoạt động./.