Đức Linh - Kết quả công tác khám, chữa bệnh bằng Đông y

  • /
  • 25.10.2013 - 11:41

Thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW, ngày 4/7/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về phát triển nền đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới”. Với quan điểm chỉ đạo vì mục tiêu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn xã hội; góp phần đẩy mạnh việc nghiên cứu, kế thừa, bảo tồn và phát triển Đông y; kết hợp với Tây y trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân; xây dựng nền y dược Việt Nam hiện đại, khoa học, dân tộc và đại chúng, ngang tầm khu vực và thế giới; từng bước quảng bá nền Đông y Việt Nam ra nước ngoài. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Đức Linh, qua 5 năm triển khai thực hiện chỉ thị đã đạt nhiều kết quả quan trọng.

 

     Những kết quả đạt được

     Ngay sau khi Chỉ thị 24-CT/TW của Ban Bí thư được ban hành, ngày 04/12/2008 Ban Thường vụ Huyện ủy Đức Linh có Kế hoạch 45-KH/HU để triển khai thực hiện chỉ thị, đồng thời chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền tổ chức quán triệt, triển khai và tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện. Theo đó, các cấp, các ngành đã có văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện chỉ thị của Ban Bí thư và kế hoạch của Ban Thường vụ Huyện ủy phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, đơn vị. Xác định được vai trò quan trọng của việc phát triển nền đông y và Hội đông y trong công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân, các cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền trên địa bàn, qua đó góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao chất lượng sức khỏe cho nhân dân.

     Hệ thống tổ chức về đông y từ huyện đến cơ sở từng bước được kiện toàn, đội ngũ cán bộ làm công tác y tế tăng về số lượng và chất lượng. Công tác bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ y tế, trong đó có cán bộ làm công tác đông y luôn được chú trọng với nhiều hình thức khác nhau. Các cơ quan quản lý Nhà nước về đông y đã quan tâm triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách của Nhà nước để thực hiện việc kết hợp đông y và tây y một cách hài hòa trong khám, chữa bệnh.

     Công tác khám và điều trị bằng Đông y ngày càng được nâng lên về số lượng và chất lượng. Tổng số bệnh nhân khám chữa bệnh trong 5 năm là 1.111.500 lượt người, trong đó có khoảng 1/3 lượt bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp không dùng thuốc (vật lý trị liệu, châm cứu…). Hàng năm, Hội Đông y huyện nói chung và các cơ sở đã tổ chức khám từ thiện miễn phí cho 360.000 lượt người ở phòng chẩn trị Tuệ Tĩnh Đường (chùa Quảng Hương). Số lượng khám chữa bệnh bằng Đông y tại các trạm luôn đạt từ 18-20% (đạt theo chuẩn Quốc gia về y tế xã, thị trấn).

     Việc phối hợp giữa Đông y và Tây y trong công tác phòng bệnh và khám, chữa bệnh được quan tâm. Hàng năm Hội Đông y huyện đã phối hợp cùng ngành y tế thực hiện tốt chương trình xây dựng chuẩn Quốc gia về y tế, đáp ứng phần lớn về nhu cầu chăm sóc sức khỏe về Đông y cho nhân dân. Hội Đông y cơ sở phối hợp với các trạm y tế xã, thị trấn củng cố và khôi phục vườn thuốc nam tại các trạm y tế và tại nhà hội viên; đồng thời phát động, tuyên truyền hội viên và nhân dân trồng cây thuốc nam và hướng dẫn nhân dân biết sử dụng, điều trị một số bệnh thông thường. Hiện tại, Hội Đông y có 11/13 tổ Đông y hoạt động lồng ghép ở các trạm y tế cơ sở, mỗi tổ đều có lương y điều trị theo hình thức bán thời gian. Việc ứng dụng Đông y dược khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân bằng phương pháp dùng thuốc, không dùng thuốc, châm cứu, xoa bóp, vật lý trị liệu…đạt hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu khám và điều trị bệnh cho nhân dân. Ngoài ra, các cấp Hội cơ sở thường xuyên sinh hoạt chuyên môn hàng quý, năm để trao đổi, truyền đạt, học hỏi kinh nghiệm nhằm nâng cao năng lực khám, chữa bệnh.

     Công tác xây dựng và phát triển tổ chức Hội Đông y luôn được sự quan tâm của các cấp uỷ đảng, chính quyền; hoạt động của Hội từng bước đi vào nề nếp. Được sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện và các cấp, các ngành, Hội Đông y huyện ngày càng phát huy được vai trò, vị trí của mình. Hội đã phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế trong khám, chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền và quản lý nhà nước về đông y, đông dược.

     Vẫn còn những khó khăn

     Công tác tuyên truyền thực hiện Chỉ thị chưa thường xuyên, việc quảng bá về hiệu quả trong chữa bệnh bằng đông y còn nhiều hạn chế. Công tác vận động các lương y có bài thuốc hay, sưu tầm các kinh nghiệm, bài thuốc dân gian để phổ biến trong khám, chữa bệnh cho nhân dân chưa được quan tâm đúng mức. Hệ thống tổ chức về công tác đông y chưa được hoàn thiện, đội ngũ cán bộ làm công tác đông y chất lượng chưa cao. Hội Đông y huyện chưa thật sự đóng vai trò là nòng cốt trong sự phát triển nền đông y của huyện, nhiều nơi còn hoạt động hình thức. Việc phát triển, mở rộng hoạt động của Hội tại tuyến xã, thị trấn còn gặp nhiều khó khăn. Công tác khám, chữa bệnh bằng đông y trong những năm qua chưa có mô hình điểm để có thể nhân rộng trên địa bàn toàn huyện. Việc khám, chữa bệnh bằng đông y ở tuyến cơ sở rất hạn chế. Công tác xã hội hóa về phát triển nền đông y còn nhiều khó khăn.

     Để thực hiện Chỉ thị hiệu quả hơn

     Tiếp tục đẩy mạnh phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện sâu rộng Chỉ thị của Ban Bí thư và kế hoạch của Ban Thường vụ Huyện ủy. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn về vai trò của y, dược học cổ truyền trong khám, chữa bệnh và chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; định kỳ sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện Chỉ thị nhằm kịp thời chấn chỉnh những sai phạm, khắc phục yếu kém, khuyết điểm, biểu dương, khen thưởng và nhân rộng những mô hình hay, cách làm tốt. Tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai công tác khám, chữa bệnh bằng đông y và sử dụng thuốc có nguồn gốc thảo dược; kiện toàn hệ thống khám, chữa bệnh bằng đông y và quản lý nhà nước về đông y, đông dược từ huyện đến cơ sở. Tuyển dụng đội ngũ y, bác sỹ y học cổ truyền có trình độ và tay nghề cao, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ trong tình hình mới. Đẩy mạnh sưu tầm, phát hiện, tập hợp và quy hoạch bảo tồn các loại cây, con làm thuốc; đặc biệt là những loại dược liệu quý hiếm của địa phương. Kết hợp chặt chẽ giữa khuyến khích "trồng cây thuốc tại vườn, tại nhà" và các cơ sở khám, chữa bệnh. Quan tâm đầu tư cơ sở, trang thiết bị thiết yếu phục vụ cho việc khám và điều trị bằng y học cổ truyền.

     Phấn đấu đến năm 2015, toàn huyện có 100% xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về lĩnh vực y học cổ truyền; thu hút 30% lượt bệnh nhân đến khám chữa bệnh bằng đông y; Bệnh viện đa khoa khu vực Nam Bình Thuận có khoa Đông y để thu hút 20% lượt bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh tại bệnh viện.

                                                                                                               TCT
 



 

 


  • |
  • 1061
  • |

Các tin khác