Thực hiện chủ trương của Đảng về việc bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XII đã ban hành Luật sửa đổi và bổ sung một số điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân. Theo đó, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016 sẽ được tổ chức cùng một ngày và có nhiều điểm mới so với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội các khóa trước và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các nhiệm kỳ trước.
Ngày 21 tháng 1 năm 2011, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết công bố ngày bầu cử Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016 vào ngày chủ nhật, 22 tháng 5 năm 2011. Đây sẽ là ngày hội của toàn dân, có ý nghĩa chính trị to lớn trong đời sống xã hội của đất nước. Thông qua việc bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, nhân dân ta thực hiện quyền dân chủ của mình bằng cách lựa chọn những đại biểu xứng đáng đại diện cho các tầng lớp dân cư, các thành phần xã hội bầu vào Quốc hội – cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, để thay mặt nhân dân thực hiện chức năng lập hiến, lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và thực hiện giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước. Đồng thời lựa chọn và bầu ra những người tiêu biểu về đức - tài xứng đáng làm đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Đó là là yêu cầu quan trọng và có ý nghĩa chính trị to lớn.
Tham gia ứng cử và bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân là quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong việc xây dựng chính quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử đại biểu Quốc hội và ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân theo quy định của Pháp luật.
Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.
Việc bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2011 - 2016 bắt đầu từ bảy giờ sáng đến bảy giờ tối ngày 22/5/2011. Tùy tình hình địa phương, Tổ bầu cử có thể quyết định cho bắt đầu sớm hơn nhưng không được trước năm giờ sáng hoặc kết thúc muộn hơn, nhưng không được quá mười giờ đêm. Trước khi bỏ phiếu, Tổ bầu cử phải kiểm tra hòm phiếu trước sự chứng kiến của cử tri.
Mỗi cử tri có quyền bỏ một phiếu bầu đại biểu Quốc hội và bỏ một phiếu bầu cho mỗi cấp Hội đồng nhân dân. Cử tri phải tự mình đi bầu, không được nhờ người khác bầu thay, khi bầu cử phải xuất trình thẻ cử tri. Trường hợp cử tri không thể tự viết phiếu bầu thì có thể nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu. Người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu bầu của cử tri. Nếu vì tàn tật không tự bỏ phiếu được thì cử tri có thể nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu. Trong trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, tàn tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì Tổ bầu cử cử người mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở của cử tri nhận phiếu và bầu. Khi cử tri viết phiếu không ai được xem, kể cả thành viên Tổ bầu cử. Nếu viết hỏng, cử tri có quyền đổi phiếu bầu khác. Cử tri bỏ phiếu xong, Tổ bầu cử có trách nhiệm đóng dấu “Đã bỏ phiếu” vào thẻ cử tri.
Mọi người đều phải tuân theo nội quy của phòng bỏ phiếu, nếu còn cử tri có mặt tại phòng bỏ phiếu mà chưa kịp bỏ phiếu thì chỉ sau khi số cử tri này bỏ phiếu xong, Tổ bầu cử mới được tuyên bố kết thúc cuộc bỏ phiếu.
Trong ngày bầu cử, cuộc bỏ phiếu phải được tiến hành liên tục. Trong trường hợp có sự kiện bất ngờ làm gián đoạn cuộc bỏ phiếu thì Tổ bầu cử phải lập tức niêm phong giấy tờ và hòm phiếu, kịp thời báo cáo cho Ban bầu cử biết, đồng thời phải có những biện pháp cần thiết để cuộc bỏ phiếu được tiếp tục.
Trong trường hợp đặc biệt cần hoãn ngày bỏ phiếu hoặc bỏ phiếu sớm hơn ngày quy định thì Tổ bầu cử phải kịp thời báo cáo Ban bầu cử để đề nghị Ủy ban bầu cử trình Hội đồng bầu cử xét, quyết định.