ĐỨC LINH – CHỈ ĐẠO SẢN XUẤT VỤ HÈ THU NĂM 2011

  • /
  • 27.4.2011 - 0:0

Căn cứ vào kết quả thực hiện gieo trồng, tiến độ thu hoạch cây trồng vụ Đông xuân năm 2010 – 2011; và dự báo về tình hình thời tiết, lượng nước thuỷ lợi hiện nay. Để sản xuất vụ Hè thu năm 2011 thực hiện đạt kết quả, UBND huyện Đức Linh ban hành kế hoạch chỉ đạo sản xuất vụ Hè thu năm 2011 như sau:

Trên cây hàng năm: Tổng diện tích gieo trồng vụ Hè thu 2011 là: 10.910 ha. Gồm: Diện tích sản xuất cây lúa là 6.600 ha; cây bắp 950 ha; cây đậu phộng 35 ha; cây đậu các loại 245 ha; rau các loại 140 ha; cây mỳ 2.900 ha; cây có bột 40 ha.

Trên cây lâu năm: Tập trung vào việc đầu tư chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây điều, cây cà phê, ăn quả và một số cây khác. Tiến hành trồng dặm trên diện tích cây tiêu, cây ca cao, cây cao su đã bị chết, đồng thời làm đất chuẩn bị để xuống giống trồng mới 700 ha cây Cao su.

Tổ chức thực hiện: Về công tác chỉ đạo thời vụ:

Trên cây hàng năm:

* Cây lúa: Do điều kiện địa hình đồng ruộng không đồng nhất, hệ thống thủy lợi chưa được thuận lợi. Do vậy, bố trí thời gian xuống giống làm 2 đợt như sau:

- Hè thu sớm: bố trí xuống giống sớm để lách lũ trên những vùng sản xuất thường bị ngập úng vào tháng 7, tháng 8 ở một số xã như Sùng Nhơn, Mé Pu, Vũ Hòa và vùng ngoài đê bao xã Nam Chính, Võ Xu. Thời gian tiến hành xuống giống né rầy bắt đầu từ tháng 2/2011 đến tháng 3/2011, căn cứ vào lịch né rầy của trạm BVTV huyện. Năm nay do mùa mưa đến muộn, có khả năng nắng hạn sẽ kéo dài do đó UBND các xã có diện tích bố trí hè thu sớm lách lũ cần phải triển khai rộng rãi cho nhân dân biết tình hình khô hạn để nhân dân xuống giống sớm, nên xuống giống trong vùng có thủy lợi, đủ nguồn nước tưới, không nên tổ chức xuống giống tràn lan, không nên mở rộng diện tích.

- Hè thu chính vụ: Những diện tích còn lại ngoài hệ thống thủy lợi, những vùng có điều kiện tưới nhưng thu hoạch muộn, ít bị thiệt hại do mưa lũ. Thời gian xuống giống bắt đầu từ tháng 5, chú ý khi có mưa ổn định.

- UBND các xã, thị trấn xây kế hoạch sản xuất cụ thể, chỉ đạo cày ải, vệ sinh đồng ruộng, thông báo cho dân biết thời gian xuống giống theo lịch né rầy của trạm Bảo vệ thực vật, huy động tất cả các phương tiện làm đất để cày, dọn đất đồng bộ. Những vùng sản xuất Hè thu sớm lách lũ thuộc hệ thống thuỷ lợi tập trung chỉ đạo cho các đơn vị dùng nước, các HTX khẩn trương tu sửa, nạo vét kênh mương dẫn nước phục vụ tưới trong mùa khô. Khi vào mùa mưa phải thực hiện việc nạo vét, khơi thông dòng chảy để đáp ứng tốt việc thoát lũ; đồng thời chủ động làm việc với Xí nghiệp KTCT thuỷ lợi La ngà để ký kết hợp đồng sử dụng nước bố trí lịch bơm nước vào ruộng để ngâm và cày trục lần thứ nhất để khi phả lần 2 kịp thời nhằm xuống giống theo đúng lịch né rầy. Những vùng không nằm trong hệ thống thuỷ lợi thì chỉ đạo người dân vệ sinh đồng ruộng, cày ải phơi đất khi có mưa ổn định thì tiến hành xuống giống đồng loạt từng vùng, từng cánh đồng để thuận lợi cho việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và việc thu hoạch kịp thời để xuống giống vụ sau.

* Cây Bắp: Vùng chủ động nước tranh thủ xuống giống trong tháng 3, tháng 4 để thu hoạch sớm vào tháng 6 tránh những đợt mưa lớn vào tháng 7, tháng 8. Trên đất màu không chủ động nước tranh thủ dọn đất, cày phơi ải, khi mưa ổn định xuống giống nhanh và tập trung. Dự kiến thời gian xuống giống từ tháng 5 đến đầu tháng 6/2011 .

* Cây mỳ và các cây trồng hàng năm khác sản xuất trên vùng đất nhờ nước trời: Tranh thủ dọn đất để chuẩn bị xuống giống khi có mưa đều. Dự kiến thời gian xuống giống tháng 5 khi có mưa ổn định.

Đối với cây lâu năm:

* Cây tiêu: Tiến hành xới, phơi đất và bón vôi khử trùng đất trước khi trồng dặm nhằm hạn chế các bào tử nấm và tuyến trùng trong đất gây hại tiêu .

* Cây cao su: Tiến hành xuống giống từ tháng 6 kết thúc vào cuối tháng 8.

* Đối với cây ăn quả, cây cà phê, cây điều: Tiến hành vệ sinh các vườn cây sau khi thu hoạch, làm cỏ và bón phân, phòng trừ sâu bệnh để vườn cây sinh trưởng phát triển.

Về bố trí sử dụng các loại giống gieo trồng :

- Đối với giống lúa: Do đặc điểm sản xuất vụ hè thu nằm trong mùa mưa, gió mạnh, sâu bệnh dễ phát triển đặc biệt là rầy nâu di trú từ vụ Đông xuân sang. Để khắc phục tình hình trên UBND các xã, thị trấn cần thông báo cho dân nên sử dụng các giống lúa có tính kháng rầy và đạo ôn, các giống lúa ngắn ngày, cứng cây chống đỗ ngã. Một số giống có thời gian sinh trưởng ngắn ngày, thích hợp với điều kiện sản xuất vụ hè thu, đó là: VND 95-20, OM 4498, OM 2717, OM 2514, AS996, OM 6162, OM 6073, OM 4900, ML 202, ML211, OM 2514, OM 5930, OM 4218, OM 6967... Chú ý các giống lúa ML 202 chỉ nên sản xuất ở diện tích ruộng cao, vì giống này thân hơi mền dễ bị đỗ ngã. Phấn đấu tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận đạt trên 75 % diện tích gieo trồng.

- Đối với giống bắp: G 49, C919, DK 9901, DK888, NK66, NK67, LVN 10.

- Đối với cây mỳ: Giống KM 94, KM 98, KM 95,...

- Đối với các loại đậu: Sử dụng các giống giống đậu phộng cao sản HL 25, đậu phộng VD2; giống đậu xanh HL89 - E3, V87-13, HL91-15, V94-208.

- Cây cao su: Giống PB 235, PB 260, LH88, LH90/236, LH83/85, IRCA 130. Chú ý không nên trồng các giống RRIV, RRIC vì các giống cao su này rất dễ mẫn cảm với bệnh vàng rụng lá do nấm Corynespora.
UBND các xã, thị trấn làm tốt công tác tuyên truyền về khâu giống để nâng cao nhận thức sử dụng giống lúa xác nhận của người dân, không nên dùng lúa thịt hơặc lúa đã bị nhiễm rầy nâu, đạo ôn gié trong vụ trước nhằm hạn chế sâu bệnh, rầy nâu làm giảm năng suất lúa.

Về phòng trừ sâu bệnh: Trong vụ Hè thu do mưa nhiều tạo điều kiện cho nhiều sâu bệnh phát triển, do đó chủ động đề phòng trừ với trường hợp sâu bệnh hại trên cây trồng nhất là cây lúa. Áp dụng các biện pháp xử lý, phòng ngừa các sâu bệnh hại có nguy cơ xảy ra gây thiệt hại đó là: Ốc bươu vàng, rầy nâu và bệnh vàng lùn, bệnh đạo ôn và sâu đục thân, sâu hại lá. Riêng những diện tích xuống giống hè thu sớm cần phải tập trung diệt chuột đồng loạt trước khi xuống giống vì năm 2010 lượng mưa ít, trên đồng ruộng không bị ngập nước nên chuột phát triển rất nhiều, đây là đối tượng gây hại làm giảm năng suất rất lớn đối với cây lúa. Do vậy cần phải quan tâm chú trọng đến công tác diệt chuột (các biện pháp diệt chuột của phòng Nông nghiệp & PTNT đã hướng dẫn tại công văn số 03/ NN&PTNT ngày 14/01/2010).

+ Rầy nâu và bệnh vàng lùn: Đây là hai đối tượng có khả năng xuất hiện và gây thiệt hại lớn đến sản xuất lúa hè thu, cần phải chủ động phòng trị ngay từ ban đầu vệ sinh đồng ruộng, xử lý đất, xử lý hạt giống trước khi sạ bằng thuốc Actara, hoặc Cruiser tiến hành lúc hạt giống vừa chớm nứt nanh (Trước khi đem giống gieo sạ từ 12-16 giờ). Thường xuyên theo dõi diễn biến xuất hiện rầy nâu để phát hiện và xử dụng thuốc một cách hợp lý, hiệu quả. Đồng thời theo dõi tình trạng phát triển cây lúa nếu xuất hiện bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá thì tiến hành nhổ bỏ những cây lúa bị bệnh để hạn chế sự lây lan.

+ Bệnh đạo ôn: Có khả năng xuất hiện trên trà lúa giai đoạn đẻ nhánh đến khi trổ. Khuyến cáo sử dụng các thuốc Filia, Rocksai, SuperTilt, Plash, Beam. Chú ý khi ruộng lúa bị nhễm bệnh nặng nên sử dụng kép giữa 2 loại thuốc có tính lưu dẫn và tiếp xúc phun, như Filia + Kitazine, Rocksai + Physan, Fuji one + Beam và giử nước thường xyên trong ruộng thì mới đạt hiệu quả.

+ Ốc bươu vàng: Thường xuất hiện trên các mương dẫn nước, kênh tiêu thoát nước xuất hiện Ốc bươu vàng, do vậy nguy cơ sẽ lây nhiễm sang trà lúa vụ hè thu gây thiệt hại đến cây lúa lúc mới gieo sạ. Do vậy, để hạn chế mức độ thiệt hại do Ốc Bươu vàng gây ra cần tập trung triển khai ngay các biện pháp tiêu diệt Ốc Bươu vàng như sau:

- Bằng biện pháp thủ công: UBND xã, thị trấn cần vận động nhân dân tham gia chiến dịch diệt trừ OBV. Nên tiến hành vào lúc sáng sớm hay chiều tối, đây là thời điểm OBV họat động mạnh, di chuyển trên mặt nước. Có thể dùng lá đu đủ, rau lang, rau muống đặt ở chỗ thấp để dẫn dụ OBV tập trung lại rồi thu lượm. Đồng thời diệt các trứng OBV mới đẻ để hạn chế việc nở con.

- Bằng phương pháp sử dụng thuốc hóa học: Sử dụng thuốc đặc trị như: Corona 80WP; Bolis 6P; Osbuvang 80WP; Bayluscide 250EC. Theo liều lượng và cách sử dụng có ghi trên nhản thuốc.

+ Bệnh thán thư, nấm hồng trên cây lâu năm: Sẽ xuất hiện trên cây cao su, Cà phê, cây ăn quả vào thời gian mưa nhiều, trời âm u. Sử dụng thuốc Metalaxyl, Anvil, Bavistin, Antracol, Kocide, Validacine…Trên cây cao su chú ý phun thuốc phòng trừ bệnh vàng rụng lá do nấm Corynespora; sử dụng thuốc có thành phần 2 hoạt chất Carbendazim+ Haxaconazole (như Carbenzime+ Anvil, hoặc Visazol, Camilo), phun 02 lần cách nhau 6 – 7 ngày, phun sao cho thuốc ướt đều trên các lá.

Trạm bảo vệ thực vật theo dõi chặt chẽ mật độ, các lứa rầy vào đèn kết hợp theo dõi tình hình diễn biến rầy nâu ở các huyện giáp ranh để tham mưu UBND huyện thông báo thời gian xuống né rầy phù hợp cho từng vùng. Đồng thời kịp thời hỗ trợ cho các xã, thị trấn hướng dẫn, triển khai đến người dân các biện pháp sản xuất né rầy, phòng trừ rầy đạt hiệu quả.

Về tưới thủy lợi: UBND các xã, thị trấn phối hợp đồng bộ với Xí nghiệp KTCTTL La Ngà thực hiện tốt việc làm mới kênh mương, ký kết hợp đồng, bố trí thời gian tưới trên cơ sở làm tốt các công tác sau:

- Đối với diện tích trong hệ thống thuỷ lợi:

+ Kiểm tra từng hệ thống kênh mương để rà soát những tuyến kênh, công trình cần phải tu sửa, làm mới. Từ đó giao rõ trách nhiệm cho từng bên phải hoàn thành công việc; hai bên cùng nhau giám sát tiến độ thực hiện, và kịp thời phản ánh với UBND huyện để có chỉ đạo giải quyết hợp lý.

+ Đề nghị XN KTCTTL La Ngà kiểm tra lại toàn bộ các hệ thống vận hành máy ở các trạm bơm, kiểm tra lại lượng nước trước khi ký hợp đồng với các xã có diện tích sản xuất hè thu sớm lách lũ tránh tình trạng thiếu nước tưới cho cây lúa hè thu sớm. Đồng thời phối hợp với UBND các xã, thị trấn và các đơn vị dùng nước bàn biện pháp và có kế hoạch triển khai việc nạo vét làm mới các tuyến kênh mương thuỷ lợi, tạo điều kiện thuận lợi cho các khâu làm đất gieo sạ ban đầu và khi có hạn xảy ra.

- Đối với diện tích không nằm trong hệ thống thuỷ lợi: UBND các xã, thị trấn cần căn cứ vào các diện tích ao hồ có nước để có kế hoạch xuống giống và chống hạn thời gian cuối vụ.

- Tập trung rà soát cũng cố kiên toàn lại các Tổ dùng nước ở một số xã, thị trấn còn yếu. 


  • |
  • 1170
  • |

Các tin khác