ĐỨC LINH - TỔ CHỨC TRỢ GIÚP PHÁP LÝ CHO ĐỒNG BÀO DÂN TỘC TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN.

  • /
  • 15.8.2011 - 17:38

Phòng Tư pháp vừa phối hợp với Hội Luật gia, Chi nhánh Trợ giúp pháp lý số 1 và Huyện Đoàn tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động và đăng ký hộ tịch cho các đối tượng là đồng bào dân tộc ít người thuộc thôn 4 - xã Trà Tân; thôn 7 - xã Đức Tín và thôn 9 - xã Mê Pu.

 

Các hội viên luật gia và cộng tác viên trợ giúp pháp lý được cử tham gia đợt trợ giúp pháp lý lưu động đã nhiệt tình, tích cực tư vấn, giải thích cho đồng bào dân tộc ít người về quyền, nghĩa vụ của việc đăng ký kết hôn và đăng ký khai sinh cho trẻ em theo Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và Gia đình, Nghị định 158/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch. Bên cạnh đó, những thắc mắc của bà con liên quan đến các lĩnh vực pháp luật khác, như: đất đai, hộ khẩu cũng được các hội viên luật gia và cộng tác viên trợ giúp pháp lý giải thích cặn kẽ và hướng dẫn bà con đến các cơ quan có thẩm quyền để được giải quyết.

Kết quả, có tổng cộng 81 trường hợp được tư vấn pháp luật và đăng ký hộ tịch, trong đó, 56 người là đồng bào dân tộc Châu ro, 20 người dân tộc K’ho và 5 người dân tộc Kinh; riêng đăng ký hộ tịch được 30 trường hợp, trong đó, đăng ký khai sinh: 14 trường hợp; đăng ký kết hôn: 6 trường hợp, cải chính hộ tịch cho trẻ dưới 14 tuổi: 01 trường hợp, cấp bản sao giấy tờ hộ tịch các loại: 9 trường hợp; đồng thời, chuyển hồ sơ để Phòng Tư pháp cấp lại bản chính giấy khai sinh và cải chính hộ tịch người từ đủ 14 tuổi trở lên cho 12 trường hợp.

Trong đợt trợ giúp pháp lý lưu động, đoàn đã giải quyết đăng ký khai sinh quá hạn cho hai trường hợp là anh em ruột, người dân tộc Châu ro tại thôn 4 - xã Trà Tân. Hai em Đào Văn Công, sinh năm 1994 và Đào Văn Đường, sinh năm 1996 có hoàn cảnh rất đáng thương. Mẹ của các em bị bệnh tâm thần, mất khả năng nhận thức. Các em sinh ra nhưng không xác định được cha của mình là ai. Hai em chưa được đăng ký khai sinh, chưa được nhập hộ khẩu, không có bất kỳ loại giấy tờ tùy thân nào và cũng không được đi học. Em Đào Văn Đường đi chăn vịt thuê tại xã Đức Phú, huyện Tánh Linh, còn em Đào Văn Công thì vừa đi phụ hồ, vừa chăm sóc mẹ tại Trà Tân. Được chị Điểu Thị Hòa - Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn 4 - xã Trà Tân động viên, em Đào Văn Công đã đến nhờ Đoàn trợ giúp pháp lý lưu động hướng dẫn thủ tục để được đăng ký khai sinh. Phòng Tư pháp lập tức cử cán bộ đi xác minh tại địa phương và tiến hành đăng ký khai sinh quá hạn cho hai em. Cầm giấy khai sinh của hai anh em trên tay, em Đào Văn Công rất xúc động, em cho biết sẽ sớm làm thủ tục nhập khẩu và làm chứng minh nhân dân cho cả hai anh em.

Với chủ trương đem pháp luật tới gần hơn với người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc ít người ở vùng sâu, vùng xa, cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả trong mưu sinh nên ít quan tâm đến pháp luật. Với sự phối hợp giữa các cơ quan, đoàn thể, việc tổ chức đợt trợ giúp pháp lý lưu động vừa qua đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện được nghĩa vụ và hưởng quyền lợi của mình, tiết kiệm được thời gian cho bà con dân tộc thiểu số. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số, tạo thói quen tốt trong việc tiếp cận với các cơ quan nhà nước và thực hiện các thủ tục hành chính; đồng thời, giúp các cơ quan nhà nước quản lý tốt hơn về lĩnh vực hộ tịch. Với những lợi ích thiết thực, đồng bào dân tộc thiểu số mong muốn sẽ có nhiều hơn nữa những đợt trợ giúp pháp lý, để giúp bà con tháo gỡ những vướng mắc trong tất cả các lĩnh vực pháp luật có liên quan đến đời sống của mình.




  • |
  • 905
  • |

Các tin khác