Cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và nhân dân. Thông qua đó, nhận thức của nhân dân có sự chuyển biến tích cực; nhân dân hiểu rằng, xây dựng nông thôn mới chính là làm đổi thay diện mạo của địa phương, đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên. Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, của doanh nghiệp thì nhân dân đóng vai trò chủ thể quan trọng trong việc triển khai thực hiện. Với sự tham gia tích cực của người dân, xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào sôi nổi, rộng khắp ở các địa phương trong huyện. Thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”. Tại các xã, ngay từ việc xây dựng đề án quy hoạch nông thôn, quy hoạch sử dụng đất đai, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng, phương án sản xuất, xây dựng nếp sống văn hóa, vệ sinh môi trường, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, các chính sách về an sinh xã hội, huy động đóng góp...đều được công khai để nhân dân được biết, được bàn, được quyết định, được giám sát theo đúng tinh thần Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Huyện đã chỉ đạo các địa phương nhân dịp này rà soát bổ sung quy ước của thôn những nội dung mới về xây dựng nông thôn mới để thuận lợi trong quá trình bàn bạc quyết định, tham gia của nhân dân. Nhiều nội dung phải lấy ý kiến của nhân dân nhiều lần, trình bày kỹ để nhân dân hiểu, nhân dân được giám sát thông qua Ban Thanh tra nhân dân đảm nhận Giám sát đầu tư của cộng đồng.
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, Đức Linh coi nhiệm vụ xây dựng giao thông nông thôn là tiêu chí quan trọng nhất. Qua rà soát, đánh giá tại thời điểm năm 2011, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông còn yếu kém, toàn huyện có 846,238 km đường giao thông (gồm 909 tuyến); trong đó, có 257 km đường nông thôn đã được cứng hóa, chiếm tỷ lệ 30,37%. Thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 10/3/2011 của Tỉnh ủy Bình Thuận, các Nghị quyết của HĐND tỉnh và huyện về phát triển giao thông nông thôn gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện, huyện Đức Linh ban hành Đề án phát triển giao thông nông thôn, nhằm huy động nguồn lực của các tầng lớp nhân dân để làm đường giao thông nông thôn với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”. Phấn đấu 100% xã đạt chuẩn tiêu chí số 2 về giao thông. Sau 10 năm (2011-2020) thực hiện, được sự quan tâm đầu tư của các cấp, các ngành, mạng lưới giao thông nông thôn trên địa bàn huyện đã từng bước được cải tạo, nâng cấp, góp phần tích cực, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống kinh tế và bộ mặt xã hội nông thôn. Kết quả huyện Đức Linh đã đầu tư cứng hóa được 485,906 km đường giao thông nông thôn, với kinh phí là 1.267 tỷ đồng (trong đó nhân dân đóng góp hơn 443 tỷ đồng). Năm 2020, tổng số km đường bộ trên địa bàn huyện được cứng hóa là 742,906 km, nâng tỷ lệ số km đường được cứng hóa trên toàn huyện đạt tỷ lệ 87,79%; 100% xã đạt chuẩn tiêu chí số 2 về giao thông và hoàn thành tiêu chí giao thông huyện nông thôn mới.
Do làm tốt việc công khai, minh bạc, dân chủ bàn bạc nên quá trình xây dựng nông thôn mới ở huyện không phát sinh những khiếu kiện, bức xúc của người dân trong đóng góp xây dựng nông thôn mới. Tinh thần đoàn kết trong các tầng lớp nhân dân được nâng lên. Lễ đón nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới diễn ra như một ngày hội lớn của nhân dân ở địa phương.
Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Đức Linh rút ra một số kinh nghiệm. Một là, phải nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong thực hiện quy chế dân chủvà trong xây dựng nông thôn mới phải quyết tâm chính trị cao nhất, quyết liệt trong chỉ đạo. Hai là, trong lãnh đạo, chỉ đạo phải chủ động, sáng tạo, đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch; thực hiện tốt thực chất phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”. Ba là, kịp thời kiện toàn và nâng cao chất lượng, duy trì nền nếp, phương châm hoạt động và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở các cấp. Bốn là, phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, sự tham gia tích cực của thôn, tổ tự quản trong xây dựng nông thôn mới; phát huy vai trò Ban Thanh tra nhân dân, giám sát đầu tư cộng đồng.
Việc thực hành dân chủ không chỉ là mục tiêu, động lực mà đã trở thành “bí quyết” tập hợp khối đại đoàn kết và huy động sức mạnh tổng hợp phát huy sức sáng tạo trong nhân dân. Không thực hiện QCDC thì không thể xây dựng nông thôn mới.