Qua 02 năm triển khai thực hiện, tình hình phát triển công nghiệp trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến, thực hiện theo đúng quy hoạch và định hướng phát triển của huyện; cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư, nâng cấp, mở rộng đáp ứng lưu thông hàng hóa trên địa bàn. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiếp tục phát triển, ổn định; môi trường tại các cụm công nghiệp do doanh nghiệp làm chủ đầu tư đảm bảo theo quy định, an ninh trật tự tại các cụm công nghiệp được giữ vững, ổn định trong sản xuất - kinh doanh; an sinh xã hội được chú trọng, kịp thời giải quyết tốt chế độ cho người lao động; công tác đào tạo nghề được quan tâm, nâng cao tay nghề người lao động vào làm việc tại các cụm công nghiệp; cải cách hành chính, giải quyết các vấn đề khiếu nại của các doanh nghiệp được triển khai thực hiện kịp thời, thỏa đáng.
Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành 06 cụm công nghiệp với quy mô tổng diện tích khoảng 278,16ha; trong đó, diện tích đất công nghiệp là 193,56ha. Có 03 cụm công nghiệp/95,34ha được thành lập trước khi Nghị định 68/2017/NĐ-CP, ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quy định, phát triển cụm công nghiệp được ban hành (hiện do Nhà nước quản lý nhưng chưa đầu tư cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh); 03 cụm công nghiệp/182,82ha được thành lập theo Nghị định số 68/2017/NĐ-CP, ngày 25/5/2017 của Chính phủ do doanh nghiệp làm chủ đầu tư hạ tầng tại xã Đông Hà. Đã thu hút được 48 dự án (cụm Đông Hà có 9 dự án, cụm Nam Hà có 1 dự án, cụm Nam Hà 2 có 1 dự án, cụm Hầm sỏi Võ Xu 13 dự án, cụm MéPu 15 dự án, cụm Sùng Nhơn 9 dự án) đầu tư sản xuất kinh doanh, với tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê 109,56ha/193,56 ha tổng diện tích đất công nghiệp của các cụm (tính theo qui hoạch chi tiết được duyệt), đạt tỉ lệ lấp đầy 56,6% (trong đó: Cụm công nghiệp Đông Hà 25,47%, cụm Nam Hà 100%, cụm Nam Hà 2 là 4%, cụm Hầm sỏi - Võ Xu 58,7%, cụm MéPu 78,21%, cụm Sùng Nhơn 94,76%). Tổng vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật vào các cụm khoảng 3.600 tỷ đồng; thu hút một số ngành nghề vào các cụm công nghiệp, gồm: Chế biến gỗ, gỗ công nghiệp, các sản phẩm từ nhựa, may mặc, giày da, dép da, điện tử, cơ khí, chế biến nông sản, thực phẩm, vật liệu xây dựng...; giai đoạn đầu tạo việc làm ổn định cho trên 1.300 lao động tại địa phương; đến năm 2025, dự kiến đưa vào hơn 10.000 lao động vào làm việc ổn định tại các cụm.
Kết quả triển khai các nhiệm vụ phát triển công nghiệp trên địa bàn huyện thời gian qua có bước phát triển khá cao, cơ cấu sản xuất trong nội bộ các ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của huyện gắn với thị trường; hoạt động sản xuất công nghiệp duy trì ổn định và có bước phát triển; hoạt động chế biến gắn với các sản phẩm lợi thế của huyện phát triển với quy mô phù hợp, áp dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất ở một số ngành nghề hoạt động có bước chuyển biến tăng khá qua từng năm như: Chế biến mủ cao su, chế biến nhân hạt điều, chế biến tinh bột mì, chế biến thức ăn gia súc, xay xát lương thực. Công nghiệp phụ trợ, công nghiệp khác được tập trung, cung cấp nhu cầu phát triển bền vững như: Sản xuất nguyên vật liệu xây dựng, điện, nước, nhà máy xử lý rác thải... Các ngành nghề truyền thống như mây, tre đan, chế biến gỗ, thêu tranh, gia công may mặc phát triển ổn định; quản lý khai thác, tái sử dụng có hiệu quả chất thải rắn trong sinh hoạt, hạn chế gây ô nhiễm môi trường. Quy mô giá trị sản xuất ngành công nghiệp có sự tăng trưởng khá, năm 2022 đạt 3.909,5 tỷ đồng tăng lên 4.234,07 tỷ đồng năm 2023 (theo giá so sánh 2010). Trong cơ cấu giá trị sản xuất phân theo ngành công nghiệp - xây dựng, cơ cấu giá trị tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến chiếm khoảng 94%.
Bên cạnh đó, huyện quan tâm đẩy mạnh công tác đầu tư, huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp; tổng nguồn vốn đầu tư hệ thống các tuyến đường giao thông huyện quản lý 170.284 triệu đồng. Trong 2 năm qua, bằng nguồn vốn ngành điện, với tổng vốn đầu tư phát triển nâng cấp, cải tạo lưới điện trên địa bàn huyện là 78,8 tỷ đồng, trong đó: Đường dây trung thế 31.817 km; đường dây hạ thế 91.810 km; dung lượng Trạm biến áp 12,777 kVA, cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp; hiện nay chủ đầu tư cụm công nghiệp Nam Hà đã đầu tư 01 trạm biến áp và đường dây 110kVA phục vụ cho các cụm công nghiệp tại xã Đồng Hà, kinh phí đầu tư khoảng 100 tỉ đồng. Hệ thống cấp nước nước sinh hoạt, phục vụ các cụm công nghiệp được đầu tư mở rộng trên địa bàn các xã, thị trấn, tổng vốn đầu tư trên địa bàn 2 năm là 58.357,4 triệu đồng. trong đó vốn ngân sách đầu tư 663 triệu đồng, vốn huy động xã hội hóa 57.694,4 triệu đồng…
Thời gian tới, để thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển công nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo tinh thần Nghị quyết số 09-NQ/TU, Huyện ủy Đức Linh đề ra một số giải pháp phát triển công nghiệp gắn với thế mạnh của huyện, như: Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển công nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Tỉnh ủy. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, vai trò quản lý Nhà nước đối với nhiệm vụ phát triển công nghiệp ở địa phương. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền đổi mới nhận thức về phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của các ngành, các cấp, nhất là đội ngũ làm công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Triển khai thực hiện Nghị định số 32/2024/NĐ-CP, ngày 15/3/2024 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp theo Kế hoạch của UBND tỉnh. Triển khai thực hiện tốt các chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, làng nghề của Trung ương, của tỉnh để hỗ trợ phát triển công nghiệp. Đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp. Đồng thời, bảo đảm an ninh trật tự; tăng cường công tác kiểm tra môi trường tại các cụm công nghiệp theo quy định.
Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ các chủ đầu tư trong việc đầu tư hạ tầng một số hạng mục còn lại tại các cụm công nghiệp trên địa bàn xã Đông Hà. Phối hợp chủ đầu tư các cụm công nghiệp để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư thứ cấp sớm triển khai dự án đi vào hoạt động. Khai thác, phát triển thị trường; hỗ trợ tích cực cho phát triển các sản phẩm ngành nghề truyền thống; tập trung đôn đốc các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định, phát triển; phấn đấu thực hiện đạt các sản phẩm chủ yếu đề ra hàng năm./.