Huyện ủy Đức Linh ban hành kế hoạch công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2024

      Theo đó, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải phát huy tốt vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Việc triển khai thực hiện phải đồng bộ, quyết liệt, lấy phòng ngừa là chính, tránh hình thức; coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, là khâu trọng yếu trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đồng thời, đảm bảo thực hiện tốt 09 nhiệm vụ và giải pháp được đề ra tại Kế hoạch số 272-KH/HU, như:

      Một là: Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết, kết luận, kế hoạch, chương trình hành động của Trung ương, của tỉnh và của Ban Chỉ đạo tỉnh về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

      Hai là: Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, HĐND và Mặt trận, các đoàn thể đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; tăng cường công tác quản lý nhà nước, gắn với làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, tập trung vào các lĩnh vực dễ xảy ra sai phạm như: Tài chính, quản lý đất đai, khoáng sản, xây dựng,... Quá trình kiểm tra, giám sát, thanh tra chú trọng việc thực hiện các kết luận và xử lý nghiêm vi phạm.

      Ba là: Tăng cường giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tập trung giám sát các nội dung liên quan đến quyền lợi, chế độ chính sách của người dân, kịp thời phản ánh, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định.

      Bốn là: Thực hiện nghiêm túc việc công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị; chủ động kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng, đảng viên liên quan đến tham nhũng, tiêu cực; tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác tự kiểm tra nội bộ để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục, xử lý ngay từ khi mới phát sinh, ngay từ cơ sở, cơ quan, đơn vị.

      Năm là: Tăng cường trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu trong công tác tiếp công dân, tổ chức đối thoại trực tiếp với dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị, nhất là đơn thư tố cáo có liên quan đến hành vi tham nhũng, tiêu cực.

      Sáu là: Kiểm soát tốt việc kê khai tài sản, thu nhập theo Nghị định số 130/2020/NĐ-CP, ngày 20/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

      Bảy là: Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử, xử lý nghiêm minh những vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản do tham nhũng, sai phạm (nếu có).

      Tám là: Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), Chỉ số hiệu quả Quản trị và hành chính công (PAPI), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) giai đoạn 2021-2025, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của huyện gắn với xây dựng nền hành chính minh bạch, liêm chính, hiệu quả, phục vụ tốt nhu cầu của người dân và tổ chức. Không để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp; xử lý, thay thế những cán bộ, công chức, viên chức vi phạm đạo 4 đức nghề nghiệp, không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

      Cuối cùng là tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tham mưu về phòng, chống tham nhũng phải thật sự “liêm chính, đủ năng lực, dám nghĩ, dám làm, có bản lĩnh, không sợ trù dập, kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực”, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong tình hình hiện nay./.