Đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động, thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong công tác Hội và phong trào phụ nữ ở huyện Đức Linh

       Hội LHPN huyện luôn quan tâm xây dựng tổ chức Hội mạnh cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, toàn huyện có 27.599 hội viên, sinh hoạt tại 85 chi hội và 461 tổ phụ nữ. Hội cũng đã duy trì nhiều mô hình tập hợp hội viên như: Mô hình “Phòng chống bạo lực gia đình”; mô hình “Chi hội phụ nữ giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội”; “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”; mô hình “5 không, 3 sạch”, Câu lạc bộ “Dân vũ thể thao”… Các mô hình, câu lạc bộ, tổ nhóm hoạt động với quy chế sinh hoạt cụ thể nên đã thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Hội, tăng cường đoàn kết của các tầng lớp phụ nữ, tuyên truyền chủ trương, đường lối, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tới các tầng lớp phụ nữ, nâng cao kiến thức, kỹ năng về mọi mặt cho phụ nữ, tạo điều kiện cho chị em vươn lên trong cuộc sống. Cán bộ Hội, cán bộ các chi tổ phụ nữ luôn tâm huyết, có tinh thần trách nhiệm với công tác Hội nói chung, công tác tập hợp phát triển hội viên nói riêng; lực lượng hội viên nòng cốt tích cực phát huy vai trò trong tuyên truyền vận động, luôn tích cực tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội, các lớp chuyên đề nhằm trang bị kiến thức chuyên môn phục vụ trong công tác tuyên truyền, vận động.

       Hội đã chủ động xây dựng các mô hình, hoạt động giúp đỡ phụ nữ nghèo và hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ. Đẩy mạnh việc khai thác và quản lý các nguồn vốn vay hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế thông qua hoạt động huy động vốn Ngân hàng chính sách xã hội huyện, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; nguồn vốn quay vòng giảm nghèo, nguồn vốn tiết kiệm vì phụ nữ nghèo, thường xuyên quan tâm đến phụ nữ yếu thế, phụ nữ khuyết tật, phụ nữ đơn thân bằng các hoạt động thiết thực như nâng cao nhận thức về pháp luật, chăm sóc sức khỏe, thăm hỏi động viên, tặng quà (trao sổ tiết kiệm, trao học bổng cho học sinh nghèo, quyên góp tiền mặt và gạo…) để thu hút chị em đến với tổ chức hội. Đồng thời, tiến hành rà soát số phụ nữ nghèo và hộ nghèo do phụ nữ là chủ hộ, xây dựng kế hoạch giúp đỡ cụ thể, phù hợp với hoàn cảnh của từng hộ và điều kiện của Hội.

       Từ phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo, tinh thần tương thân, tương ái giúp nhau trong lúc khó khăn hoạn nạn luôn được phát huy, đã có nhiều chị em khó khăn được giúp đỡ vươn lên thoát nghèo, đáp ứng được nguyện vọng của các tầng lớp phụ nữ, từ đó chị em thiết tha gắn bó với tổ chức Hội và vị thế của người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội ngày càng được nâng lên. Do đó, việc đồng hành và phát huy vai trò cán bộ Hội cơ sở chính là nền tảng vững chắc để nâng cao vị thế của phụ nữ trong tham gia các phong trào của địa phương; xây dựng tổ chức hội phụ nữ ngày càng vững mạnh.