Về kết quả giám sát: Trên cơ sở 09 nội dung đã được Ban Thường vụ Huyện ủy phê duyệt năm 2024, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội huyện đã thực hiện được 12 cuộc giám sát đối với 13 cơ quan, đơn vị, địa phương (đạt 100% kế hoạch đã phê duyệt). Ở xã, thị trấn: Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp xã, thị trấn đã xây dựng kế hoạch tổ chức giám sát đối với UBND cấp xã và các bộ phận chuyên môn ở cơ sở đảm bảo theo kế hoạch, các nội dung giám sát tập trung vào các vấn đề địa phương quan tâm. Kết quả đã thực hiện được 56 cuộc giám sát (đạt 100% kế hoạch phê duyệt). Sau giám sát, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp ban hành thông báo giám sát, đồng thời tiếp tục theo dõi việc thực hiện giải quyết các kiến nghị sau giám sát.
Về thực hiện phản biện xã hội: Trong năm 2024 Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở có nhiều quan tâm, tập trung thực hiện tốt việc tham gia lấy ý kiến nhân dân góp ý vào các dự thảo quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; kết quả Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong huyện đã tổ chức 30 hội nghị góp ý các dự thảo kế hoạch, nghị quyết, đề án…. Ngoài ra, đã tích cực tham gia góp ý kiến cho các cấp ủy và cán bộ, đảng viên thông qua việc cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị giới thiệu, lấy ý kiến góp ý tại nơi cư trú, nơi công tác đối với cán bộ, đảng viên thuộc trách nhiệm quản lý.
Về kết quả triển khai thực hiện Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị về ban hành Quy định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền
Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong huyện có nhiều quan tâm, tập trung tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân về các chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền với nhiều hình thức đa dạng. Hoạt động đối thoại có nhiều quan tâm; trong năm, đồng chí Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị đã dự hội nghị đối thoại với nhân dân tại 04 xã:Tân Hà, Đức Tín, Vũ Hòa và Đa Kai, có khoảng hơn 400 người tham dự, có 44 lượt ý kiến của nhân dân. Tại 12 xã, thị trấn đã tổ chức 25 hội nghị đối thoại, ghi nhận 136 ý kiến kiến nghị. Nội dung các cuộc tiếp xúc cử tri, đối thoại trực tiếp với Nhân dân đã đi vào trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề Nhân dân quan tâm. Qua đối thoại nhân dân cơ bản đồng tình với việc giải thích của người đứng đầu cấp uỷ và chính quyền; đồng thời đã hiểu rõ hơn chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và cơ bản đồng thuận với cách giải quyết của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục, đó là: Việc thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị mới chủ yếu tập trung vào hoạt động giám sát, chưa quan tâm đúng mức đến hoạt động phản biện. Công tác phản biện chưa thật sự rõ nét, việc triển khai góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền còn chậm, chưa tham gia được nhiều ý kiến vào các chương trình, kế hoạch, đề án của cấp ủy, chính quyền.
Để phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế từ thực tiễn; các cấp ủy đảng, chính quyền cần phối hợp tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội; trong đó cần tập trung các vấn đề sau:
- Tiếp tục tuyên truyền, quan triệt triển khai có hiệu quả Quyết định số 217-QĐ/TW, Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) về ban hành Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; Kế hoạch số 279-KH/HU, ngày 12/3/2024 về triển khai, thực hiện Đề án số 12-ĐA/TU, ngày 30/01/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đổi mới nâng cao chất lượng giám sát, phản biện xã hội của mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trên địa bàn tỉnh gắn với những thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng tâm của địa phương nhằm nâng cao nhận thức, phát huy dân chủ, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội.
- Tăng cường sự phối hợp giữa chính quyền, mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội nhằm đảm bảo các điều kiện để mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hộ thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội; tiếp nhận, xử lý và phản hồi các ý kiến theo quy định.
- Phát huy vai trò chủ động của mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là trong việc xây dựng kế hoạch , xác định rõ nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức thực hiện đảm bảo đạt chất lương, hiệu quả; vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân nêu cao tinh thần trách nhiệm tích cực tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
- Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội; tăng cường tập huấn, nâng cao chất lượng chuyên môn, kỷ năng nghiệp vụ giám sát, phản biện xã hội.
- Tổ chức tốt việc kiểm tra, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm hoạt động giám sát, phản biện xã hội./.