Những ngày này tuy rất bận công việc nhưng anh vẫn vui vẻ dành thời gian trò chuyện với chúng tôi: sinh ra và lớn lên ở dải đất miền Trung (Núi Thành- Quảng Nam) vốn không được thiên nhiên ưu đãi, nên anh thấu hiểu nỗi vất vả cơ cực của người nông dân. Sau bao năm ngược xuôi đất khách quê người, năm 1993 gia đình anh chọn vùng đất miền núi Đa Kai - Đức Linh làm quê hương thứ hai của mình. Ngày đầu tiên về lập nghiệp không có nghề, vốn ít, thiếu tư liệu sản xuất, con còn nhỏ, cuộc sống khó khăn trăm bề. Với suy nghĩ “một nghề cho chín còn hơn chín mười nghề” anh quyết định theo đuổi nghề trồng mía và ép lấy mật đường. Từ số vốn ít ỏi (1 chỉ vàng) hai vợ chồng tích góp được cùng số tiền vay mượn của bạn bè và người thân, anh chị mua 1,5 hec ta đất. Ruộng rẫy ít, thiếu vốn nên vợ chồng anh luôn động viên nhau phải nỗ lực cố gắng, vượt qua khó khăn để phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng.
Anh Linh nhớ lại: “Đồng hành cùng vợ chồng trong những ngày đầu là con trâu sứt mõm” vừa để làm giống vừa lấy sức cày kéo. Trâu đi trước, người đi sau, cứ thế mà vỡ đất trồng mía. Tận dụng tất cả diện tích đất để trồng xen đậu, bắp, bí, ngô, khoai… vừa chống đói, lại có thức ăn chăn nuôi lợn, gà cải thiện cuộc sống…”.
Nhờ chịu khó, chịu khổ, thích học hỏi kinh nghiệm sản xuất, luôn bám ruộng, bám đồng... nên đất không phụ lòng người, vườn mía nhà anh năm nào cũng cho năng suất cao. Anh nhớ lại: Lần đầu tiên cầm trên tay số tiền 14 triệu đồng lợi nhuận từ 1,5 hec ta đất trồng mía và bằng chính sức lao động của mình anh không cầm được nước mắt vì hạnh phúc.
Thấy chiều hướng phát triển tốt, được sự động viên của chính quyền địa phương và Hội Nông dân, anh mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, mượn thêm của họ hàng bà con để mở rộng diện tích đất trồng mía. Đến nay tổng diện tích mía của gia đình anh lên đến 15 hec ta, sau khi trừ chi phí trung bình mỗi năm anh thu lãi được 350- 400 triệu đồng. Cơ sở trồng và ép mía đường của anh giải quyết việc làm thường xuyên cho 15- 20 lao động, lúc cao điểm có đến 60 người làm việc mỗi ngày. Từ nguồn lãi thu được anh tiếp tục đầu tư điểm thu mua nông sản để bán cho các thương lái ở thành phố Hồ Chí Minh, trung bình mỗi năm anh chị lãi được hơn 100 triệu đồng. Kinh tế ổn định anh xây dựng được căn nhà kiên cố, mua sắm tiện nghi sinh hoạt đầy đủ và lo cho 3 con học đại học tại thành phố Hồ Chí Minh.
Tâm sự cùng chúng tôi, anh Linh nói: “Trước đây, gia đình gặp nhiều khó khăn nên tôi hiểu được sự thiếu thốn của người nghèo. Giờ cuộc sống gia đình đã ổn định, tôi tâm niệm phải giúp đỡ mọi người nghèo khổ”. Ngoài làm kinh tế giỏi, anh Linh còn đứng ra dựng vợ, gả chồng, tạo công ăn việc làm, mua 10 hec ta đất sản xuất không tính lãi… cho 5 đôi vợ chồng có hoàn cảnh khó khăn vươn lên làm giàu, trong số đó có anh Nguyễn Hoà Bích ở thôn 2, anh Nguyễn Viết Nhuận ở thôn 6, … Ainh còn tài trợ nhiều phần thưởng cho học sinh nghèo vượt khó có thành tích cao trong học tập. Từ năm 2000 đến nay, mỗi năm anh hỗ trợ 4- 5 triệu đồng để sửa chữa cơ sở vật chất trường các trường Tiểu học và Trung học cơ sở trong xã. Không chỉ thế, anh còn vận động bà con nông dân ở địa phương tu bổ, sửa chữa đường vào cánh đồng Ba Sùng, thôn 2 - Đa Kai, Sùng Nhơn 2 với tổng chiều dài gần 2 km, trị giá 20 triệu đồng. Anh chia sẻ kinh nghiệm làm kinh tế gia đình, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ vốn, đầu tư cây giống, phân bón không tính lãi cho hơn 30 hộ với khoảng 400 - 500 triệu đồng/năm và thu mua sản phẩm theo giá thị trường để họ thuận lợi làm ăn, cải thiện đời sống gia đình, vươn lên thoát cảnh đói nghèo.
Nhiều năm qua, gia đình anh được các cấp chính quyền, đoàn thể bình xét gia đình nông dân văn hóa và được công nhận là hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương. Mới đây, anh vinh dự được Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” huyện tặng Giấy khen. Những người nông dân ở địa phương luôn coi anh là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đầy nghĩa tình.