Đảng bộ huyện xác định tổ chức cơ sở đảng là nền tảng của Đảng, có vị trí rất quan trọng trong hệ thống chính trị, là cầu nối giữa Đảng với dân. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng bộ huyện luôn chú trọng đến công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng; duy trì và bảo đảm tính lãnh đạo, tính giáo dục, tính chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đảng viên. Trong sinh hoạt Đảng vừa mở rộng tính dân chủ, vừa tăng cường tính kỷ cương, kỷ luật; nâng cao sức chiến đấu, khắc phục tính hình thức, đơn điệu trong hoạt động; không ngừng bồi dưỡng cho cán bộ, đảng viên về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng; về các vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nâng cao trình độ chính trị và năng lực thực tiễn, chủ động đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác.
Trải qua 5 năm, Đảng bộ Đức Linh không ngừng lớn mạnh: từ 47 tổ chức cơ sở Đảng của năm 2005 với 1338 đảng viên, chiếm 0,88% dân số, với 133 chi bộ trực thuộc; trình độ học vấn tiểu học có 77 đồng chí; trung học cơ sở có 360 đồng chí; trung học phổ thông có 901 đồng chí; đến cuối năm 2011 đã có 2160 đảng viên chiếm 1,61% dân số (gấp 2 lần so 2005), có 204 chi bộ trực thuộc Đảng uỷ cơ sở (trong đó có 82 chi bộ/83 thôn, khu phố); trong đó có 65,50 % cơ sở đảng đạt danh hiệu “Trong sạch vững mạnh”, tăng 17,23% so năm 2009 (tăng 7 cơ sở Đảng); giảm cơ sở đảng hoàn thành nhiệm vụ từ 26 xuống còn 15; đảng viên xuất sắc chiếm 10,59%; đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ chiếm 70% tổng số đảng viên.
Trình độ của đội ngũ đảng viên đã tăng lên mọi mặt: Về trình độ văn hóa có 1.595 đồng chí tốt nghiệp trung học phổ thông, chiếm 73,84% trong đội ngũ đảng viên. Về chuyên môn, trung cấp: 615 đồng chí, chiếm 28,47%; cao đẳng , đại học: 356 đồng chí, chiếm 16,48%. Về trình độ chính trị, trung cấp 509 đồng chí, chiếm 23,56%; cao cấp, cử nhân: 75 đồng chí, chiếm 3,47%.
Từ thực tiễn công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng, rút ra một số kinh nghiệm bước đầu như sau:
Thứ nhất: Củng cố kiện toàn, thành lập tổ chức cơ sở đảng phù hợp với từng loại hình tổ chức cơ sở đảng.
Chức năng, nhiệm vụ chính trị là một trong những công việc thiết thực để từng tổ chức cơ sở đảng hoạt động, chủ động. Từ 47 tổ chức cơ sở đảng năm 2005, đến nay còn 32 tổ chức cơ sở Đảng; trong đó loại hình xã, thị trấn tăng 2 cơ sở (tổng cộng có 13 Đảng bộ); 2 Đảng bộ lực lượng vũ trang; 1 Đảng bộ Chi cục thuế và mới thành lập 2 Đảng bộ là Đảng bộ khối các cơ quan Đảng Đoàn thể và Đảng bộ khối các cơ quan chính quyền.
Để nâng cao năng lực và sức chiến đấu của hệ thống chính trị ở địa bàn thôn, khu phố; Ban chấp hành Đảng bộ huyện khoá IX ban hành Nghị quyết số 14 về “Nâng cao năng lực lãnh đạo hoạt động của chi bộ thôn, khu phố” đã tạo được bước đột phá về phát triển mạnh mẽ đối với hệ thống chính trị và phong trào của cơ sở ở địa bàn dân cư.
Thứ hai: Các cấp uỷ và tổ chức cơ sở đảng phải làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, chủ động dự báo tình hình để kịp thời trang bị những thông tin định hướng của Đảng cho cán bộ, đảng viên.
Có thể nói những năm qua các tổ chức cơ sở đảng trong huyện đã có những chủ trương hợp lòng dân, sát với yêu cầu thực tế của cuộc sống và phù hợp với điều kiện của từng địa phương, đơn vị: Như Nghị quyết về xoá đói giảm nghèo, Nghị quyết về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của Ban chấp hành Đảng bộ huyện khoá IX, đã cơ bản tạo dựng được bước đi mới cho một vùng thuần nông lúa nước của những nhiệm kỳ trước đây, mở ra một nền sản xuất nông sản hàng hoá, có giá trị cao.
Thứ ba: Thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng hoạt động của các loại hình tổ chức cơ sở đảng. Đẩy mạnh các phong trào thi đua xây dựng các tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh và giải quyết dứt điểm các tổ chức cơ sở đảng yếu kém.
Huyện uỷ chỉ đạo, ít nhất mỗi quý một lần các chi bộ phải tổ chức sinh hoạt chuyên đề, cập nhật thông tin cho đảng viên và chủ động đưa các chuyên đề, mẩu chuyện của Bác Hồ vào chương trình sinh hoạt không những cho tổ chức đảng mà còn cho cả các tổ chức chính trị - xã hội khác làm cho Cuộc vận động có sức lan tỏa cao hơn. Do vậy chất lượng sinh hoạt đã được nâng lên đảng kể; đảng viên nông thôn đã tích cực đề xuất ý kiến để xây dựng địa bàn dân cư.
Để lắng nghe ý kiến của công dân, mỗi tháng 2 lần lãnh đạo chủ chốt của UBND các xã, thị trấn và UBND huyện trực tiếp tiếp xúc và lắng nghe ý kiến nhân dân một cách đều đặn và nghiêm túc. Chế độ giao ban, hội ý các thường trực được chỉ đạo chặt chẽ.
Thứ tư: Thực hiện tốt phân công nhiệm vụ cho đảng viên, bảo đảm mỗi đảng viên ngoài nhiệm vụ chính trị được giao có ít nhất một nhiệm vụ kiêm nhiệm.
Có thể nói công tác phân công công tác cho đảng viên trong huyện được thực hiện có kết quả, hầu hết đảng viên kể cả đảng viên về tham gia sinh hoạt nơi cư trú và đảng viên hưu trí điều có ý thức nhận nhiệm vụ của Đảng ở địa bàn dân cư, điều đó đã đóng góp một phần đáng kể trong việc vận động quần chúng nhân dân hăng hái tham gia các phong trào ở địa phương. Trong số 181 đảng viên hưu trí tham gia công tác thì số đảng viên được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiếm tỷ lệ 3,31%; hoàn thành tốt nhiệm vụ chiếm 55,21%. Điều đó, cũng đã nói lên sự quyết tâm cao của đội ngũ đảng viên đối với phong trào chung.
Thứ năm: Kiện toàn nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Đảng bộ huyện chú trọng công tác tạo nguồn cử đi đào tạo và bố trí cán bộ trẻ, cán bộ nữ vào các vị trí lãnh đạo trong huyện, hiện nay đội ngũ cán bộ của huyện được kiện toàn và nâng cao chất lượng; trình độ đại học, cao đẳng chiếm trên 90%; trên 21% đơn vị có cán bộ lãnh đạo trẻ tuổi; cán bộ nữ chiếm 12,95%.
Từ những kết quả và kinh nghiệm trong công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng, thời gian tới Đảng bộ huyện Đức Linh tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng, phấn đấu giữ vững Đảng bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ; đưa Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 02/02/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X “Về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng của đội ngũ cán bộ, đảng viên” đi vào cuộc sống. Công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong huyện tập trung vào một số nhiệm vụ sau đây:
Một là: Đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, làm cho đội ngũ đảng viên thấy được vị trí, vai trò và ý nghĩa quan trọng của tổ chức cơ sở đảng; đồng thời xây dựng đội ngũ đảng viên vững mạnh, tạo nguồn kết nạp đảng viên ở những nơi chưa có tổ chức cơ sở đảng và đảng viên, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thôn Rô Mô thuộc Đảng bộ xã Đa Kai, các trường Mẫu giáo; quan tâm phát triển đảng viên mới là nông dân, trí thức và đảng viên trẻ tuổi, đảng viên nữ ...
Hai là: Coi trọng việc chỉ đạo điểm, tổng kết thực tiễn và nhân rộng các mô hình, loại hình, điển hình tiên tiến. Gắn công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng với phát triển kinh tế - xã hội của từng xã, thị trấn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào theo đạo.
Ba là: Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực lãnh đạo cho cán bộ chủ chốt. Thực hiện tốt chủ trương liên quan đến Bí thư cấp uỷ trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp theo tinh thần Nghị quyết Trung ương VI (khoá X); đồng thời rút kinh nghiệm mô hình thí điểm Bí thư cấp uỷ đồng thời là Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã ở Đảng bộ xã Đức Hạnh và xã Đông Hà.
Bốn là: Không ngừng nâng cao chất lượng sinh hoạt của các tổ chức cơ sở đảng, gắn sinh hoạt Đảng với việc tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ chí Minh”, lựa chọn chủ đề sinh hoạt Đảng phù hợp với từng thời điểm và sát với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị.
Năm là: Tiếp tục chỉ đạo và kiện toàn hệ thống chính trị ở cơ sở, phát huy cao độ vai trò của chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể quần chúng; đồng thời lấy thước đo về kết quả xây dựng Đảng, phát triển kinh tế, an ninh - quốc phòng, văn hóa - xã hội để đánh giá năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đặc biệt là ở các xã, thị trấn.