Đức Linh - Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 08-NQ/HU của Huyện uỷ về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi giai đoạn 2006-2010.

  • /
  • 27.10.2011 - 7:35

Sáng ngày 26/10/2011, Huyện uỷ Đức Linh mở Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 08 của Huyện uỷ về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi giai đoạn 2006-2010

Hội nghị đã đánh giá hiệu quả mang lại từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi qua 5 năm thực hiện, những mặt còn tồn tại và hướng tiếp tục thực hiện trong thời gian đến để việc thực hiện Nghị quyết đi vào chiều sâu và có hiệu quả hơn.

Thực hiện Nghị quyết 08 của Huyện uỷ, bà con nông dân trong huyện đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, chọn giống mới, nhờ đó năng suất cây trồng, con nuôi đều tăng, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện, thu hút người dân tham gia vào hoạt động chuyển đổi và sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân. Nhìn chung, qua 5 năm năm thực hiện Nghị quyết 08, hoạt động sản xuất nông nghiệp sinh động và đa dạng hơn, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất mới và hiệu quả.

Qua Hội nghị, đồng chí Huỳnh Tấn Pháp – TUV, Bí thư Huyện uỷ kết lại 5 năm thực hiện Nghị quyết 08 như sau:

- Nghị quyết 08-NQ/HU ra đời là phù hợp với yêu cầu trong giai đoạn 5 năm 2006-2010, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa IX, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân, giúp cho người dân nhận thức được lợi ích và năng động hơn trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi theo qui hoạch, kế hoạch của huyện đề ra.

- Thực hiện Nghị quyết 08 giúp hoàn thành chỉ tiêu kinh tế mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khoá IX đề ra góp phần đạt và vượt mục tiêu chung cũng như mục tiêu cụ thể.

- Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi đạt kết quả cũng là một trong những nhân tố tích cực trong việc tăng thu cho ngân sách nhà nước; cải thiện đời sống của nhân dân.

- Công tác ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật được tăng cường, tập trung vào những cây trồng, con nuôi chủ lực đã được xác định phù hợp với điều kiện của địa phương; xác định rõ hướng đi trong sản xuất nông nghiệp.

- Công tác đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ cho sản xuất được quan tâm.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại, hạn chế:

- Một số chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết còn thấp, năng suất cây trồng chưa cao.

- Đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ cho sản xuất còn nhiều khó khăn; việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, đầu tư thâm canh, đầu tư kênh mương thuỷ lợi và công trình trên kênh phục vụ cho công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng còn hạn chế.

- Việc phát triển nuôi trồng thuỷ sản đem lại hiệu quả chưa cao, mô hình còn rất ít.

- Quản lý nhà nước ở một số lĩnh vực còn lỏng lẻo.

Một số nhiệm vụ trọng tâm cần quan tâm thực hiện trong thời gian đến:

Phát huy kết quả đạt được trong 5 năm thực hiện Nghị quyết 08-NQ/HU của Huyện ủy, đồng thời rút kinh nghiệm để khắc phục những khó khăn tồn tại trong thời gian qua, tiếp tục đưa công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, sản phẩm có tính cạnh tranh cao, nhằm làm chuyển biến mạnh mẽ ngành sản xuất nông nghiệp của huyện. Căn cứ vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ X và Qui hoạch tổng thể kinh tế - xã hội của huyện được thông qua, Ban Thường vụ Huyện ủy xác định một số nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong thời gian tới như sau:

1- Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng tích cực, thực hiện công nghiệp hóa hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn; hình thành vùng sản xuất chuyên canh. Xác định cây trồng chủ lực là cây cao su, cây điều, cây lúa, con heo và phát triển đàn gia cầm theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp.

Một số mục tiêu chủ yếu là:

- Đến năm 2015 tốc độ phát triển ngành nông - lâm - thủy sản tăng 11,34%, trong đó trồng trọt chiếm 55%, chăn nuôi 30%, thủy sản 10% và dịch vụ chiếm 5%.

- Giữ vững và ổn định diện tích lúa 8.600 ha, năng suất đạt trên 51 tạ/ha, sản lượng lương thực 110.000 tấn.

- Diện tích cây cao su 13.500 ha, năng suất bình quân 15 tạ/ha.

- Ổn định diện tích cây điều 5.500 ha, năng suất 11 tạ/ha.

- Diện tích cây tiêu 1.250 ha, năng suất 18 tạ/ha.

- Tổng đàn heo 170.000 con.

- Tổng đàn gia cầm 600.000 con.

- Phấn đấu đạt 1.400 ha mặt nước nuôi trồng thuỷ sản, sản lượng 3.500 tấn, doanh thu đạt từ 60-70 triệu đồng/ha/năm. Thu nhập khoảng 28-30 triệu đồng/ha.

2- Tập trung phát triển chăn nuôi heo theo hướng công nghiệp, giảm dần việc nuôi heo trong khu dân cư; khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung. Ổn định đàn bò, chú trọng phát triển chất lượng con giống, đẩy mạnh công tác thụ tinh nhân tạo bò, sind hóa đàn bò, nâng cao trọng lượng, chất lượng thịt xẻ. Phát triển đàn gia cầm, trong đó ưu tiên phát triển đàn gà nuôi theo quy trình an toàn sinh học; phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghiệp và bán thâm canh. Phấn đấu 20% hộ chăn nuôi gia đình nhỏ lẻ sẽ trở thành hộ chăn nuôi theo quy mô trang trại với số lượng lớn. Ứng dụng mạnh mẽ các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi; đặc biệt là sử dụng có hiệu quả các chế phẩm sinh học và phụ phẩm trong nông nghiệp phục vụ chăn nuôi; xây dựng các bể “Bioga” để vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường vừa sử dụng có hiệu quả nguồn năng lượng phục vụ cho đun nấu, chạy máy phát điện. Khai thác có hiệu quả diện tích mặt nước nuôi trồng thuỷ sản, mở rộng mô hình nuôi các loại giống cá có giá trị kinh tế cao như: cá rô phi đơn tính, rô đồng đầu vuông, cá bống tượng, cá chình...

Triển khai tốt kế hoạch tiêm phòng cúm gia cầm và LMLM gia súc của từng năm, tuyên truyền hộ chăn nuôi tự giác thực hiện tiêm phòng đầy đủ các bệnh cho đàn gia súc, gia cầm song song với việc thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, nâng cao chất lượng con nuôi (tầm vóc, thể trọng, sản phẩm thịt, chu kỳ sinh sản...). Quy hoạch diện tích đất để phát triển các trang trại chăn nuôi tập trung ngoài khu dân cư. Chú trọng đến công tác kiểm soát hoạt động kinh doanh, giết mổ gia súc, gia cầm; hàng năm tổ chức nhiều đợt kiểm tra, nhằm xử lý, điều chỉnh kịp thời các trường hợp vi phạm, đặc biệt lưu ý tình hình ô nhiễm môi trường tại cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm...

3- Tập trung chỉ đạo mạnh mẽ về công tác giống, đẩy mạnh việc tuyển chọn, thực hiện sản xuất khảo nghiệm, trình diễn, đưa các giống cây trồng đạt năng suất, chất lượng cao để hình thành bộ giống của huyện. Quy hoạch vùng và bố trí từng loại giống theo vùng, địa bàn; từng bước xây dựng hình thành cánh đồng mẫu. Liên kết có hiệu quả mô hình “4 nhà”, hướng đến sản xuất sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, GloboGAP nhằm giúp tạo sản phẩm nông sản hàng hoá sạch, đảm bảo chất lượng và đầu ra của sản phẩm.

Đẩy mạnh chỉ đạo sản xuất theo lịch thời vụ và hướng dẫn kỹ thuật, đầu tư thâm canh cho nhân dân; thường xuyên theo dõi diễn biến của thời tiết và các đối tượng sâu, bệnh hại để xây dựng lịch thời vụ, bố trí thời điểm xuống giống phù hợp nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh, do nắng hạn hoặc mưa lũ gây ra.

4- Quy hoạch hệ thống thủy lợi để khai thác, sử dụng hiệu quả các công trình thủy lợi hiện có và có thể nối mạng được khi Đập dâng Tà Pao hoàn thành. Đầu tư làm mới, sửa chữa các tuyến kênh, mương tưới, tiêu, đưa diện tích tưới lên 16.000 ha.

5- Có các biện pháp khuyến khích người dân cải tạo đồng ruộng dồn điền, đổi thửa; đầu tư xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng kinh tế trang trại đầu tư phát triển các dịch vụ nông nghiệp vùng nông thôn, góp phần tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả.

Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, con nuôi theo Nghị quyết 08 của Huyện uỷ (khoá IX) và đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn gắn với qui hoạch xây dựng nông thôn mới. Trước mắt là xây dựng nông thôn mới và giao thông nông thôn theo Kế hoạch số 19 và Đề án 07 của Huyện uỷ.


  • |
  • 1053
  • |

Các tin khác