HUYỆN UỶ ĐỨC LINH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 03-NQ/TU, NGÀY 16/3/2011 CỦA TỈNH UỶ

  • /
  • 13.7.2011 - 0:0

Thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 16/3/2011 của Tỉnh uỷ về đẩy mạnh phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2011-2015; Nghị quyết số 104/2011/NQ-HĐND ngày 18/3/2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận về phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015; Quyết định số 931/QĐ-UBND ngày 19/4/2011 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Thuận về việc phê duyệt đề án phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015; Huyện uỷ Đức Linh xây dựng Kế hoạch phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2011-2015 trên địa bàn huyện.

          I- MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:

              - Phát triển mạng lưới giao thông nông thôn để tạo tiền đề, làm động lực  phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ X.

           - Tập trung huy động mọi nguồn lực để phát triển giao thông nông thôn; phấn đấu đến năm 2015 trên địa bàn toàn huyện ít nhất có 40% số km đường (khoảng 77 km/192 km) được nâng cấp bằng bê tông nhựa hoặc bê tông xi măng. Tập trung trước hết ở các tuyến trên địa bàn dân cư và các xã điểm xây dựng nông thôn mới.

         - Xây dựng và phát triển giao thông nông thôn phải tuân theo quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và gắn  với xây dựng nông thôn mới trên từng khu vực, địa bàn, theo hướng bền vững, đồng bộ với các kết cấu hạ tầng khác. Hàng năm ngân sách huyện cân đối kinh phí để qui hoạch và đầu tư xây dựng hệ thống giao thông nông thôn; tổ chức cắm mốc lộ giới và thường xuyên kiểm tra, xử lý, chấn chỉnh các trường hợp lấn chiếm hành lang các tuyến giao thông nông thôn.

          II- NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP:

        1- Tập trung, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động. Xem đây là giải pháp mấu chốt mang lại hiệu quả cho phong trào phát triển giao thông nông thôn.

          Nội dung tuyên truyền cần làm cho mọi người nhận thức đúng mức vị trí và tầm quan trọng của giao thông nông thôn, thấy được lợi ích thiết thực và yêu cầu cấp bách của việc phát triển và xây dựng giao thông nông thôn, xác định rõ nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi người, để từ đó thực sự tự nguyện, tự giác và tích cực tham gia làm giao thông nông thôn trên địa bàn cư trú.

          Hình thức tuyên truyền cần phong phú, đa dạng từ tổ chức họp dân để phổ

biến đến vận động trực tiếp từng đối tượng, xây dựng chuyên đề, tuyên truyền trực quan...

          Song song với công tác tuyên truyền, vận động; cũng cần phát động sâu rộng và mạnh mẽ trong các cơ quan, đơn vị, địa bàn dân cư phong trào thi đua làm giao thông nông thôn. Cán bộ, đảng viên, công nhân, viên chức, đoàn viên, hội viên phải phát huy vai trò gương mẫu, nòng cốt trong phong trào làm giao thông nông thôn. Chính quyền và đoàn thể các cấp có trách nhiệm đưa nội dung này vào chương trình xét bình chọn thi đua khen thưởng hàng năm.

        2- Nghiêm túc thực hiện Pháp lệnh 34/2007/UBTVQH ngày 20/4/2007 của Ủy ban thường vụ quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn trong tất cả các khâu, các bước; từ khi bàn chủ trương cho đến giai đoạn sử dụng, quản lý, bảo vệ công trình. Phải phát huy hiệu quả của các tổ công tác; các trưởng thôn, khu phố, già làng, trưởng giòng họ và những người có uy tín trong cộng đồng dân cư trong xác định công trình và mức đóng góp. Trong đó cần đặc biệt lưu ý các vấn đề:         

          - Xét chọn, đăng ký danh mục công trình;

        - Khái toán chi phí công trình, cơ cấu nguồn vốn đầu tư.

         - Quyết định mức đóng góp tối thiểu của từng đối tượng trong cộng đồng dân cư trên toàn địa bàn và trong khu vực được hưởng lợi trực tiếp và sự cam kết đóng góp kinh phí để xây dựng.

        - Xem xét, quyết định việc miễm giảm cho các đối tượng theo quy định.

          - Quyết định hình thức tổ chức thực hiện, thời gian thực hiện.

          - Quyết định phương pháp giám sát, kiểm tra chất lượng công trình.

          - Thống nhất biện pháp quản lý, khai thác, bảo dưỡng công trình sau xây dựng.

          - Thanh quyết toán kinh phí xây dựng công trình.

        3- Xây dựng đề án, dự án, quy trình, thủ tục thực hiện chương trình phát triển giao thông nông thôn sao cho nhanh chóng, thuận lợi, dễ làm, giảm thiểu tối đa các chi phí và đảm bảo đúng quy định pháp luật hiện hành về đầu tư, xây dựng, tuân thủ quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đồng bộ với sự phát triển các loại kết cấu hạ tầng khác. Có sự phân công và quy chế phối hợp cụ thể giữa các cấp các ngành nhằm giải quyết kịp thời theo đúng chức năng các vấn đề hoặc các vướng mắc nẩy sinh; đảm bảo chất lượng công trình, không để xảy ra thất thoát, tiêu cực trong chi tiêu.

          4- Thực hiện đề án xây dựng giao thông nông thôn phải trên cơ sở thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án khác trên địa bàn để có mức hỗ trợ và huy động phù hợp với từng đặc điểm thực tế của địa bàn và mức sống của dân cư từng vùng.

          5- Việc huy động vốn được thực hiện trên cơ sở đóng góp tự nguyện của nhân dân và sự hỗ trợ từ nguồn ngân sách Nhà nước tỉnh, huyện theo quy định tại Quyết định số 931/QĐ-UBND ngày 19/4/2011 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Thuận về việc phê duyệt đề án phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015.

         Đối với nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh, huyện; các cấp, các ngành có trách nhiệm cân đối, bố trí kịp thời và đầy đủ  theo kế hoạch được duyệt hằng năm.

         Đối với nguồn đóng góp tự nguyện của nhân dân, việc huy động có thể tiến hành bằng nhiều hình thức phù hợp với điều kiện thực tế bằng nhân tài, vật lực, kể cả vận động tài trợ. Giá trị đóng góp có thể là bằng tiền, bằng vật tư, bằng ngày công của thiết bị, bằng ngày công lao động trực tiếp.... do người dân quyết định theo đúng quy chế dân chủ. Vấn đề miễn, giảm đối với các đối tượng chính sách, hộ nghèo cũng cần phải được nhân dân ở địa bàn dân cư xem xét và quyết định cụ thể.

          III- TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

         - Căn cứ Kế hoạch này, các chi, đảng bộ trực thuộc, các cơ quan, ban, ngành, Mặt trận và các đoàn thể tổ chức học tập, quán triệt sâu kỹ trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân trong huyện. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch phù hợp để triển khai thực hiện. Kịp thời cổ vũ, biểu dương, động viên những đơn vị, cá nhân thực hiện tốt phong trào làm giao thông nông thôn. Lấy kết quả của phong trào làm giao thông nông thôn làm một trong những tiêu chí để đánh giá, phân loại tổ chức Đảng, Mặt trận và đoàn thể hàng năm.

         - HĐND huyện ban hành Nghị quyết, thường xuyên giám sát việc thực hiện. Uỷ ban nhân dân huyện cụ thể hóa Kế hoạch này để chỉ đạo, điều hành UBND các xã, thị trấn, các ngành chức năng thực hiện đạt kết quả như mục tiêu đã đề ra. 

         - Giao Văn phòng Huyện uỷ phối hợp chặt chẽ với Văn phòng HĐND và UBND huyện và các ban ngành liên quan giúp Huyện uỷ theo dõi tình hình và kết quả thực hiện, thường xuyên báo cáo để Huyện uỷ nắm bắt và chỉ đạo kịp thời.

 


  • |
  • 1134
  • |

Các tin khác