Đức Linh - Kế hoạch sản xuất vụ mùa năm 2011.

  • /
  • 2.8.2011 - 0:0

Để vụ mùa năm 2011 trên địa bàn huyện Đức Linh được đảm bảo sản lượng lương thực UBND huyện giao Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Đức Linh xây dựng kế hoạch sản xuất các loại cây trồng hàng năm trong vụ mùa như sau:

 

1- Chỉ tiêu cây trồng:

Tổng diện tích gieo trồng vụ mùa năm 2011 ở Đức Linh là: 7.340 ha. Gồm cây lúa: 6.100 ha, cây bắp: 500 ha, cây đậu phộng: 110 ha, đậu nành: 130 ha, cây đậu các loại: 205 ha, rau các loại: 175 ha, cây mè: 120 ha.

2- Giải pháp thực hiện:

* Thời vụ xuống giống:

- Đối với cây lúa:

Đối với diện tích lúa chủ động thuỷ lợi sau khi thu hoạch vụ hè thu xong (Võ Xu,Nam Chính, Đa Kai, Sùng Nhơn) sẽ tiến hành xuống giống trong tháng 8 (thời gian xuống giống phải căn cứ theo lịch né rầy của Trạm Bảo vệ thực vật) để kịp sản xuất vụ đông xuân 2011-2012. Đối với diện tích không chủ động nước thì sau khi thu hoạch xong, khẩn trương xuống giống sớm hạn chế tình trạng thiếu nước vào thời điểm cuối vụ, dự kiến xuống giống trong cuối tháng 7, đầu tháng 8.

- Đối với cây bắp, đậu các loại, rau các loại: trên đất màu tranh thủ xuống giống nhanh và tập trung trong tháng 8, thu hoạch trong tháng 11 để hạn chế thiếu nước vào cuối vụ.

* Cơ cấu giống sử dụng gieo trồng:

- Cây lúa:

Do đặc điểm vụ mùa đầu vụ mưa nhiều, cuối vụ có thể bị hạn và để phòng ngừa sự bất lợi của thời tiết. Để đảm bảo đủ nguồn nước tưới vào cuối vụ cần phải chú ý sử dụng các giống có thời gian sinh trưởng ngắn ngày và thích hợp với điều kiện sản xuất vụ mùa, đó là:

+ Với giống lúa: OM 6162, OM 4900, ML 202, IR 59606, IR 56279, AS 996, OM 4498, OM 2514, OM 2717, OM 3536, OM 4218, OM 6377 (hạn chế sử dụng giống IR 59606, IR 56279). Nên sử dụng giống lúa xác nhận gieo sạ, không nên sử dụng lúa thịt, lúa sản xuất qua nhiều vụ để gieo.

- Cây trồng khác:

+ Giống bắp: G49, C919, DK 9901, NK 54.

+ Giống đậu xanh: HL 89-E3, V87-13, HL 91-15, V94-208.

+ Giống đậu phộng: VD2, HL25.

+ Giống đậu nành: giống đậu nành mắt hồng, giống MT17, DT 25.

3- Phòng trừ sâu bệnh:

Trong thời gian đầu vụ do mưa, sâu bệnh phát triển, do đó cần tăng cường phòng, trừ sâu bệnh. Đặc biệt là ốc bươu vàng, chuột, sâu cuốn lá, bệnh đạo ôn, rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá. Ngoài ra còn chú ý phòng, trừ một số sâu bệnh trên rau, đậu và cây trồng khác như: bệnh thán thư, đốm vằn và bệnh nấm hồng trên cây lâu năm.

+ Rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá: Đây là hai loại bệnh có khả năng xuất hiện và gây thiệt hại lớn đến sản xuất vụ mùa, cần phải chủ động phòng, trị ngay từ ban đầu, vệ sinh đồng ruộng, xử lý đất, xử lý hạt giống trước khi sạ bằng thuốc Actara hoặc Cruiser Plus tiến hành lúc hạt giống vừa chớm nứt nanh (trước khi đem giống gieo sạ từ 12-16 giờ). Khi gieo sạ được 20 ngày tuổi, thường xuyên theo dõi diễn biến xuất hiện của rầy nâu để phát hiện và xử lý một cách kịp thời, hiệu quả. Đồng thời, qua đó theo dõi tình trạng phát triển của cây lúa nếu xuất hiện bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá thì tiến hành nhổ bỏ, tiêu huỷ ngay những cây láu bị bệnh phải đảm bảo vệ sinh để hạn chế sự lây lan.

+ Sâu cuốn lá nhỏ: phun thuốc sau khi bướm rộ 5-7 ngày (sâu non tuổi 1-2) mới có hiệu quả.

+ Bệnh đạo ôn: vụ hè đã phát triển và gây hại tương đối nhiều trên chân ruộng vùng gò cao thiếu nước vì vậy vụ mùa cần phải chú ý: sử dụng giống kháng bệnh, bón phân cân đối và thường xuyên thăm đồng phát hiện kịp thời phòng trừ. Nên sử dụng các loại thuốc đặc trị như Filia, Beam, Hagro Blast, Jujon…. Theo đúng quy trình hướng dẫn, ngưng bón phân đạm và phân bón lá khi bệnh chưa hết.

Chú ý phải đắp bờ, giữ nước trên mặt ruộng khi phun thuốc.

+ Bệnh đốm sọc vi khuẩn: bón cân đối phân đạm, lân, kali. Cần làm tốt khâu xử lý hạt giống và dùng vôi, kali, phân hữu cơ, bón lót, bón thúc sớm, giữ mực nước nông, để phòng ngừa bệnh, kết hợp vệ sinh tiêu diệt tàn dư lá bệnh trên đất ruộng, diệt các loại cỏ dại là ký chủ phụ (cỏ môi, cỏ lồng vực…). Sử dụng các loại thuốc phòng trừ vi khuẩn: Alpine 80WP, Batocide 12WP, Sasa 20WP, Xathomix 20WP, Kasauran 50WP, Sasumi 70 WP theo liều lượng khuyến cáo.

Ngoài ra các đối tượng sâu bệnh khác cần phát hiện sớm và phòng trừ theo nguyên tắc 4 đúng.

4- Kế hoạch tưới bổ sung:

- Đối với diện tích trong hệ thống thuỷ lợi: Xí ngiệp KTCT thuỷ lợi La Ngà kiểm tra lại toàn bộ các hệ thống vận hành máy ở các trạm bơm, khắc phục nhanh các sự cố máy móc, kênh mương, công trình bị hỏng không đảm bảo hoạt động. Xí nghiệp KTCT thuỷ lợi La Ngà phối hợp với UBND các xã, thị trấn và tổ dùng nước tu sửa các tuyến kênh, mương nội đồng. UBND các xã, thị trấn chỉ đạo các đơn vị dùng nước có kế hoạch tưới và chủ động ký hợp đồng bơm nước tưới kịp thời cho ruộng lúa theo nhu cầu phát triển cây trồng, đặc biệt vào thời gian làm đất và cuối vụ hay bị thiếu nước do nắng hạn.

- Đối với diện tích không nằm trong hệ thống thuỷ lợi: khi có hạn xảy ra vào cuối vụ, UBND các xã, thị trấn vận động người dân tự đào ao tại ruộng và các biện pháp ngăn chặn giữ nguồn nước từ các sông suối, ao cá. Đồng thời, sử dụng máy bơm dầu Diezel tự có bơm nước kịp thời để chống hạn.




  • |
  • 966
  • |

Các tin khác