Đức Linh - Kinh nghiệm xây dựng giao thông nông thôn

  • /
  • 9.4.2013 - 7:20

Xác định xây dựng giao thông nông thôn là tiền đề phát triển sản xuất, là vấn đề cơ bản cốt lõi, nâng cao đời sống nhân dân, là mục tiêu quan trọng của xây dựng nông thôn mới. Năm 2012, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung thực hiện Đề án phát triển giao thông nông thôn và đạt được kết quả đáng ghi nhận.

 

Năm 2012, huyện được tỉnh giao kế hoạch bê tông hóa 6,25 km đường giao thông nông thôn có chiều rộng 4m, phù hợp với quy định về xây dựng nông thôn mới. Theo quy định việc xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn được Nhà nước hỗ trợ 65%, nhân dân đóng góp 35% /tổng giá trị đầu tư. Nhằm phát huy nguồn lực trong việc đóng góp xây dựng đường giao thông nông thôn, UBND huyện đã phân cấp quản lý để đầu tư xây dựng, đồng thời làm tốt phương thức tuyên truyền vận động, để nhân dân hiểu, thấy được lợi ích của việc bê tông hóa các tuyến đường liên thôn, từ đó tích cực hưởng ứng và tham gia. Từ việc có chủ trương hợp lòng dân, phong trào thi đua làm đường giao thông trên địa bàn huyện đã lan tỏa rộng khắp.

Sùng Nhơn là một trong số các địa phương có phong trào làm đường giao thông tốt nhất huyện. Năm 2012, xã đã bê tông hóa được 1.902m đường giao thông nông thôn, vượt chỉ tiêu huyện giao 441m. Ông Nguyễn Văn Thành - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, khi mới bắt đầu triển khai đề án, địa phương gặp không ít khó khăn do chưa được nhân dân đồng tình. Tuy nhiên, xác định tầm quan trọng của việc bê tông hóa đường giao thông nông thôn, UBND xã đã đề ra nhiều hình thức tuyên truyền để người dân hiểu, như: thành lập Ban vận động và cử cán bộ xuống địa bàn, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân để có cách vận động thích hợp. Xã còn tổ chức nhiều cuộc họp dân, trong đó nội dung quan trọng là đưa bản thiết kế mẫu đường giao thông của Sở Giao thông Vận tải ra phân tích từ kết cấu đến tuổi thọ công trình… Nhiều hộ gia đình muốn đóng góp nhưng không đủ tiền mặt, xã đã linh động trong cách đóng góp. Thay vì đóng tất cả bằng tiền mặt thì người dân có thể đóng bằng vật liệu, ngày công lao động… Từ đó, nhiều người đã tích cực hưởng ứng.

Xã Tân Hà là địa phương gặp khó khăn nhất trong việc bê tông hóa đường giao thông do đặc thù địa hình, dân cư tại các tuyến đường nông thôn trên địa bàn xã thưa thớt. Nhưng trong năm 2012, xã cũng đã vận động nhân dân đổ bê tông được hơn 500m đường giao thông theo đúng tiêu chuẩn thiết kế. Nếu như ở xã Sùng Nhơn trung bình mỗi hộ dân đóng góp làm đường từ 800 nghìn đến 1 triệu đồng, thì tại xã Tân Hà, mỗi hộ phải đóng từ 4,5 - 5 triệu đồng. Thế nhưng, bằng hình thức huy động vốn tính theo số diện tích đất mặt đường của mỗi hộ dân, xã đã vận động nhân đóng góp đủ kinh phí thực hiện công trình. Ông Nguyễn Văn Khải - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Nếu vận động bình quân các hộ dân trên tuyến đường thì có thể không công bằng. Vì các hộ có đất mặt đường nhiều, ít khác nhau. Thế nên, xã đã đưa ra hình thức vận động là áp giá theo dạng bậc thang. Hộ nào có 5m đất dọc đường tính một giá và cứ thêm 5m thì tính lên một bậc giá. Bậc giá sau thấp hơn bậc giá trước. Cách làm này khá công bằng, nên nhận được sự đồng thuận của nhân dân.

Không chỉ có nhiều hình thức vận động nhân dân đóng góp kinh phí làm đường giao thông mà các địa phương trên địa bàn huyện còn biết phát huy tốt vai trò làm chủ của nhân dân trong việc giám sát, đảm bảo chất lượng công trình. Có thể kể đến xã Đức Hạnh. "Để phát huy tốt quyền làm chủ của người dân trong xây dựng đường giao thông, xã đã để người dân tự quyết định hình thức thực hiện công trình. Người dân trực tiếp kiểm tra chất lượng đất, cát, đá, xi măng và giám sát quá trình thi công, hạng mục nào không đảm bảo, yêu cầu đơn vị thi công làm lại. Nhờ vậy, mà chất lượng công trình ở đây rất tốt", ông Cao Danh - Phó Chủ tịch UBND xã nói. Sau khi con đường hoàn thành, xã Đức Hạnh tiếp tục vận động người dân xây dựng mương, cống thoát nước, lập ba-ri-e để bảo vệ tuổi thọ con đường. Đồng thời lắp đặt hệ thống chiếu sáng hai bên đường để đảm bảo an ninh trật tự trong thôn xóm.

Nhờ phát huy tốt vai trò của nhân dân trong xây dựng đường giao thông nông thôn, nên trong năm 2012, toàn huyện đã nâng cấp bê tông xi măng được 19 tuyến đường với tổng chiều dài 7,565km, đạt 120,96% kế hoạch tỉnh giao. Tổng kinh phí đầu tư 7,42 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 2,6 tỷ đồng. Đáng nói hơn là phong trào xây dựng giao thông nông thôn ở huyện đã bắt đầu lan tỏa mạnh mẽ và được đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ. Nhiều địa phương, tuy không được giao chỉ tiêu, nhưng người dân đã đề nghị chính quyền cho thực hiện. Phát huy kết quả đạt được của năm 2012, trong năm nay huyện sẽ phấn đấu bê tông hóa 47 tuyến đường với tổng chiều dài hơn 24,8km. Ông Nguyễn Văn Húy - Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Bài học lớn nhất mà huyện rút ra từ việc làm đường giao thông nông thôn, đó chính là phải xây dựng lòng tin và củng cố sự đoàn kết trong nhân dân; đồng thời, làm tốt công tác phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân, đặc biệt những vùng khó khăn để nhân dân hiểu sâu sắc hơn chủ trương của huyện và lợi ích của chính mình, từ đó tham gia đóng góp tích cực thực hiện chủ trương bê tông hóa đường giao thông nông thôn, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Được biết, trong Đề án Phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2011-2015, huyện phấn đấu nâng cấp bê tông nhựa hoặc bê tông xi-măng 77km đường nông thôn đi qua khu dân cư. Đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn đòi hỏi các cấp chính quyền trong huyện tiếp tục phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân, đồng thời đề ra nhiều giải pháp thiết thực và hiệu quả. Có như vậy, việc nâng cấp bê tông nhựa hoặc bê tông xi-măng 40% số km đường nông thôn chưa được nâng cấp trên địa bàn huyện mới có thể hoàn thành đúng kế hoạch.

                                                                                                                         TCT-HMT





 


  • |
  • 832
  • |

Các tin khác