Tích cực hưởng ứng Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 16/3/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XII) về đẩy mạnh phát triển giao thông nông thôn, giai đoạn 2011 - 2015, chỉ trong thời gian hơn 1 tháng, từ ngày 10/4/2012 đến ngày 15/5/2012 xã Sùng Nhơn đã vận động nhân dân triển khai làm xong 1.902m đường bê tông xi măng rộng 4 m, dày 20 cm. So với chỉ tiêu huyện giao theo Đề án phát triển giao thông nông thôn huyện Đức Linh giai đoạn 2011 - 2015, ban hành kèm theo Quyết định số 07/QĐ-UBND, ngày 05/8/2011 của UBND huyện vượt 402m. Đúng là một sự kiện hết sức bất ngờ và thú vị!
Được biết, Sùng Nhơn đã từng là xã nghèo, được hưởng chương trình 135 của Nhà nước, chỉ mới thoát nghèo trong mấy năm gần đây, vậy mà ai nghĩ có thể vận động sự đóng góp của dân để làm đường nhanh vậy. Thế mà có thật! Con đường này do công sức của nhân dân 5 thôn làm nên. Đầu tiên là nhân dân thôn 4, tổ chức ra quân từ ngày 10/4, hoàn thành ngày 20/4 với con đường dài 332m; kế tiếp là thôn 2 hoàn thành 483m; thôn 7 hoàn thành 289m; thôn 5 hoàn thành 458m và kết thúc là thôn 6, khởi công ngày 29/4, xong ngày 10/5 với chiều dài 340m. Tổng kinh phí đầu tư gần 2.168 triệu đồng, trong đó dân đóng góp 760 triệu đồng (35%).
Cách làm của Sùng Nhơn rất hay, vì đây là công trình huy động từ sức dân có sự hỗ trợ của nhà nước theo tỉ lệ: dân đóng góp 35%, nhà nước 65%. Do vậy, việc huy động sức dân như thế nào, phương thức ra sao do thôn tổ chức họp dân quyết định. Xã đứng ra giúp thôn lập dự án, khái toán kinh phí, vật tư…Đầu tiên là xác định mức huy động, đối tượng huy động. Vấn đề này dân bàn rất lâu, phải họp nhiều lần mới giải quyết được. Việc huy động vốn được triển khai đối với toàn bộ các hộ trong thôn. Mức huy động được chia làm 2 mức: những hộ ở hai bên con đường chuẩn bị làm thì đóng 1 triệu đồng, những hộ còn lại trong thôn thì đóng 500.000 đồng. Việc miễn, giảm cũng do dân quy định, không căn cứ vào danh sách hộ nghèo. Chỉ miễn huy động hộ già, neo đơn không còn khả năng lao động được. Còn lại ai có tiền thì đóng tiền, ai không có tiền thì đóng góp bằng công lao động. Sau khi giải quyết xong những vấn đề then chốt trên, dân bầu ra tổ quản lý để tổ chức thi công; bầu ra tổ giám sát để theo dõi, kiểm tra chất lượng vật tư, kỹ thuật và giám sát việc sử dụng kinh phí đầu tư cho công trình, đồng thời có trách nhiệm công khai toàn bộ những vấn đề phát sinh của công trình ra dân. Một đồng chí trong Ban quản lý công trình thôn cho biết: “Việc tổ chức thi công không khó, khó nhất là có được sự đồng thuận trong dân. Vậy mà xong công trình này, các hộ còn đề nghị nhà nước cho làm thêm nhiều con đường nữa, không biết có được không đây”.
Đứng trên con đường mới làm xong còn nồng mùi xi măng, thẳng tắp, không một vết nứt, đồng chí Nguyễn Văn Thanh - Bí thư Đảng ủy xã Sùng Nhơn, tâm sự: “Nhớ ngày đầu mới cầm Đề án trong tay, thấy huyện giao cho Sùng Nhơn chỉ tiêu 1,5 km trong năm 2012, tôi không biết làm cách gì có thể hoàn thành được. Nhưng thực tế anh thấy đó, dân Sùng Nhơn không giàu như các xã khác, nhưng nhờ có một chủ trương đúng, một cách làm hợp với ý dân, thì chuyện trong mơ cũng trở thành hiện thực”.