ĐƯC LINH - Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên đường đổi mới

  • /
  • 8.2.2012 - 12:13

Những năm qua, huyện Đức Linh được UBND tỉnh và các ngành cấp trên quan tâm quy hoạch và đầu tư cơ sở xây dựng hạ tầng, kỹ thuật các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN); UBND huyện đã chỉ đạo từng bước xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi, khuyến khích và thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, mở rộng quy mô, nhập dây chuyền công nghệ mới, chất lượng sản phẩm của một số ngành hàng được nâng cao. Kết quả hoạt động sản xuất CN-TTCN trên địa bàn huyện duy trì tốc độ phát triển bền vững.

 

Những năm qua, huyện Đức Linh được UBND tỉnh và các ngành cấp trên quan tâm quy hoạch và đầu tư cơ sở xây dựng hạ tầng, kỹ thuật các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN); UBND huyện đã chỉ đạo từng bước xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi, khuyến khích và thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, mở rộng quy mô, nhập dây chuyền công nghệ mới, chất lượng sản phẩm của một số ngành hàng được nâng cao. Kết quả hoạt động sản xuất CN-TTCN trên địa bàn huyện duy trì tốc độ phát triển bền vững.

Trong năm 2011, giá trị sản xuất công nghiệp (CN) đạt 686,876 tỉ đồng (theo giá hiện hành), tăng 10,95% so với kế hoạch. Một số sản phẩm chủ yếu đạt được như sau: Chế biến nhân hạt điều đạt 2.100tấn, tăng 5% so với năm 2010; Chế biến mủ cao su 15.000tấn, tăng 15,38% so với năm 2010; Tôn lợp 6.000 m2 tăng 33,33% so với năm 2010. Chế biến tinh bột mì đạt 35.000 tấn. Sản xuất gạch tuynel 50 triệu viên, gạch hoffman 40 triệu viên. Sản xuất chế biến thức ăn gia súc đạt 45.000 tấn.

Đến cuối năm 2011, toàn huyện có trên 1.000 cơ sở sản xuất CN-TTCN. Các cụm CN được quy hoạch và từng bước đầu tư kết cấu hạ tầng, trong đó: Cụm CN Mê Pu đã xây dựng hoàn thành hệ thống thoát nước; Cụm CN Đức Hạnh đã hoàn thành hồ sơ quy hoạch chi tiết 1/500. Làng nghề mây tre đan Đông Tân - xã Đông Hà cũng đã được đầu tư, mở rộng. Dự án đầu tư phát triển sản xuất CN-TTCN ngày càng nhiều. Có những dự án có nguồn vốn đầu tư lớn như: Nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi Japfa, Nhà máy chế biến mủ cao su Sao Thái Dương - xã Đông Hà và Nhà máy chế biến mủ cao su Suối Kè của Công ty Cao su Bình Thuận, Nhà máy xay xát lúa gạo xuất khẩu của Công ty Đại Nhật Phát - xã Mê Pu, Nhà máy chế biến tinh bột mì Tiến Phát - xã Đức Hạnh, Nhà máy gạch Tuynel Bắc Mỹ - xã Mê Pu và Nhà máy gạch Tuynel Thái Bảo - xã Sùng Nhơn … các cơ sở làm hàng thủ công mỹ nghệ mây tre đan, mộc dân dụng, đồ gỗ mỹ nghệ, may mặc cũng được đầu tư mạnh. 

Hoạt động sản xuất vật liệu cũng đang chuyển động theo hướng chuyển đổi tăng giá trị sử dụng tài nguyên. Ngoài việc chuyển đổi công nghệ sản xuất gạch nung thủ công sang công nghệ lò Tuynel và Hoffman, việc sản xuất các mặt hàng gốm, gạch Block đã bắt đầu hình thành. Công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất đang dần được quan tâm hơn. Danh mục sản phẩm CN-TTCN trên địa bàn huyện đa dạng hơn, có thêm các mặt hàng mới như: gốm thô, hàng mộc mỹ nghệ (độc bình, tượng trang trí…), hàng may mặc công nghiệp, chế biến nông sản, sản xuất gạch block…tuy bước đầu chưa nhiều nhưng có triển vọng và tiềm năng phát triển.

Bên cạnh việc tập trung quy hoạch và kêu gọi đầu tư, huyện Đức Linh còn quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ, sản phẩm mới bằng các chính sách ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp đã được triển khai. Hàng năm, huyện đã phối hợp với các ngành liên quan để tranh thủ nguồn vốn khuyến công của tỉnh hỗ trợ chuyển giao công nghệ, nghề mới, đào tạo nghề, học tập kinh nghiệm sản xuất… Nhờ đó, đã tác động tích cực đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, nhiều cơ sở sản xuất đã mạnh dạn nghiên cứu nhập công nghệ tiên tiến, sản phẩm mới vào địa bàn, bước đầu sản xuất có hiệu quả như hệ thống xử lý nước thải của Nhà máy chế biến tinh bột mì Tiến Phát, sản phẩm gạch không nung theo công nghệ mới thay thế gạch nung theo công nghệ lò thủ công….

           Tuy nhiên phải khách quan nhìn nhận rằng, CN-TTCN trên địa bàn huyện vẫn chưa có bước đột phá mạnh mẽ, đại bộ phận cơ sở sản xuất có qui mô nhỏ. Sản phẩm CN ở huyện chưa đa dạng. Một số mô hình sản phẩm mới vào địa bàn chưa tạo sự điển hình để đẩy mạnh phát triển sản xuất CN-TTCN. Việc quy hoạch chi tiết các cụm CN-TTCN để tạo mặt bằng và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đáp ứng nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp còn chậm và gặp không ít khó khăn.

Do vậy, để tiếp tục đẩy mạnh phát triển CN-TTCN trên địa bàn huyện, ngoài việc tập trung thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ giải pháp trọng tâm đã đề ra, trên cơ sở tính toán nhu cầu về mặt bằng cho sản xuất công nghiệp đến năm 2015 tầm nhìn đến năm 2020, huyện cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát và tranh thủ có hiệu quả ngân sách hỗ trợ của tỉnh, trung ương để đầu tư cơ sở hạ tầng theo chiều sâu cho các cụm CN-TTCN hiện có nhằm đáp ứng được nhu cầu sản xuất CN trước mắt cũng như về lâu dài. Quan tâm thực hiện tốt công tác quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh tại các cụm CN-TTCN, đảm bảo xử lý tốt các vấn đề về bảo vệ môi trường, an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ...

Tiếp tục chỉ đạo thực hiện di dời các cơ sở sản xuất nằm trong khu dân cư vào các cụm CN-TTCN để giải quyết vấn đề môi trường đô thị và có điều kiện về mặt bằng mở rộng quy mô, chuyển giao công nghệ, liên kết hợp tác nâng cao năng lực và hiệu quả sản xuất. Có như vậy mới tạo dựng được môi trường kinh doanh thuận lợi, giúp các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất hiệu quả, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế của Đức Linh trong những năm tới.



 


  • |
  • 922
  • |

Các tin khác