Đức Linh - Hội nghị sơ kết 02 năm thực hiện Kết luận 67 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và tổng kết 01 năm thực hiện cuộc vận động “Tiếp bước cho em đến trường”

  • /
  • 27.10.2011 - 7:16

Vừa qua, Ban Thường vụ Huyện uỷ tổ chức Hội nghị sơ kết 02 năm thực hiện Kết luận số 67-KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và tổng kết 01 năm thực hiện cuộc vận động “Tiếp bước cho em đến trường”.

 Tại Hội nghị đồng chí Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ đã kết luận:

 I- Về tình hình, kết quả thực hiện Kết luận 67 và việc đóng góp quỹ “Tiếp bước cho em đến trường”:

 Hai năm qua tuy còn không ít khó khăn, thách thức, song nhờ sự nổ lực của các cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị, Mặt trận và các đoàn thể huyện và các tầng lớp nhân dân công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và vận động thực hiện các nguồn quỹ trên địa bàn huyện đã có những chuyển biến tích cực; nổi rõ là:

 - Các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể đã quán triệt và nhận thức sâu sắc quan điểm của Đảng về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, xem đó là nhiệm vụ của toàn xã hội, do đó nhiều địa phương, đơn vị đã có những cách làm thiết thực, hiệu quả.

 - Phong trào khuyến học, khuyến tài đã có những bước phát triển vững chắc, mạnh mẽ; nhiều tổ chức hội đã phát triển cả về số lượng và chất lượng; các cấp hội đã tích cực vận động xây dựng quỹ hội để hổ trợ cho học sinh nghèo, học sinh hiếu học.

 - Các nguồn quỹ và sự giúp đỡ của quỹ khuyến học đã thực sự là cứu cánh giúp cho nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn vững bước tới trường. Dù còn nhiều khó khăn nhưng toàn huyện đã vận động được gần 1,2 tỷ đồng, qua đó đã hỗ trợ, cấp học bổng cho 7.840 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Tuy kết quả mới chỉ bước đầu nhưng phong trào khuyến học, khuyến tài đã thực sự là động lực, là nguồn động viên giúp cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn có được chỗ dựa để vượt qua những lúc khó khăn để bước tiếp trên con đường học tập. Bên cạnh việc hỗ trợ cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, Quỹ khuyến học huyện còn giúp đỡ, động viên, tuyên dương kịp thời các học sinh đạt thành tích cao trong học tập; qua đó động viên, khuyến khích các cháu nổ lực, phấn đấu vươn lên trong học tập.

 Tuy nhiên, việc thực hiện Kết luận 67 của ban Thường vụ Tỉnh uỷ và vận động đóng góp quỹ khuyến học “Tiếp bước cho em đến trường” vẫn còn một số yếu kém, hạn chế đáng chú ý là:

 - Phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập chưa thật sự trở thành phong trào hành động cách mạng rộng khắp; biểu hiện qua tỷ lệ học sinh bỏ học, tình trạng thanh thiếu niên tụ tập thành băng nhóm, lêu lỏng, quậy phá vẫn còn nhiều, gây mất an ninh trật tự thôn xóm.

 - Ý thức học tập và phấn đấu học tập nâng cao trình độ, tiếp nhận những kiến thức trong một bộ phận thanh thiếu niên và cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế; cá biệt còn có tình trạng một số cán bộ, công chức, viên chức chây lười, không chịu khó học tập nâng cao trình độ kiến thức, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ, tự thoả mãn với những gì có được, từ đó đã ảnh hưởng và làm hạn chế quá trình phát triển chung của toàn xã hội. Hoạt động của một số Trung tâm học tập cộng đồng còn chưa tốt, chưa bám sát nhu cầu của nhân dân; hình thức, nội dung chưa phù hợp.

 - Kết quả vận động các nguồn quỹ khuyến học để hỗ trợ và giúp các em học sinh tiếp bước đến trường còn hạn chế, nhất là tại một số xã, thị trấn; đến nay các xã, thị trấn mới vận động đóng góp đạt 72 % kế hoạch (65/90 triệu); mặt khác vẫn còn một số cơ quan, đơn vị và tổ chức cá nhân xem đây là nhiệm vụ của ngành giáo dục, của Hội khuyến học nên chưa có sự chung tay góp sức để thực hiện; bên cạnh đó vẫn còn nhiều nhà hảo tâm, các tổ chức, cá nhân muốn có sự đóng góp cho công tác khuyến học, khuyến tài nhưng chưa được động viên, khuyến khích để đóng góp.

 - Một số chi hội khuyến học, Trung tâm học tập cộng đồng chưa phát huy hết hiệu quả, hoạt động còn cầm chừng, hình thức, lúng túng; các thành viên trong Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Tiếp bước cho em đến trường” huyện chưa tích cực thực hiện nhiệm vụ được phân công, công tác tuyên truyền và vận động quỹ chưa được thường xuyên và sâu rộng...

 II- Những nhiệm vụ cần quan tâm thực hiện trong thời gian tới đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và vận động đóng góp Quỹ “Tiếp bước cho em đến trường”:

 - Tiếp tục quán triệt và tuyên truyền các quan điểm của Đảng, chủ trương của Nhà nước về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong cán bộ, đảng viên, nhân dân.Xác định công tác khuyến học là nhiệm vụ của cấp uỷ đảng và chính quyền, là trách nhiệm xã hội của nhân dân để huy động sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, cá nhân tham gia chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục.

 - Đẩy mạnh hơn nữa sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận và các đoàn thể về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Tiếp tục tuyên truyền thường xuyên và sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa của cuộc vận động đóng góp xây dựng quỹ khuyến học “Tiếp bước cho em đến trường”, phải làm cho mọi người thấy rõ đây là hoạt động nghĩa tình, mang ý nghĩa nhân đạo và nhân văn cao cả, nhằm ươm mầm tài năng và tạo điều kiện giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn được tiếp bước đến trường.

 - Coi trọng chất lượng của tổ chức hội và hội viên Hội khuyến học. Đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình hiếu học, thôn, khu phố, dòng họ khuyến học; xây dựng những điển hình về thôn, khu phố, dòng họ khuyến học, gia đình hiếu học tiêu biểu. Phối hợp tổ chức cho mọi tầng lớp nhân dân tham gia phát triển phong trào khuyến học và đẩy nhanh quá trình xây dựng xã hội học tập từ cơ sở tạo cơ hội cho mọi người dân được học tập thường xuyên, tiếp tục tham gia thực hiện hiệu quả cao nhất phong trào: “Toàn dân học tập, toàn dân tham gia làm giáo dục”, “Cả nước trở thành một xã hội học tập” nhằm nâng cao trình độ dân trí, phát triển, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của địa phương và đất nước.

 - Khuyến khích và hỗ trợ phong trào học tập thường xuyên trong nhân dân nhằm không ngừng nâng cao trình độ văn hoá, nghề nghiệp của mọi người trong xã hội. Liên kết mọi gia đình, các tổ chức xã hội, các cơ sở giáo dục và đào tạo để thực hiện sự kết hợp giáo dục giữa nhà trường, gia đình và xã hội; nâng cao chất lượng học kết hợp với thực hành; xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

 - Không ngừng cải tiến phương pháp giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các trường học. Chủ động và tăng cường các biện pháp để ngăn chặn học sinh bỏ học. Duy trì hoạt động ổn định và từng bước nâng cao chất lượng hoạt động của 13 Trung tâm học tập cộng đồng tại các xã, thị trấn; phấn đấu 80% Trung tâm học tập cộng đồng hoạt động khá trở lên, không có yếu kém.

 - Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương phải gương mẫu, tự giác học tập để nâng cao trình độ văn hoá, chính trị và chuyên môn; tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ công chức, viên chức trong cơ quan tham gia học tập dưới nhiều hình thức phù hợp nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đồng thời quan tâm đóng góp các quỹ khuyến học của huyện và vận động mọi tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp.

 - Đa dạng hoá hình thức vận động, tiếp nhận sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện để hỗ trợ học sinh nghèo, học sinh và giáo viên giỏi xuất sắc trong các kỳ thi của huyện, tỉnh, các trường cao đẳng, đại học và xây dựng nguồn quỹ Hội ngày càng dồi dào để phục vụ tốt cho công tác khuyến học, khuyến tài.


  • |
  • 999
  • |

Các tin khác