Trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 06/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) và Chương trình hành động số 19-NQ/TU, ngày 22/9/2008 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khoá XI), Huyện uỷ đã chỉ đạo UBND, các ban, ngành, đoàn thể thực hiện một số chính sách đối với đội ngũ trí thức như: Chính sách thu hút học sinh, sinh viên ngành Sư phạm và Y tế khi ra trường về nhận công tác tại địa phương; chính sách trợ cấp khi đi học đối với cán bộ, công chức, viên chức được cử đi học tại các trường Đảng và đoàn thể ở Trung ương; chính sách trợ cấp đối với cán bộ, công chức ngành Y tế đang công tác tại các thôn, xã miền núi; chính sách luân chuyển, điều động cán bộ… đội ngũ trí thức của huyện đã có bước phát triển đáng kể; từ 810 người năm 2008, đến nay đã tăng lên 1.058 người (tăng 30,62%); trong đó 3 người có trình độ sau đại học và 28 người có trình độ thạc sỹ. Đội ngũ trí thức của huyện được đào tạo từ nhiều nguồn, nhiều loại hình, trong đó đào tạo chính quy là 494 người, chiếm 46,70%; đào tạo tại chức và chuyên tu là 564 người, chiếm 53,30%. Số người có trình độ đại học trở lên làm việc ở các cơ quan quản lý nhà nước là 100 người, chiếm 9,21%; ngành Giáo dục - đào tạo là 829 người, chiếm 76,4%; cơ quan Đảng, đoàn thể là 40 người, chiếm 3,69 %; lực lượng vũ trang là 36 người, chiếm 3,32%; ngành Y tế là 80 người, chiếm 7,38%.
Nhìn chung, đội ngũ trí thức trong huyện ổn định về mặt tư tưởng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức, có ý thức cảnh giác cách mạng; thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; không ngừng nỗ lực vươn lên trong rèn luyện, học tập; luôn đề cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Đội ngũ trí thức mong muốn được phát huy năng lực, sở trường, đóng góp sức lực và trí tuệ của mình vào sự phát triển chung của địa phương, của xã hội; không ngại khó, ngại khổ sẵn sàng nhận nhiệm vụ do cấp ủy đảng, chính quyền phân công nhằm góp phần xây dựng địa phương ngày một tốt hơn. Sự đóng góp của đội ngũ trí thức được thể hiện sự lao động trực tiếp của mình trong hoạt động nghiên cứu, tham mưu giúp cấp ủy và chính quyền trên các lĩnh vực: quản lý xã hội, sản xuất - kinh doanh, khoa học - công nghệ, văn hoá - xã hội... phục vụ cho sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Trên lĩnh vực quản lý xã hội, nhất là quản lý nhà nước; đội ngũ trí thức đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện các chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm hệ thống chính trị hoạt động ổn định và thông suốt, thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý xã hội. Đồng thời đề xuất các chủ trương, chính sách, các giải pháp quan trọng thực hiện trên địa bàn huyện; vừa định hướng lâu dài, vừa tổ chức thực hiện để đưa huyện thoát khỏi tình trạng kém phát triển.
Trên lĩnh vực khoa học - công nghệ, đội ngũ trí thức đã góp phần quan trọng trong việc phổ biến, ứng dụng rộng rãi tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất, khai thác tiềm năng lợi thế của địa phương, phát triển ngành nghề, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, tăng sản lượng, nâng cao năng suất và chất lượng các loại cây trồng, con nuôi, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong huyện, ngoài huyện và xuất khẩu.
Trên lĩnh vực văn hoá - xã hội, nhất là đối với các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá đội ngũ trí thức đã có nhiều đóng góp vào sự nghiệp nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá ngày càng cao và đa dạng hơn của nhân dân.
Tóm lại, đội ngũ trí thức huyện nhà đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của huyện. Đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới, hoạt động của đội ngũ trí thức trong huyện đã góp phần thiết thực đẩy nhanh phát triển kinh tế, từng bước giảm nghèo, giải quyết tốt hơn các vấn đề xã hội, cải thiện chất lượng cuộc sống nhân dân trong huyện.
Tuy nhiên, đội ngũ trí thức của huyện vẫn còn những hạn chế, bất cập đó là: Đội ngũ trí thức có trình độ đại học trở lên ngày càng tăng về số lượng, nhưng đội ngũ trí thức sử dụng thành thạo ngoại ngữ chưa nhiều; đa số con em của huyện sau khi tốt nghiệp đại học không trở về huyện tìm việc làm, do điều kiện làm việc còn hạn chế, chỉ tiêu biên chế ổn định và thu nhập ở địa phương còn thấp. Đóng góp của đội ngũ trí thức nhìn chung còn thiếu toàn diện trên một số lĩnh vực như khoa học tự nhiên, số lượng về công tác tại địa phương còn ít. Việc tham mưu, đề xuất tổ chức thực hiện các chương trình đề tài khoa học- công nghệ, đặc biệt là ứng dụng công nghệ vào thực tiễn còn lúng túng. Cán bộ trí thức trẻ được đào tạo tập trung mới ra trường về, năng lực thực tiễn còn hạn chế ở một số lĩnh vực. Một số cán bộ do học tại chức nên hiệu quả không cao, do vậy năng lực công tác cũng còn hạn chế ở một số mặt. Bên cạnh đó, một số tri thức chưa chịu khó học hỏi, trao đổi nghiệp vụ, chưa bám sát thực tiễn cuộc sống; một số thiếu sự quan tâm đến những biến đổi của xã hội; một số người chưa thật yên tâm công tác, chưa thật say mê nghề nghiệp.