Xác định việc phát triển công nghiệp có ý nghĩa quan trọng, huyện Đức Linh đã có nhiều nỗ lực trong quy hoạch, xây dựng các cụm công nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vào sản xuất, kinh doanh; cải cách thủ tục hành chính, chủ động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách thu hút các dự án đầu tư vào các cụm công nghiệp. Đồng thời nhờ triển khai các chính sách ưu đãi đã tạo sức hấp dẫn để huy động nguồn lực đầu tư phát triển cụm công nghiệp. Đến nay, trên địa bàn huyện Đức Linh đã có 07 cụm công nghiệp, trong đó có 03 cụm (Cụm Sùng Nhơn, Mê Pu và Hầm Sỏi Võ Xu) được hình thành trước năm 2016 do huyện quản lý có diện tích 95,3ha, đã bố trí 38 cơ sở, dự án với diện tích là 51,10ha, đạt tỷ lệ lấp đầy trung bình là 67%. Còm 04 cụm tại xã Đông Hà, hiện có 02 cụm đã hoàn chỉnh hạ tầng gồm: Cụm Nam Hà đã thu hút được nhà đầu tư tiềm năng sản xuất các sản phẩm về giày da đó là Công ty DONA ORIENT HOLDINGS LIMITED với diện tích 48,56ha đạt tỷ lệ lấp đầy 100% với cụm này. Cụm công nghiệp Nam Hà 2 cũng đã cơ bản về hạ tầng, chủ đầu tư hạ tầng đã phối hợp với cụm công nghiệp KIZUNA tỉnh Long An kêu gọi các nhà đầu tư thứ cấp từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Châu Âu đã khảo sát, thống nhất vị trí đầu tư và ký hợp đồng ghi nhớ. Đối với Cụm Công nghiệp Đông Hà đã có 07 dự án đầu tư đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư với diện tích thuê đất khoảng 5,69ha/26,33ha, tỷ lệ lấp đầy khoảng 20% diện tích đất công nghiệp của cụm và 08 nhà đầu tư đã khảo sát, thống nhất vị trí đầu tư và ký hợp đồng ghi nhớ. Nhờ đó, trong giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp của huyện tăng bình quân đạt 13,2%, hàng năm giải quyết việc làm bình quân cho 4.000 lao động.
Đồng thời, huyện đã chủ động rà soát quy hoạch phát triển công nghiệp, xác định các ngành, lĩnh vực, công trình cần thiết và bức xúc để đầu tư theo thứ tự ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông, điện, nước… và công khai quy hoạch để thu hút đầu tư. Quan tâm đẩy mạnh công tác đầu tư và kêu gọi huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm và cải thiện đời sống nhân dân. Từ năm 2016 đến nay, đã đầu tư mở rộng các tuyến đường ĐH Mê Pu – ĐaKai, cầu Tân Hà 2, cầu Bến Thuyền - xã Đức Tín, mở rộng cầu Võ Đắc - thị trấn Đức Tài, đầu tư nâng cấp, mở rộng nhiều tuyến đường đến hàng rào các cụm công nghiệp. Đầu tư, nâng cấp, cải tạo các tuyến đường nội thị, các tuyến đường kết nối liên vùng, hệ thống điện lưới phục vụ sản xuất công nghiệp, hệ thống cấp nước sạch cung cấp nước cho cụm công nghiệp đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt và sản xuất. Công tác quản lý môi trường, giám sát, kiểm tra vấn đề thu gom và xử lý nước thải, rác thải của các doanh nghiệp được chú trọng thực hiện.
Sự hình thành và phát triển các Cụm công nghiệp có ý nghĩa quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện, nhất là góp phần thúc đẩy sản xuất công nghiệp, dịch vụ, từ đó chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng của ngành công nghiệp và dịch vụ. Ðặc biệt các Cụm công nghiệp đã tạo ra nhiều việc làm cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của người dân. Để phát triển các Cụm công nghiệp theo hướng hiệu quả và bền vững, thời gian tới huyện Đức Linh chú trọng xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách để thu hút các nhà đầu tư vào các Cụm công nghiệp; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư phát triển Cụm công nghiệp; hoàn thiện, nâng cấp, mở rộng hệ thống cơ sở hạ tầng trên địa bàn, nâng cao khả năng kết nối với hệ thống cơ sở hạ tầng chung của huyện.
Bên cạnh đó, thường xuyên rà soát tiến độ đầu tư, hiệu quả hoạt động của các Cụm công nghiệp trên địa bàn, đảm bảo phù hợp điều kiện thực tế của địa phương, hiệu quả sử dụng đất và tuân thủ quy định của pháp luật, nhất là phải tuân thủ Luật Bảo vệ môi trường. Tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư phát triển Cụm công nghiệp. Đặc biệt, vận dụng, tổ chức thực hiện hiệu quả các cơ chế chính sách khuyến khích của Trung ương, của tỉnh để hỗ trợ phát triển công nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, liên doanh, liên kết, chuyên môn hóa trong sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng tạo điều kiện để tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp…/.