Đức Linh - khó khăn trong việc giải quyết việc làm cho đảng viên xuất ngũ về địa phương.

      Từ năm 2011 đến nay, huyện Đức Linh có 97 đảng viên xuất ngũ về địa phương; trong đó, có 18 đảng viên được bố trí công việc; 79 đảng viên không bố trí được công việc tại các cơ quan nhà nước, các đoàn thể chính trị - xã hội tại địa phương; có 06 đảng viên bỏ sinh hoạt Đảng, do đó Ban Thường vụ Huyện ủy quyết định xóa tên khỏi danh sách đảng viên.

       Đảng bộ huyện Đức Linh có 2.763 đảng viên, trong đó có 32 cơ sở đảng, bao gồm 20 đảng bộ và 12 chi bộ; với 232 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, trong đó có 178 chi bộ trực thuộc Đảng ủy xã, thị trấn. Qua kết quả khảo sát trong toàn Đảng bộ huyện, từ năm 2011 đến nay có 30 đảng viên ra khỏi đảng; trong đó, có 16 đảng viên bị xóa tên, 04 đảng viên xin ra khỏi đảng, 10 đảng viên bị khai trừ. Riêng đối với đảng viên là bộ đội xuất ngũ: Từ năm 2011 đến nay, toàn huyện có 97 đảng viên xuất ngũ về địa phương; trong đó, có 18 đảng viên được bố trí công việc; 79 đảng viên không bố trí được công việc tại các cơ quan nhà nước, các đoàn thể chính trị - xã hội tại địa phương; có 06 đảng viên bỏ sinh hoạt Đảng, do đó Ban Thường vụ Huyện ủy quyết định xóa tên khỏi danh sách đảng viên.

     Nhìn chung, trong thời gian qua, các cấp ủy đảng từ huyện đến cơ sở luôn quan tâm đến công tác tạo nguồn, phát triển Đảng trong lực lượng tuyển quân; công tác tiếp nhận, giới thiệu đảng viên là quân nhân xuất ngũ về tham gia sinh hoạt Đảng tại nơi cư trú cũng được thực hiện khá tốt. Đồng thời, quan tâm tạo điều kiện giải quyết công việc, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm; chỉ đạo các chi, đảng bộ cơ sở  kịp thời động viên, giúp đỡ, tạo điều kiện để đảng viên là quân nhân xuất ngũ tham gia sinh hoạt thuận lợi và tham gia đầy đủ các lớp học tập, quán triệt chủ trương, nghị quyết của Đảng cấp trên. Tuy nhiên, do phần lớn đảng viên trước khi nhập ngũ chưa được đào tạo nghề cơ bản nên sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự về khó bố trí công việc và không tìm được việc làm tại địa phương; điều kiện kinh tế khó khăn nên phần lớn bộ đội xuất ngũ về địa phương phải đi làm ăn xa. Do việc làm không ổn định, việc chuyển sinh hoạt đến nơi làm việc khó khăn, mặt khác tinh thần trách nhiệm và ý thức chấp hành Điều lệ Đảng của một số đảng viên trẻ còn hạn chế nên sau khi xuất ngũ về địa phương không tham gia sinh hoạt Đảng và không thực hiện nhiệm vụ của người đảng viên. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên thì có nhiều, nhưng chủ yếu là do các chính sách hỗ trợ, bồi dưỡng, đào tạo gắn với việc bố trí, sử dụng sau khi xuất ngũ và công tác quản lý đảng viên sau khi xuất ngũ của một số tổ chức cơ sở đảng còn thiếu sâu sát, việc thực hiện các quy định về phân công công tác, tạo điều kiện học tập, đào tạo nghề, giải quyết việc làm còn nhiều khó khăn.

     Để làm tốt hơn công tác quản lý đảng viên xuất ngũ về địa phương, hạn chế tình trạng đảng viên xuất ngũ bỏ sinh hoạt đảng, địa phương xác định cần làm tốt hơn nữa việc đón nhận, quản lý và giao nhiệm vụ cho đảng viên xuất ngũ về địa phương; tích cực hơn nữa trong việc phối hợp với các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn để giới thiệu việc làm, quan tâm chính sách tạo việc làm, hỗ trợ vốn vay để những quân nhân sau khi xuất ngũ có điều kiện phát triển kinh tế gia đình tại địa phương. Có kế hoạch đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đảng viên sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự về địa phương được bố trí, sử dụng trong các cơ quan nhà nước, các đoàn thể chính trị - xã hội tại địa phương; rà soát các chức danh cán bộ, công chức, những người hoạt động bán chuyên trách còn thiếu, đến tuổi nghỉ hưu hoặc chưa đủ chuẩn để đề xuất bố trí đảng viên xuất ngũ có trình độ phù hợp tham gia công tác; đồng thời, tiếp tục giáo dục để phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của người đảng viên. 


Các tin khác