Năm 2021, thực hiện nhiệm vụ công tác tín dụng chính sách trong điều kiện ảnh hưởng chung của dịch bệnh COVID-19, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã tham mưu cho Thường trực Huyện ủy, UBND huyện lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện đạt kết quả tốt. Nổi rõ là: Đã bám sát chỉ đạo của tỉnh, huyện duy trì tốt chế độ làm việc, giao ban định kỳ theo quy định; quan tâm vận động các tổ chức, cá nhân mở tài khoản và gửi các nguồn vốn, quỹ đang quản lý vào Ngân hàng Chính sách xã hội; việc bình xét đối tượng vay vốn và giải quyết cho vay cơ bản kịp thời, đúng quy định, góp phần vào công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương; các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội được quan tâm triển khai; bảo đảm an ninh, an toàn tại các điểm giao dịch xã, thị trấn. Tổng nguồn vốn (dư nợ) đến 31/12/2021 đạt 365.269 triệu đồng, tăng 25.370 triệu đồng; tỷ lệ tăng trưởng 10% so với năm 2020. Doanh số cho vay trong năm đạt 99.491 triệu đồng/3.418 lượt hộ vay vốn, doanh số thu nợ trong năm đạt 67.959 triệu đồng/2.593 lượt hộ.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế cần lưu ý, đó là: Việc bố trí nguồn vốn từ ngân sách huyện chưa đạt chỉ tiêu UBND tỉnh giao, mới đạt 62,5% kế hoạch (1.000/1.600 triệu đồng). Việc xử lý nợ đến hạn, quá hạn còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Việc huy động các nguồn vốn, quỹ của tổ chức, cá nhân gửi vào Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tuy có quan tâm nhưng kết quả còn hạn chế. Cấp ủy, chính quyền các địa phương đã có nhiều quan tâm đến hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn nhưng chưa có kế hoạch tổng thể nhằm phát huy hiệu quả các nguồn vốn để lồng ghép thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội, giảm nghèo, an sinh xã hội của địa phương.
Kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lê Văn Toàn đánh giá cao những kết quả hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện trong năm 2021. Đồng thời, nhấn mạnh những nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 cần thực hiện như: UBND huyện, cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể huyện, các phòng, ban, đơn vị liên quan tiếp tục triển khai thực hiện tốt Kế hoạch số 64-KH/HU, ngày 26/10/2021 của Ban Thường vụ Huyện ủy về triển khai thực hiện Kế hoạch số 41-KH/TU, ngày 30/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XIII) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân quan tâm gửi tiền vào Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để huy động nguồn lực cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
UBND huyện cân đối, bố trí nguồn vốn từ ngân sách nhà nước theo kế hoạch UBND tỉnh giao năm 2022 (1.600 triệu đồng) nhằm bổ sung nguồn vốn cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Các đoàn thể chính trị - xã hội nhận ủy thác từ huyện đến cơ sở thực hiện đầy đủ các nội dung Ngân hàng Chính sách xã hội ủy thác; phối hợp chặt chẽ với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và chính quyền các địa phương trong việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội; hướng dẫn bình xét đối tượng vay vốn; hướng dẫn người vay sử dụng vốn có hiệu quả, tăng cường kiểm tra, giám sát đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn, lãi tồn đọng, duy trì nền nếp chế độ sinh hoạt, giao ban...
Đảng ủy các xã, thị trấn tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến tín dụng chính sách xã hội; tích cực chỉ đạo xử lý kịp thời những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua; tổ chức bình xét chọn đối tượng cho vay đúng quy định.
Ngân hàng Chính sách xã hội huyện bám sát chỉ tiêu, nhiệm vụ cấp trên giao; chủ động, tích cực tham mưu Thường trực Huyện ủy, UBND huyện lãnh, chỉ đạo phấn đấu thực hiện hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch tín dụng tỉnh giao năm 2022. Tập trung giải ngân vốn đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tích cực xử lý nợ quá hạn, nợ đến hạn, thường xuyên phối hợp kiểm tra, củng cố kiện toàn các tổ TK và VV, quản lý tốt các nguồn vốn phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu của nhân dân. Tăng cường tuyên truyền các chủ trương, chính sách mới về tín dụng chính sách xã hội để người dân hiểu rõ các chế độ chính sách ưu đãi với hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đồng thời, tăng cường việc kiểm tra, giám sát việc sử dụng các nguồn vốn vay, để nguồn vốn vay được sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng, phát huy hiệu quả các nguồn vốn vay./.