Để biến những mục tiêu tốt đẹp của Chương trình xây dựng nông thôn mới thành hiện thực, bên cạnh hệ thống những giải pháp cơ bản thì công tác tuyên truyên có một vai trò quan trọng phải đi trước một bước. Bởi vì, công tác tuyên truyền là phương thức tác động để làm chuyển đổi nhận thức của con người, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động, sự đồng thuận trong xã hội. Do đó, tuyên truyền cần phải đúng nội dung, đúng đối tượng, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung, đa dạng về kênh truyền thông để làm thay đổi nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân và toàn hệ thống chính trị về xây dựng nông thôn mới. Làm tốt công tác tuyên truyền sẽ giúp cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức rõ và thấy được tầm quan trọng của công cuộc xây dựng nông thôn mới, thấy được đây là một chương trình lớn mang tính tổng hợp về kinh kế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng hệ thống chính trị, do đó đòi hỏi phải có sự vào cuộc đồng bộ, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp. Hiểu rõ nội dung, cách làm, nghĩa vụ và trách nghiệm của từng tổ chức, cá nhân trong xây dựng nông thôn mới, từ đó tích cực đóng góp ý kiến, chủ động tham gia các phong trào hành động cách mạng, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Để thực hiện đạt mục tiêu kế hoạch đề ra, chính quyền cơ sở cần chủ động thực hiện vai trò, trách nhiệm của mình, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng chủ thể, từng tổ chức, cá nhân và phát huy vai trò, trách nhiệm của từng tổ chức, từng ngành, từng cán bộ, đảng viên, nhất là phát huy vai trò của người đứng đầu trong triển khai thực hiện; tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, đôn đốc nhằm thực hiện đạt kết quả chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương. Bên cạnh đó, chính quyền cơ sở các xã trên địa bàn huyện cũng cần tích cực tuyên truyền, vận động để người dân hiểu chương trình xây dựng nông thôn mới nhằm mục đích phát triển nông thôn toàn diện, bền vững, góp phần nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của chính dân cư nông thôn. Đồng thời, cũng cần chú ý tuyên truyền cho người dân hiểu trong điều kiện nguồn ngân sách hạn hẹp, Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần kinh phí, hỗ trợ kỹ thuật,… còn vai trò chính vẫn là người dân. Khi người dân hiểu thấu đáo vấn đề này, sẽ không còn tư tưởng trông chờ, ỉ lại vào Nhà nước. Để phát huy tốt vai trò chủ thể của nhân dân, chính quyền cơ sở phải phát huy dân chủ, tạo điều kiện để nhân dân tự quản, tự bàn bạc quyết định việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Khi dân hiểu, dân tin, dân hưởng ứng bằng sự tham gia bàn bạc, hiến kế, đóng góp công sức, tiền của và chủ động thực hiện các nhiệm vụ của mình thì đó mới là yếu tố quyết định sự thành công của Chương trình. Cũng chính nhờ đó mà phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người dân nông thôn trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung, trong xây dựng nông thôn mới nói riêng.
Kinh nghiệm của các địa phương thành công trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Đức Linh cho thấy, làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước gắn với thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng” thì việc khó mấy cũng làm được. Nhờ vậy, người dân đã nhận thức rõ hơn về mục đích, ý nghĩa của chương trình và vai trò chủ thể của mình, từ đó tự nguyện đóng góp, tích cực tham gia vào quá trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương.