Công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng ở Đức Linh

      Xác định rõ vai trò và tầm quan trọng của công tác lịch sử Đảng đối với việc giáo dục truyền thống cách mạng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhân dân; thời gian qua, Ban Thường vụ Huyện ủy Đức Linh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử cách mạng địa phương trên địa bàn huyện.

      Bám sát Chỉ thị 20-CT/TW ngày 18/01/2018 của Ban Bí thư về “Tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng”, Ban Thường vụ Huyện ủy Đức Linh đã chỉ đạo quán triệt Chỉ thị đến các cấp ủy đảng, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở nhằm nâng cao vị trí, vai trò của công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân địa phương. Giao Ban Tuyên giáo chịu trách nhiệm chính trong hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ cho các địa phương, đơn vị trong công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử.

      Nhờ có sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của cấp ủy đảng các cấp và sự tham gia tích cực của các nhân chứng lịch sử, công tác nghiên cứu, biên soạn và xuất bản lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng ở Đức Linh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đến nay, 10/12 xã, thị trấn đủ điều kiện biên soạn lịch sử Đảng bộ đã cơ bản hoàn thành việc biên soạn, cụ thể: Có 07 xã, thị trấn đã hoàn thành và xuất bản (Lịch sử truyền thống của Đảng bộ và Nhân dân xã Nam Chính (1960 - 2015) xuất bản năm 2018; Lịch sử Đảng bộ xã Tân Hà (1979 - 2015) xuất bản năm 2018; Lịch sử truyền thống của Đảng bộ và Nhân dân thị trấn Võ Xu (1959 – 2015)  và Lịch sử truyền thống Đảng bộ và Nhân dân xã Vũ Hòa (1977 - 2015) xuất bản năm 2019; Lịch sử Đảng bộ xã Đức Chính (1965 - 2020) xuất bản năm 2020; Lịch sử Đảng bộ thị trấn Đức Tài (1959 - 2015) và Lịch sử Đảng bộ xã Đức Hạnh (1979 - 2015) xuất bản năm 2022. Các địa phương đã hoàn thành việc biên tập, đang hoàn chỉnh các thủ tục xin in ấn, phát hành, gồm: Lịch sử Đảng bộ xã Đa Kai (1990 - 2020); Lịch sử Đảng bộ xã Trà Tân (1960 - 2020). Các địa phương đang tổ chức biên soạn, gồm: Đảng ủy xã Mê Pu đã viết xong bản thảo “Lịch sử Đảng bộ xã Mê Pu (1975 - 2020)” và đã tổ chức Hội thảo lần 3; Đảng ủy xã Sùng Nhơn, tái bản có bổ sung “Lịch sử Đảng bộ xã Sùng Nhơn (giai đoạn 1964 - 2020)” và đã tổ chức Hội thảo lần 3. Đối với việc nghiên cứu, biên soạn, xuất bản của các cơ quan cấp huyện: Đã xuất bản: Lịch sử lực lượng vũ trang huyện Đức Linh (1975 - 2015) xuất bản năm 2021. Đồng thời, đã phát hành Tập “Lịch sử Đảng bộ huyện Đức Linh, tập III, giai đoạn 2000 - 2020”. 

      Các ấn phẩm trước khi xuất bản đều được thẩm định chu đáo đúng quy trình; nội dung, hình thức bảo đảm chất lượng. Sau khi phát hành, các cuốn lịch sử đã được phân bổ về cho các cơ sở, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các cán bộ lão thành cách mạng... phục vụ nhu cầu nghiên cứu, tham khảo, tìm hiểu, học tập để nâng cao lòng tự hào và ý thức trách nhiệm góp phần xây dựng địa phương trong giai đoạn mới. Qua đó, nhiều đảng bộ xã, thị trấn đã đúc kết kinh nghiệm lịch sử, học hỏi, chọn lọc và áp dụng vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng ở các địa phương hiệu quả hơn; giúp cán bộ, đảng viên nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và quá trình phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương. Cùng với công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử, các cấp ủy Đảng trong huyện tiếp tục chú trọng đến công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống bằng nhiều hình thức đa dạng phong phú như: Tích hợp vào tài liệu giáo dục địa phương, qua các cuộc thi tìm hiểu, các hoạt động về nguồn, tổ chức tọa đàm, tuyên truyền trực quan, gặp gỡ các nhân chứng lịch sử, nói chuyện về truyền thống cách mạng… Đặc biệt, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã chỉ đạo đưa lịch sử địa phương vào chương trình giảng dạy cho học sinh khối lớp 5 và học sinh THCS trên địa bàn huyện từ học kỳ I năm học 2023-2024, góp phần bồi đắp lý tưởng cách mạng, nhân cách sống và ý chí vươn lên của thế hệ trẻ trong huyện.

      Những kết quả đạt được trong công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống cách mạng của huyện đã giúp cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nắm rõ và hiểu hơn về lịch sử Đảng bộ huyện, địa phương và truyền thống đơn vị; khơi dậy lòng tự hào với những truyền thống tốt đẹp của quê hương, đất nước, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ để tiếp tục phát huy những truyền thống vẻ vang của các thế hệ đi trước, cùng chung tay xây dựng huyện Đức Linh ngày càng giàu đẹp, văn minh.  

      Trong thời gian tới huyện Đức Linh tiếp tục tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức cho cấp ủy, lãnh đạo các cấp, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về vị trí, vai trò của công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống của địa phương, đơn vịs. Tăng cường chỉ đạo thực hiện các chủ trương của tỉnh và của huyện về công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử theo tinh thần Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Tiếp tục quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả các cuốn lịch sử đã được phát hành, chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục về lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng. Phát huy giá trị của các tài liệu lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kịp thời, chủ động đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc lịch sử Đảng. Nghiên cứu bổ sung, nâng cao chất lượng các ấn phẩm lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống theo kế hoạch, giúp cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân hiểu sâu sắc và đầy đủ hơn về lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, góp phần nâng cao niềm tin vào vai trò và sự lãnh đạo của Đảng trong công cuộc xây dựng đổi mới đất nước./.


Các tin khác