Chớp lấy thời cơ, phát huy thắng lợi, các đơn vị 431, các đội công tác cùng Đại đội 81, 88 tỉnh Bình Tuy tổ chức tấn công các xã còn bị địch tạm chiếm trong huyện. Đúng 10 giờ ngày 20/3/1975 (Làng Mới) xã sùng nhơn ngày nay được giải phóng, 12 giờ xã Nghị Đức giải phóng, 20 giờ giải phóng xã Chính Đức, 21/3 giải phóng Trà Tân và Võ Xu. Sau khi khai thác tù binh biết tàn quân của Tiểu đoàn 3 Chiến đoàn 43 và ở các nơi khác tập trung chạy về (Đồi Su) nay thuộc khu vực trung tâm văn hóa-thể thao huyện. Đêm 20/3 Ban Chỉ huy chiến dịch điều Tiểu đoàn 130 Pháo binh dùng 2 khẩu pháo ta thu được bắn cấp tập hàng trăm viên đạn vào khu vực Đồi Su, Tiểu đoàn 840 và Tiểu đoàn (thiếu) 186 của Trung đoàn 812 tập kích vào Đồi Su. Mờ sáng 21/3 sau 15 phút pháo binh ngừng bắn Tiểu đoàn 840 (thiếu) từ hướng Tây Tây Bắc, Tiểu đoàn 186 (thiếu) từ hướng Đông Đông Bắc và Đại đội 5 Đặc công từ hướng Bắc đồng loạt tấn công vào Đồi Su. Địch không còn Chi khu nên chúng hoang mang và chỉ sau 15 phút tấn công ta đã làm chủ hoàn toàn trận địa, thu 2 pháo 105mm và nhiều đồ dùng quân sự khác.
Ở đường số 3 Đại đội 3 Tiểu đoàn 840 đánh địch ở Nam cầu Gia Huynh. Trong các ngày 21, 22/3 lực lượng vũ trang trong huyện truy quét tàn quân, nhân dân thì phá ấp chiến lược, các đơn vị cơ quan phía sau bắt sống hàng trăm tù binh. Nhân dân trong huyện tự động xuống đường phá bót phá đồn, treo băng cờ, khẩu hiệu, truy bắt tàn quân thu hồi vũ khí, riêng xã Võ Xu thu hồi hơn 300 khẩu súng. Đến ngày 23/3/1975 Hoài Đức hoàn toàn giải phóng, trong chiến dịch này ta tiêu diệt 300 tên (trong đó diệt gọn một đại đội bảo an, một trung đội pháo 105, một chi đội xe bọc thép, đánh thiệt hại Tiểu đoàn 3 chiến đoàn 43, đánh tan rã Tiểu đoàn 369, Tiểu đoàn 344, 12 Trung đội dân vệ và toàn bộ lực lượng phòng vệ dân sự. Một bộ máy kìm kẹp xây dựng hàng chục năm, nay đã tan rã hoàn toàn.
Sau khi được giải phóng UB quân quản huyện Hoài Đức và các xã được thành lập, đồng thời Ủy ban quân quản sơ tán nhân dân ở các nơi địch có thể dùng máy bay đánh phá. Nhân dân huyện Hoài Đức - Nam Thành rất phấn khởi tin tưởng, tích cực tham gia sức người, sức của để khôi phục kinh tế ổn định đời sống và tiếp tục chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh. Chỉ riêng từ tháng 4 đến tháng 5 toàn huyện đã có 418 thanh niên thoát ly.
Tháng 4/1975 ta đã thu 500 súng các lọai, 3 khẩu 105mm, số binh lính ra trình diện nộp thêm 600 súng. Nhờ có số lượng lớn vũ khí chiến lợi phẩm ta thu được, đã góp phần vào việc giải quyết khó khăn của ta cho cuộc tổng tiến công giải phóng hoàn toàn Miền Nam.
Huyện Hoài Đức được hoàn toàn giải phóng vào ngày 23/4/1975 một lần nữa được khẳng định tình đoàn kết quân dân là không gì lay chuyển nổi, bất chấp bom đạn và sự kìm hãm thâm độc, tàn bạo của kẻ thù đều một lòng một dạ đi theo Đảng làm cách mạng, sẵn sàng chiến đấu, hi sinh vì mục tiêu độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Hoài Đức được giải phóng không chỉ nhân dân được thoát khỏi ách kìm kẹp của Mỹ ngụy, mà còn giải thoát cho những người con lầm đường lạc lối, làm tay sai cho giặc trở lại làm chủ đất nước - quê hương. Hoài Đức được giải phóng là một chiến công của quân và dân huyện góp phần vào công cuộc giải phóng miền nam thống nhất đất nước.