ĐỨC LINH: Kết quả 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong tình hình mới

      Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình hành động số 21-NQ/TU, ngày 22/9/2008 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XI) về “tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong tình hình mới”; Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo Huyện ủyxây dựng kế hoạch và tổ chức được 17 lớp quán triệt, tuyên truyền các nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 7 và Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) cho 1.837/2.229 cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức (trong đó, đảng viên là 1.340/1.636 đồng chí, đạt 81,90%).

         Chi hội Hội Văn học nghệ thuật huyện Đức Linh được thành lập vào năm 1994 gồm 3 hội viên; năm 2008 có 05 hội viên, từ năm 2018 đến nay có 09 hội viên. Hầu hết hội viên trong Hội đang công tác ở nhiều lĩnh vực khác nhau, một số hội viên đã nghỉ hưu nhưng thể hiện được sự say mê, nhiệt tình, cùng quan tâm động viên nhau trong hoạt động sáng tác. Trong những năm qua, thường xuyên tuyên truyền giáo dục pháp luật (Luật sở hữu trí tuệ, quyền tác giả; nghị định quy định về biểu diễn nghệ thuật...) cho đội ngũ văn nghệ sỹ, cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật; tuyên truyền, định hướng về thị hiếu thẩm mỹ văn học, nghệ thuật cho công chúng; quan tâm công tác phát triển, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; quản lý, duy trì hoạt động của Chi hội Văn học nghệ thuật huyện theo chức năng; thực hiện tốt các cơ chế, chính sách tạo nguồn lực cho văn học, nghệ thuật phát triển; kịp thời, phát hiện bồi dưỡng, đào tạo các tài năng văn học, nghệ thuật; thường xuyên chỉ đạo đội kiểm tra liên ngành văn hóa - thông tin huyện kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất các hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa; hướng dẫn các dịch vụ đăng ký giấy phép hoạt động; kiểm tra, giám sát các đoàn biểu diễn văn hóa, nghệ thuật về địa phương biểu diễn theo đúng chức năng, nhiệm vụ.

         Trong những năm qua, huyện luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để văn nghệ sỹ hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật. Vì vậy, đội ngũ văn nghệ sĩ trong huyện ý thức một cách tự giác phụng sự đất nước, dân tộc, phụng sự các giá trị “chân - thiện - mỹ”. Nhiều văn nghệ sĩ đã tích cực tham gia các đợt thực tế, các trại sáng tác do Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức ở Trại sáng tác Vũng Tàu, Đà Lạt, Tam Đảo, Ninh Bình, Đảo Phú Quý, Mũi Né… Qua đó, đã nhiều văn nghệ sĩ sáng tác được các tác phẩm có giá trị, như: Tác giả Lâm Cúc đã cho ra đời tập truyện ngắn “Góc lệch”, tập thơ “Đãi trăng” và có mặt trong tập truyện “Tin nhắn một chiều”; tác giả Đinh Đình Chiến với tập thơ “Phải lòng đêm” và có mặt trong tuyển tập Nhà giáo nhà thơ; các hội viên trong chi hội ra mắt phát hành 28 ấn phẩm, 200 bài viết được đăng trên các báo và tạp chí. Bên cạnh đó, các Câu lạc bộ Văn học nghệ thuật (Chi hội Văn học nghệ thuật), Câu lạc bộ Thơ (Vũ Hòa), Câu lạc bộ Đờn ca tài tử (Sùng Nhơn, Mê Pu, Võ Xu, Đức Tài, Đức Hạnh), Câu lạc bộ Hát chèo (Nam Chính), Câu lạc bộ Hát dân ca (Vũ Hòa) trên địa bàn huyện được quan tâm thành lập và đi vào hoạt động ổn định. Các thành viên Câu lạc bộ Văn học nghệ thuật, Thơ, Đờn ca tài tử, Hát chèo, Hát dân ca thường xuyên ra mắt những tập thơ, văn, ảnh, nhạc lưu hành nội bộ, tổ chức nhiều chương trình biểu diễn giới thiệu tác phẩm thơ - nhạc được công chúng đón nhận. Các cấp ủy đảng, chính quyền đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống đến các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là giới trẻ, nâng cao năng lực và trình độ nhận biết, tẩy chay các sản phẩm văn hoá độc hại; thường xuyên tổ chức các hoạt động và phát động các phong trào văn hóa văn nghệ tạo sân chơi lành mạnh trong các tầng lớp nhân dân.

          Là một tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, Chi hội Văn học nghệ thuật huyện luôn quan tâm đến công tác củng cố, đổi mới hoạt động; công tác phát triển hội viên mới, nhất là trong lực lượng trẻ cũng được Chi hội quan tâm nhằm nâng cao số lượng và chất lượng của đội ngũ văn nghệ sỹ của Chi hội đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong tình hình mới. Hoạt động của Chi hội Hội Văn học nghệ thuật của huyện những năm gần đây có bước phát triển, các hội viên quan tâm sáng tác, xuất bản nhiều ấn phẩm có giá trị về nội dung và nghệ thuật được bạn đọc yêu thích, một số tác phẩm đạt giải cấp tỉnh và quốc gia. Các tác giả tham gia hoạt động trong lĩnh vực này gồm có các tác giả nghiệp dư, các tác giả là hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, huyện. Các tác phẩm được sáng tác chủ yếu thuộc các lĩnh vực như: Kịch sân khấu, tranh cổ động, truyện ngắn, thơ (tiêu biểu như tập thơ “Đãi trăng” của tác giả Lâm Cúc; truyện ngắn “Góc khuất” và tập kịch “Người kể chuyện cổ tích” của tác giả Đinh Đình Chiến; đặc biệt có tác giả Dương Diên Hồng là người sáng tác nhiều đầu sách nhất của tỉnh với 51 tác phẩm...). Các tác phẩm đã phản ảnh được hiện thực xã hội, khắc họa tính cách con người một cách chân thực và sinh động, nhiều tác phẩm ngợi ca những nhân tố mới trong cuộc sống, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giới thiệu về thiên nhiên và con người Đức Linh trong công cuộc đổi mới của Đảng, phê phán những thói hư, tật xấu. Một số tác phẩm thấm nhuần tinh thần nhân văn, có tác dụng giáo dục xây dựng con người mới; đấu tranh chống các hiện tượng phản văn hóa, phản thẩm mỹ trên lĩnh vực văn học nghệ thuật và khuynh hướng trái với đường lối văn nghệ của Đảng. Ngoài ra, Chi hội Hội Văn học nghệ thuật đã mở các cuộc thi thơ trên toàn huyện và giao lưu với các huyện giáp ranh như huyện Tân Phú (Đồng Nai), huyện Di Linh (Lâm Đồng); tổ chức được nhiều đêm thơ, nhạc nhân các ngày lễ trọng đại của đất nước và địa phương.

          Trong thời gian qua, Chi hội Văn học nghệ thuật huyện đã tổ chức hoạt động lớn như: Phát động sáng tác đề tài nông thôn mới, tổ chức 04 đêm thơ nguyên tiêu, giới thiệu, quảng bá gần 60 tác phẩm. Phòng Văn hóa và Thông tin phát hành 14 Bản tin Đức Linh Xuân giới thiệu 75 tác phẩm thơ, truyện ngắn. Các xã, thị trấn trên địa bàn huyện có đội văn nghệ quần chúng, hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực vào phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương. Các hội thi, hội diễn tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phục vụ nhiệm vụ chính trị được quan tâm tổ chức, đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân. Các loại hình nghệ thuật, văn hóa dân gian như: Các trò chơi dân gian, đờn ca tài tử, hát chèo, hát dân ca, cải lương,… được chú trọng khôi phục trong các hoạt động nghệ thuật quần chúng; các lễ hội truyền thống, đình làng được duy trì tổ chức hằng năm ở các địa phương, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa của các tầng lớp nhân dân. Các thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng và cơ bản phát huy tác dụng. Toàn huyện đã tổ chức được 06 kỳ Hội diễn nghệ thuật không chuyên; 01 kỳ Liên hoan Tiếng hát về nguồn. Thành lập mới 01 Câu lạc bộ Văn học nghệ thuật, 05 Câu lạc bộ Đờn ca tài tử, 01 Câu lạc bộ Thơ, 01 câu lạc bộ Hát chèo và 01 Câu lạc bộ Hát dân ca với tổng số hơn 200 cộng tác viên.

          Qua 15 năm, huyện đã đầu tư xây dựng Trung tâm Truyền thông - Văn hóa và Thể thao huyện và mua sắm trang thiết bị với tổng kinh phí trên 10 tỷ đồng. Các xã, thị trấn trong huyện đều có nhà văn hóa tổng kinh phí trên 50 tỷ đồng, đảm bảo tổ chức các hoạt động nghệ thuật ở địa phương.

        Kết quả 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (Khóa X) và Chương trình hành động số 21-NQ/TU, ngày 22/9/2008 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XI) “về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong tình hình mới”, lĩnh vực văn học, nghệ thuật của huyện có nhiều chuyển biến tích cực. Các hoạt động văn học, nghệ thuật có bước phát triển sâu rộng thu hút ngày càng đông đảo các văn nghệ sỹ, các tầng lớp nhân dân tham gia. Số lượng các tác phẩm chất lượng, mang tính định hướng, giáo dục, ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước xuất hiện ngày càng nhiều và được công chúng đón nhận. Chi hội Văn học nghệ thuật huyện thường xuyên được củng cố về mặt tổ chức và phương thức hoạt động và là trung tâm tập hợp, đoàn kết đội ngũ văn nghệ sỹ. Công tác quản lý nhà nước về văn học, nghệ thuật được tăng cường. Công tác bồi dưỡng, đào tạo, xây dựng và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ các cấp, các ngành quan tâm thực hiện. Phong trào văn nghệ quần chúng ngày càng phát triển, nhiều câu lạc bộ văn học nghệ thuật ra đời, góp phần cổ vũ, động viên quần chúng sáng tạo, khai thác, truyền bá các giá trị nghệ thuật cổ truyền và thưởng thức văn học nghệ thuật, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa, nghệ thuật ngày càng được đẩy mạnh. Công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn học nghệ thuật được chú trọng thực hiện. Việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật được triển khai tích cực. Hoạt động đấu tranh chống sự xâm nhập các sản phẩm văn hóa độc hại, lai căng, các quan điểm sai trái trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật được đội ngũ văn nghệ sỹ, các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng.

 


Các tin khác