Đức Linh: Thực hiện các chính sách hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho người lao động ở nông thôn qua 10 năm thực hiện Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị

     Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho người lao động ở nông thôn trên địa bàn huyện Đức Linh luôn được các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm thực hiện; đối tượng ưu tiên là đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo, người tàn tật, người thuộc diện gia đình chính sách; huyện coi đây là một trong những giải pháp bền vững trong xây dựng nông thôn mới ở huyện hiện nay.

     Ban Thường vụ Huyện ủy đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ chính sách đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn. Trong 10 năm qua, toàn huyện mở được 267 lớp đào tạo nghề cho 4.858 người; đào tạo các ngành nghề như trồng và chăm sóc cây tiêu, cạo mủ cao su, may gia công, kỹ thuật trồng nấm, chăn nuôi gia cầm, dinh dưỡng và kỹ thuật nấu ăn, pha chế thức uống...các ngành nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu học viên tại địa phương. Số lao động sau khi đào tạo có việc làm ổn định đạt 90,98%. Công tác giải quyết việc làm từ năm 2013 đến nay, huyện đã giải quyết việc làm được 35.200 người; các dự án phát triển kinh tế - xã hội đã thu hút được nhiều lao động, thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo nhiều việc làm mới trên các lĩnh vực và tạo thu nhập ổn định cho lao động địa phương, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương. 

     Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dạy nghề gắn với giải quyết việc làm trong thời gian qua chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực của huyện, chưa đáp ứng được tiêu chí nâng cao thu nhập của người dân và yêu cầu chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế nông thôn; nội dung, phương pháp và hình thức đào tạo nghề chưa thật hợp lý, đa dạng; chất lượng, hiệu quả đào tạo một số nghề chưa cao; một số nghề sau đào tạo khó tìm việc làm. Việc xây dựng triển khai kế hoạch dạy nghề để bám sát với tình hình thực tế và định hướng ngành nghề đào tạo còn hạn chế. Sự phối kết hợp giữa chính quyền, tổ chức đào tạo nghề và doanh nghiệp còn lỏng lẻo.

     Để phát huy những kết quả đạt được; đồng thời khắc phục những khó khăn, hạn chế nêu trên, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người lao động ở nông thôn trong thời gian tới, huyện đề ra một số giải pháp cần tập trung thực hiện, đó là: Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người lao động xác định được việc học nghề, tạo việc làm vừa là quyền lợi vừa là nghĩa vụ; khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động hàng năm để hướng dẫn các ngành, địa phương xây dựng kế hoạch đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu của người học nghề và thực tế phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tăng cường sự phối hợp giữa cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp từ khâu xây dựng nội dung chương trình đào tạo đế quá trình tổ chức đào tạo, thực hành thực tế tại các doanh nghiệp và nhận vào làm việc tại các doanh nghiệp sau khi học nghề xong. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình học nghề, đảm bảo người học nghề có chất lượng đáp ứng nhu cầu việc làm; nhân rộng các mô hình thí điểm có hiệu quả trong công tác đào tạo nghề cho lao động ở nông thôn.

 

 

 

 

 

 

 

 


Các tin khác