Công tác tổ chức học tập, quán triệt được quan tâm, Ban Thường vụ Huyện ủy tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện cho 116 đồng chí là cán bộ chủ chốt cấp huyện; chỉ đạo các chi, đảng bộ trực thuộc Huyện ủy, ngành y tế tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Kế hoạch số 40-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Kế hoạch số 45-KH/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy trong toàn bộ cán bộ, đảng viên, nhân viên, cộng tác viên ngành y tế, hội viên Hội đông y.
Công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết được quan tâm thực hiện. Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Kế hoạch số 183-KH/HU, ngày 06/9/2019 về giám sát việc thực hiện triển khai thực hiện Kế hoạch số 102-KH/HU, 28/02/2018 của Huyện ủy về thực hiện Chương trình hành động số 40-CTr/TU, ngày 26/01/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIII) về “Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”; đã tiến hành giám sát 10 chi, đảng bộ và 09 cá nhân là người đứng đầu cấp ủy, các cơ quan, đơn vị; định kỳ 05 năm, 10 năm, 15 năm Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở tổ chức sơ, tổng kết việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, trên cơ sở đó phát huy những kết quả đạt được, đề ra nhiệm vụ giải pháp khắc phục những khó khăn, hạn chế qua quá trình thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (theo sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy).
Qua 15 năm thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Kế hoạch số 40-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, công tác Đông y trên địa bàn huyện đã đạt được một số kết quả khả quan và từng bước nâng cao chất lượng trên các mặt công tác của Hội Đông y. Hội Đông y huyện được thành lập từ năm 1983, trải qua 09 lần đại hội; trong từng giai đoạn, Hội Đông y luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền và Hội Đông y cấp trên quan tâm, lãnh đạo, định hướng hoạt động và phát triển, đáp ứng cơ bản nhu cầu khám, điều trị bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Hội Đông y huyện đã thực hiện tốt công tác vận động quần chúng xây dựng tổ chức Hội vững về y đức, giỏi về chuyên môn, đoàn kết trong nội bộ. Hội Đông y huyện được phân bổ 02 biên chế (01 Chủ tịch và 01 Ủy viên thư ký Thường trực Hội (hiện đang khuyết)); Ban Chấp hành Hội có 25 ủy viên (hiện có 23) và 100 hội viên; có 10/12 xã thị trấn có tổ chức Hội đạt 83.3%. Năm 2008, Hội Đông y huyện có 86 hội viên, đến tháng 02/2023 có 100 hội viên. Hầu hết hội viên của Hội là lương y, lương dược, y sĩ, y sỹ định hướng y học cổ truyền, lương y gia truyền... tự nguyện tham gia vào Hội, không có biên chế hay chế độ đối với người làm công tác Đông y. Tổ chức Hội cơ sở: Năm 2008 là 10/13, đạt 76,9%; năm 2013: 10/13 đạt 76,9%; năm 2018: 10/13 đạt 76,9%; từ năm 2020 đến nay: 10/12 đạt 83,3% (sáp nhập 02 xã Nam Chính - Đức Chính; thành lập mới Hội Đông y xã Tân Hà).
Công tác khám, chữa bệnh Đông y và kết hợp Đông y với y học hiện đại được quan tâm, nhưng hiệu quả chưa cao. Đến nay, Hội Đông y có 10/12 tổ Đông y hoạt động lồng ghép vào các trạm y tế, mỗi tổ đều có lương y điều trị theo hình thức bán thời gian. Nguồn thuốc chữa trị bằng y học cổ truyền, lương y đều tự cung tự cấp, do vậy nguồn thu từ công tác điều trị bệnh bằng y học cổ truyền rất thấp nên không thể điều trị theo thẻ bảo hiểm y tế như Tây y. Đối với Bệnh viện Đa khoa khu vực phía Nam, giai đoạn 2008-2013 có 01 bác sỹ, chưa thành lập khoa Đông y; giai đoạn 2013-2018, thành lập Khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng, vì vậy số lượng người bệnh tham gia khám, chữa bệnh bằng đông y tăng dần từ dưới 100 lượt/năm (năm 2013) tăng lên khoảng 1.000 lượt/năm vào năm 2018; giai đoạn 2018-2023, Bệnh viện Đa khoa phía Nam đã tăng cường đào tạo nguồn nhân lực y học cổ truyền, mở rộng khám chữa bệnh bằng đông tây y kết hợp đạt hơn 22.000 lượt/năm.
Công tác phát triển nuôi trồng dược liệu, phát hiện, tập hợp các loài thuốc có giá trị dược liệu quý hiếm được các cấp Hội quan tâm triển khai thực hiện. Tổng số diện tích là: 6.300m2 (trong đó tại nhà hội viên và nhân dân: 4.500m2, tại trạm y tế: 1.800m2). Tại Hội Đông y huyện có vườn thuốc nam với trên 60 cây dược liệu trong danh mục theo quy định của Bộ Y tế. Với phương châm “thầy tại chỗ, thuốc tại vườn, chữa bệnh tại nhà” các cấp Hội Đông y trong huyện đã chú trọng công tác tuyên truyền, hướng dẫn nuôi trồng đi đôi với sử dụng đã đem lại hiệu quả, có giá trị điều trị được một số bệnh thông thường. Phát triển theo hướng phục hồi các vườn thuốc nam tại các trạm y tế, cơ quan, trường học và hộ gia đình dưới dạng cây rau, cây cảnh, cây hàng rào làm thuốc với mục tiêu không để mất đi những cây thuốc quí; đồng thời, tích cực bồi dưỡng kiến thức về cây thuốc nam, cây thuốc dân tộc cho cán bộ, hội viên nhằm bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu.
Công tác phối hợp giữa Hội Đông y và ngành y tế được quan tâm thực hiện và mang lại hiệu quả tích cực. Đã phối hợp trong thực hiện chương trình chuẩn quốc gia về y tế, đáp ứng cơ bản nhu cầu chăm sóc sức khỏe về Đông y cho nhân dân và trong công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là phòng chống và điều trị sốt xuất huyết bằng thuốc y học cổ truyền có sẵn tại địa phương, mang lại hiệu quả cao trong điều trị cho bệnh nhân mới phát bệnh. Phối hợp trong triển khai thực hiện công tác như thừa kế, phát huy và xây dựng mạng lưới Đông - Tây y kết hợp từ huyện đến cơ sở; trong đó, Hội Đông y và Trung tâm Y tế huyện đã tổ chức ký kết phối hợp đưa lương y vào trạm y tế để thành lập tổ chẩn trị do trạm trưởng hoặc phó trạm y tế làm tổ trưởng, các vị lương y làm thành viên; trạm y tế tạo điều kiện về chỗ khám bệnh, tủ quầy thuốc, giường bệnh,... và chịu trách nhiệm quản lý về các nguồn thu khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền tại trạm theo qui định hiện hành. Kết quả, toàn huyện có 10/12 xã, thị trấn có tổ chẩn trị và vườn thuốc nam mẫu tại trạm y tế; hàng năm đã giải quyết được 30 - 40% số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị bằng phương pháp Đông y. Hàng năm, các trạm y tế, tổ chẩn trị đều đạt chuẩn quốc gia về y tế theo quy định của Bộ Y tế.