Đức Linh: Phát huy hiệu quả từ Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP)

      Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đang được huyện Đức Linh tích cực triển khai thực hiện để tạo “thương hiệu” cho các sản phẩm của địa phương, thúc đẩy liên kết chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ; xây dựng một số sản phẩm góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và tăng thu nhập cho người nông dân.

      Thời gian qua, Chương trình OCOP trên địa bàn huyện Đức Linh đã được triển khai thực hiện hiệu quả. Căn cứ hướng dẫn của cấp trên, huyện đã triển khai kế hoạch tới các phòng, ban chuyên môn, các xã, thị trấn và người dân trên địa bàn. Đặt mục tiêu mối xã lựa chọn ít nhất một sản phẩm để tham gia Chương trình; dựa trên cơ sở nền tảng các sản phẩm truyền thống, đặc trưng của địa phương, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn. Đến cuối năm 2022, toàn huyện có 10 sản phẩm được đánh giá phân hạng từ 03 đến 04 sao cấp tỉnh. Trong đó, 5 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao: Gạo Thượng Điền - Đại Nhật Phát, Hạt điều rang muối - Hoàng Gia Tiến, Kẹo hạt điều thập cẩm - Công ty TNHH MTV Năm Trang, Trứng gà tươi và Trứng gà nướng của Công ty TNHH Chăn nuôi Ta fa Việt; 5 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao: Sầu riêng - HTX Sầu riêng Rô mô, Dưa lưới - HTX Phúc Lộc, Bưởi Da xanh - HTX Bưởi da xanh Đông Hà. Đồng thời, có thêm 9 sản phẩm của 8 chủ thể đăng ký tham gia Chương trình, dự kiến tổ chức thi phân hạng sản phẩm cấp huyện trong tháng 6/2023. Các sản phẩm OCOP đều tham gia chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, đăng ký bán hàng thông qua các trang thương mại điện tử.

      Ngoài ra, huyện còn quan tâm thực hiện tốt việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong chuỗi chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 30 cơ sở, hộ kinh doanh, sơ chế, chế biến sản phẩm nông sản; trong đó, có 06 cơ sở, 02 công ty hạt điều; 05 hộ kinh doanh, sơ chế cà phê rang; 12 hộ chế biến giò chả, nem; 01 cơ sở đóng gói trà, 02 cơ sở sản xuất mít sấy... Các cơ sở đã triển khai các giải pháp đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm theo hướng chất lượng, an toàn, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (GAP, GMP, HACCP, ISO 22000...), sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, xây dựng mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc gắn với xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản lợi thế, chủ lực. Đang lập hồ sơ đề nghị cấp mã số vùng trồng cho các sản phẩm có lợi thế, sản phẩm chủ lực để xuất khẩu sang Trung Quốc như: Sầu riêng ở xã Đa Kai (trên 185 ha), Mê Pu (26,5 ha); Bưởi ở xã Đông Hà, Đức Tài (12,5ha), hiện tại đang hoàn thiện các hồ sơ liên quan. Ngoài ra, đã phối hợp triển khai và cấp mã số vùng trồng nội địa cho các sản phẩm: 1,4 ha sầu riêng - xã Mê Pu; 0,25 ha rau - xã Vũ Hòa; 6,0 ha lúa - xã Nam Chính; 0,12 ha rau - xã Đức Hạnh; 1,2 ha Bưởi - xã Trà Tân và 1,0 ha Bưởi - xã Đông Hà.

       Định hướng trong thời gian tới, huyện tiếp tục chi đạo các phòng, ban chuyện môn đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, nội dung của Chương trình OCOP và quảng bá giới thiệu sản phầm OCOP bằng nhiều hình thức; hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc, dịch vụ quản lý mã xác thực hàng hóa, từng bước cải tiến nhãn hiệu, nâng cao thương hiệu sản phẩm OCOP và tiềm năng OCOP. Tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn về thủ tục, quy trình đăng ký, nâng chất và phát triển sản phẩm OCOP theo hướng gia tăng số lượng và gia tăng giá trị đảm bảo các tiêu chuẩn. Đồng thời, thường xuyên rà soát, vận động hướng dẫn hộ sản xuất kinh doanh các sản phẩm có tiềm năng tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.

      Có thể khẳng định rằng “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” là chương trình phát triển kinh tế quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất gắn với phát triển sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn theo hướng gia tăng giá trị, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, thay đổi diện mạo nông thôn phát triển bền vững./.


Các tin khác