Để triển khai thực hiện, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Kế hoạch số 121-KH/HU, ngày 24/6/2021 về thực hiện nhiệm vụ trọng tâm chuyển dịch cơ cấu kinh tế huyện Đức Linh đến năm 2025; trong đó, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để UBND huyện, các cơ quan, đơn vị, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ của mình triển khai thực hiện, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn huyện theo đúng định hướng đã xác định.
Qua hơn hai năm thực hiện, đến nay cơ cấu kinh tế huyện đang chuyển dịch theo định hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp ngày càng rõ nét; tỷ trọng nhóm ngành công nghiệp tăng từ 25,01% lên 27,28%, (tăng 2,27%); thương mại dịch vụ từ 25,08% lên 29,19% (tăng 1,14%); ngành nông - lâm - thủy sản từ 46,94% giảm xuống còn 43,53% (giảm 3,41). Cơ cấu nội bộ các ngành kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế của từng ngành, lĩnh vực và địa phương gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Ngành công nghiệp - xây dựng duy trì tốc độ tăng trưởng cao và ổn định trong toàn ngành. Quy mô giá trị sản xuất ngành công nghiệp có sự tăng trưởng khá, năm 2020 đạt 3.344,42 tỷ đồng, tăng lên 3.909,5 tỷ đồng năm 2022 (theo giá so sánh 2010). Ngành dịch vụ có mức tăng trưởng khá và tăng đều qua các năm; quy mô năm 2020 đạt 1.770,37 tỷ đồng, tăng lên 1.987,11 tỷ đồng năm 2022. Hệ thống hạ tầng thương mại như chợ, các cửa hàng tiện ích, tiện lợi được phát triển đều khắp trên địa bàn huyện đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân và trao đổi mua bán hàng hoá trên thị trường.
Quy mô giá trị sản xuất ngành nông nghiệp (theo giá so sánh 2010) tăng từ 2.433,97 tỷ đồng (năm 2020) lên 2.580,32 tỷ đồng (năm 2022); tuy nhiên, tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế của huyện giảm từ 46,94% (năm 2020) xuống còn 43,53% (năm 2022) theo đúng định hướng Nghị quyết đề ra. Hiện nay, trên địa bàn huyện Đức Linh đã có 06 cụm công nghiệp với quy mô tổng diện tích khoảng 278ha; trong đó, có 03 cụm công nghiệp/95,34ha được thành lập trước Nghị định số 68/2017/NĐ-CP, ngày 25/5/2017 của Chính phủ, hiện nay do Nhà nước quản lý chưa đầu tư cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh; 03 cụm công nghiệp/182,8ha thành lập theo Nghị định số 68/2017/NĐ-CP, ngày 25/5/2017 của Chính phủ do doanh nghiệp làm chủ đầu tư hạ tầng. Đến nay, 06 cụm công nghiệp đã có dự án thứ cấp vào đầu tư, thu hút được 46 cơ sở, dự án đầu tư sản xuất kinh doanh với tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê 107,12ha/202,16 ha tổng diện tích đất công nghiệp của các cụm (tính theo quy hoạch chi tiết được duyệt), đạt tỷ lệ lấp đầy 53%. Tổng vốn đăng ký khoảng 1.667 tỷ đồng. Đặc biệt, Tập đoàn Dona Standar đã đầu tư vào Cụm công nghiệp Nam Hà, dự kiến đi vào hoạt động cuối năm 2023.
Nhìn chung, công tác thu hút, kêu gọi các nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư kết cấu hạ tầng các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện đạt kết quả khả quan, góp phần tạo thuận lợi trong thu hút các nhà đầu tư thứ cấp sớm lấp đầy đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa; riêng đối với 03 cụm công nghiệp do Nhà nước quản lý gặp nhiều khó khăn trong huy động các nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng kể cả các nguồn vốn ngân sách do các cụm này còn nhiều vướng mắc về thủ tục đất đai.
Trong thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp. Quan tâm phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; kêu gọi đầu tư từ 01 - 02 cụm công nghiệp tại khu vực Tân Hà, Trà Tân, Đông Hà, đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và hình thành khu công nghiệp giai đoạn 2025-2030. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đôn đốc nhà đầu tư đẩy mạnh đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp để thu hút dự án đầu tư thứ cấp, phấn đấu tỷ lệ lấp đầy trên 80%. Thực hiện tốt chính sách khuyến công; khuyến khích các cơ sở sản xuất đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất của một số sản phẩm lợi thế có khả năng cạnh tranh và xuất khẩu của huyện. Đồng thời, khuyến khích đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nhân dân trong huyện. Tiếp tục định hướng cho các thành phần kinh tế phát triển và hoạt động có hiệu quả; củng cố, thành lập mới các hợp tác xã, các tổ hợp tác, liên minh, liên kết hoạt động có hiệu quả. Tập trung chỉ đạo sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng trưởng ổn định và bền vững; chú trọng xây dựng chuỗi liên kết theo giá trị, nhất là xây dựng vùng lúa chất lượng cao; xây dựng thương hiệu, tiêu chuẩn để đảm bảo yêu cầu thị trường.