Đức Linh: Phát huy vai trò của Hợp tác xã trong xây dựng nông thôn mới nâng cao

      Hợp tác xã hoạt động hiệu quả và có hợp đồng liên kết theo chuỗi giá trị ổn định là một trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025. Xác định rõ tầm quan trọng của tiêu chí, thời gian qua, huyện Đức Linh tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp đổi mới hình thức sản xuất, hỗ trợ nông dân tham gia vào các hợp tác xã, tạo động lực giúp Hợp tác xã phát triển bền vững, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới nâng cao trên địa bàn huyện.

      Thực tế xây dựng nông thôn mới thời gian qua cho thấy, kinh tế hợp tác mà nòng cốt là hợp tác xã nếu phát triển đúng hướng sẽ là động lực thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao. Các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn huyện đã phát huy được vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho nông dân, ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiêu quả sản xuất, nhất là thực hiện tốt việc liên doanh, liên kết, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông sản. Các phòng, cơ quan chức năng cũng thường xuyên, giám sát, theo dõi tình hình hoạt động của các hợp tác xã trên địa bàn huyện, qua đó hướng dẫn các hợp tác xã hoạt động theo đúng luật Hợp tác xã năm 2012. Trên cơ sở Kế hoạch số 144/KH-UBND, ngày 13/10/2021 của UBND huyện về thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2030, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng, UBND các xã, thị trấn tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động lĩnh vực kinh tế tập thể, hợp tác xã; tăng cường công tác kiểm tra, quản lý các Trại, Trang trại nông nghiệp và mô hình VAC; thường xuyên chỉ đạo các ngành chức năng hỗ trợ hướng dẫn, củng cố hoạt động và phát triển cho các Hợp tác xã nông nghiệp; hướng dẫn thực hiện quản lý, phát triển sản xuất nông nghiệp tại các dự án Trại, Trang trại và mô hình VAC... Năm 2021, huyện thành lập mới 01 hợp tác xã; năm 2022, thành lập mới được 02 hợp tác xa, 03 tổ hợp tác, chuyển đổi 01 hợp tác xã; đến nay, tổng số hợp tác xã trên địa bàn huyện là 25 hợp tác xã (trong đó, có 22 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp); có 39 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và ngành nghề nông thôn, chủ yếu sản xuất, dẫn nước, tu bổ giao thông nội đồng, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất, cung ứng giống cây trồng, vật tư nông nghiệp, cày đất và tiêu thụ sản phẩm...

      Bên cạnh đó, kinh tế trang trại trên địa bàn huyện có những bước chuyển mạnh mẽ cả về số lượng và quy mô sản xuất, phát triển mạnh kinh tế hợp tác, kinh tế trang trại, dịch vụ nông nghiệp, ngành nghề nông thôn, đa dạng hóa các loại hình. Với sự khuyến khích, hỗ trợ nguồn vốn của Nhà nước thông qua nhiều chương trình cho vay đầu tư phát triển sản xuất; đến năm 2022, toàn huyện có 43 trang trại sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, quy mô sản xuất trên 1,5 ha trở lên. Các mô hình kinh tế trang trại phát triển đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng tăng nhanh tỷ trọng sản xuất hàng hóa, tạo ra các vùng sản xuất tập trung làm tiền đề cho ngành công nghiệp chế biến nông lâm sản đưa công nghiệp và các ngành dịch vụ vào nông thôn, cải thiện môi trường sinh thái, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn.

      Kinh tế hộ gia đình ở nông thôn đang tiếp tục phát triển theo cơ chế thị trường và có sự chuyển dịch hiệu quả. Kinh tế hộ tiếp tục được hỗ trợ và tổ chức theo hướng quy mô lớn hơn, công nghiệp, hiện đại hơn. Sản xuất theo chuỗi giá trị có sự hợp tác, liên kết giữa nông dân, các tổ chức nông dân (tổ hợp tác, hợp tác xã) với doanh nghiệp đã hình thành ở tất cả các lĩnh vực sản xuất và đang được nhân rộng các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị đã trở lên khá phổ biến, năm 2022 toàn huyện có khoảng 20 mô hình liên kết cây trồng, vật nuôi và nuôi trồng thủy sản.

      Nhờ vào việc tổ chức thực hiện sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến đã góp phần tăng thu nhập cho người dân nông thôn lên mức thu nhập khá, thu nhập bình quân đầu người hàng năm tăng lên, năm 2022 bình quân toàn huyện 60,24 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều năm 2022 giảm từ 4,69% xuống còn 3,04% và giảm 1,65% so với tổng số hộ nghèo đầu năm 2022, đạt 165% so với kế hoạch tỉnh giao. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 4,90% xuống còn 3,08%, giảm 1,82%, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra (năm 2022).

      Trong thời gian tới, huyện tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả, khuyến khích và tạo thuận lợi phát triển doanh nghiệp nông nghiệp; đẩy mạnh đổi mới và phát triển các hợp tác xã nông nghiệp, phát triển trang trại theo hướng chú trọng hơn tới việc tổ chức nông dân sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao; phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, tạo động lực cho quá trình xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân. Qua đó, tạo sức mạnh tổng hợp của các hợp tác xã tiếp tục đóng góp xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng nông thôn, phấn đấu xây dựng hình thức tổ chức sản xuất, đáp ứng yêu cầu của tiêu chí số 13 trong xây dựng nông thôn mới nâng cao./. 

 


Các tin khác