Đức Linh: Kết quả thực hiện khâu đột phá về phát triển nông nghiệp qua nửa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII

    Đức Linh là huyện miền núi với sản xuất nông nghiệp là chủ yếu. Do đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra khâu đột phá trong phát triển nông nghiệp; trong đó xác định “Thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó tập trung triển khai xây dựng vùng chuyên canh sản xuất lúa chất lượng cao với diện tích 1.000 ha trong 3.000 ha của “Đề án phân tích tính chất lý, hóa của đất để bố trí vùng lúa chất lượng cao và vùng chuyển đổi cây trồng cạn đến năm 2025 tầm nhìn 2030” gắn với liên kết chuỗi giá trị gia tăng”.

     Công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với liên kết sản xuất lúa chất lượng cao được Huyện ủy, UBND huyện quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/HU, ngày 09/4/2021 về xây dựng vùng chuyên canh sản xuất lúa chất lượng cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện; trên cơ sở đó, UBND huyện ban hành kế hoạch, giao chỉ tiêu, nhiệm vụ gắn với trách nhiệm cụ thể để các phòng, ban chuyên môn và UBND các xã, thị trấn chủ động thực hiện; đồng thời, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện.

     Trong hai năm 2021-2022, diện tích canh tác lúa của huyện duy trì ở mức trên 9.216 ha, diện tích gieo trồng vượt 7,1%, sản lượng vượt 18,5% so với kế hoạch. Trên tinh thần phát huy tối đa hiệu quả sử dụng đất sản xuất, trong đó có công tác quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, linh hoạt diện tích đất trồng lúa, huyện đã chuyển đổi được 3.523,2 ha đất trồng lúa sang trồng các loại cây trồng cạn cho giá trị cao so với trồng lúa. Trong đó, bắp 1.585,2 ha, thu nhập hơn 25 triệu đồng/ha; đậu phộng 870 ha, thu nhập 28-30 triệu đồng/ha; rau các loại 370 ha, thu nhập 30 - 40 triệu đồng/ha/vụ; đậu các loại 74,7 ha, thu nhập trên 27 triệu đồng/ha; củ sắn 144 ha, thu nhập trên 130 triệu đồng/ha; cây ớt 46,8 ha, thu nhập trên 30 triệu đồng/ha/vụ; dưa hấu 258 ha, thu nhập là 120 triệu đồng/ha; khoai lang Nhật 110 ha, thu nhập 90 triệu đồng/ha, cây hàng năm khác là 64 ha, thu nhập 30-40 triệu đồng.

     Đối với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, sản xuất lúa chất lượng cao đạt tối thiểu 1.000 ha theo tinh thần Nghị quyết và phát triển ít nhất 01 thương hiệu lúa, gạo đạt chất lượng xuất khẩu; UBND huyện đã xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu cụ thể cho từng xã, thị trấn trong vùng quy hoạch với tổng diện tích là 1.600 ha sản xuất ổn định và chuyên sản xuất lúa chất lượng cao. Huyện cũng đã tập trung các nguồn vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, đầu tư phát triển các mô hình sản xuất lúa chất lượng cao. Qua 02 năm thực hiện, đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn phối hợp với Công ty Cổ phần tập đoàn Lộc Trời, Công ty TNHH SX&TM BAC A&E, Hợp tác xã Công Thành Đức Linh, Công ty TNHH SX và TM Đại Nhật Phát, HTX Đức Bình - Tánh Linh (gạo hữu cơ Đức Lan) thực hiện liên kết với người dân sản xuất 1.174,5 ha/3 vụ lúa chất lượng cao, bình quân diện tích canh tác lúa chất lượng cao 400 ha/vụ/năm, thực hiện lúa nếp IR4625 bình quân 600 ha/năm.

     Trong thời gian tới, huyện tiếp tục tổ chức thực hiện tốt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp; đẩy mạnh công tác khuyến nông, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm tăng năng suất trên cây trồng, vật nuôi; chú trọng xây dựng chuỗi liên kết theo giá trị, nhất là xây dựng vùng lúa chất lượng cao; xây dựng thương hiệu, tiêu chuẩn để đảm bảo yêu cầu thị trường nhằm thực hiện đạt kết quả khâu đột phá về phát triển nông nghiệp mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XII đề ra.


Các tin khác