Đức Linh - Đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường

  • /
  • 7.6.2013 - 16:38

Xây dựng nông thôn mới là chủ trương có tầm chiến lược đặc biệt quan trọng của Đảng và Nhà nước ta nhằm cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Ngày 04/6/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 800/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020.

Ảnh: Đ/c Huỳnh Tấn Pháp - TUV, Bí thư Huyện ủy cùng các ngành chức năng kiểm tra khai thác đá vofram trái phép ở Đồi cờ xã Mé Pu

 

     Mục tiêu của Chương trình là xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Chính phủ đã ban hành Bộ tiêu chí quốc gia nhằm xây dựng nông thôn mới gồm 19 tiêu chí, trong đó tiêu chí thứ 17 là tiêu chí về môi trường, bao gồm: Tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn Quốc gia; Các cơ sở SX-KD đạt tiêu chuẩn về môi trường; Không có các hoạt động gây suy giảm môi trường và có các hoạt động phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp; Nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch; Chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định.

     Có thể nói đây là một tiêu chí khó với nhiều chỉ tiêu cần thực hiện để đạt theo yêu cầu đề ra khi mà vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn đang là vấn đề bức xúc của toàn xã hội, đặc biệt đối với cộng đồng người dân sống ở khu vực nông thôn. Trong đó, vấn đề đáng quan tâm hiện nay đó là ô nhiễm môi trường nước do nước thải từ sinh hoạt và hoạt động sản xuất nông nghiệp; ô nhiễm môi trường không khí từ các làng nghề thủ công, hoạt động chăn nuôi, thói quen đốt rác...; chất thải rắn không được thu gom và xử lý hợp vệ sinh; việc sử dụng hoá chất bảo vệ thực vật, nuôi trồng thuỷ sản không đúng qui định...

     Để phong trào xây dựng nông thôn mới thành công, trong đó có tiêu chí về môi trường được đảm bảo thì cần phải đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường nông thôn. Đối với địa bàn huyện Đức Linh, có thể triển khai một số giải pháp sau: (1) Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức, giáo dục pháp luật TN-MT; sử dụng tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường (BVMT), ứng phó biến đổi khí hậu. (2) Tuyên truyền, vận động người dân sử dụng phổ biến các chế phẩm sinh học, hạn chế dùng hóa chất hoặc thuốc kháng sinh trong nuôi thủy sản. (3) Hạn chế, chống lạm dụng hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật, phân bón trong canh tác nông nghiệp; hướng dẫn người dân thu gom, xử lý hợp vệ sinh đối với các loại bao bì chứa đựng hóa chất. (4) Kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán và sử dụng hoá chất, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hoá học dùng trong nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản. (5) Thu gom, tái chế, tái sử dụng chất thải trong sản xuất nông nghiệp. (6) Tập trung khuyến nông, chuyển giao cho nông dân kỹ thuật và áp dụng những mô hình canh tác mới thân thiện với môi sinh, môi trường. Sản xuất theo qui trình an toàn trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản... là hướng đang được ngành chức năng khuyến khích áp dụng rộng rãi. Đơn cử như mô hình trồng rau an toàn, trồng trọt theo tiêu chí GAP, chăn nuôi gia súc gia cầm theo ngưỡng an toàn sinh học...thực chất là những mô hình canh tác bền vững, bảo vệ môi sinh môi trường và mang lại hiệu quả cao cho người sản xuất. (7) Quy hoạch mạng lưới thu gom chất thải rắn nông thôn; đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất cho hoạt động thu gom, xử lý chất thải rắn khu vực nông thôn. Hiện nay, hoạt động thu gom, xử lý chất thải rắn khu vực nông thôn còn rất hạn chế. (8) Xây dựng, nhân rộng và tuyên truyền các mô hình điển hình, tiên tiến về BVMT, như: mô hình HTX vệ sinh môi trường, mô hình đội tự quản vệ sinh môi trường, mô hình 3 sạch: “Sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ”. (9) Hỗ trợ xử lý môi trường cho các điểm ô nhiễm môi trường bức xúc tại khu vực nông thôn như chợ, làng nghề, lò giết mổ gia súc, gia cầm. (10) Nghiên cứu cơ chế hỗ trợ, ưu đãi vay vốn đầu tư xây dựng hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường đối với các cơ sở chế biến nông sản. (11) Tăng cường công tác thanh tra - kiểm tra, xử lý những vi phạm của tổ chức, cá nhân trong việc gây ô nhiễm môi trường.

     Vấn đề môi trường nông thôn cần phải được triển khai một cách đồng bộ, kịp thời và tích cực. Thực hiện tốt các giải pháp nêu trên mới đảm bảo được tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

                                                                                                       TCT


  • |
  • 856
  • |

Các tin khác