Đức Linh - kết quả 5 năm thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW về việc phát triển nền Đông y và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới

  • /
  • 25.6.2013 - 9:7

Trong 05 năm qua, triển khai thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc phát triển nền Đông y và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới được các cấp, các ngành huyện Đức Linh quan tâm và tập trung triển khai thực hiện bước đầu đã đạt được những kết quả và từng bước nâng cao chất lượng các mặt công tác Hội.

 

      Mạng lưới Hội Đông y từng bước được nâng lên. Tính đến nay, Hội Đông y huyện có 86 hội viên; 11/13 xã, thị trấn có tổ chức Hội đạt 84,61%. 100% Hội Đông y xã, thị trấn hoạt động tốt (xã Tân Hà và xã Đức Tín không có tổ chức Hội do không có hội viên). Về trình độ: Lương y đạt chuẩn có 08 người; Lương y được Sở y tế công nhận Lương y đa khoa là 30 người; Y sỹ y học cổ truyền là 05 người; trình độ lý luận chính trị: 03 đồng chí (trong đó 02 trung cấp và 01 sơ cấp); có 82 hội viên có độ tuổi từ 25-80 trình độ chuyên môn là lương y. Tất cả hội viên đều được cấp đổi thẻ hội viên. Tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Nam Bình Thuận có 01 bác sỹ y học cổ truyền và 03 y sỹ y học cổ truyền nhưng chưa thành lập khoa Đông y. Trung tâm y tế có 01 y sỹ y học cổ truyền (nhưng làm chuyên môn Tây y).

      Công tác kế thừa, đào tạo, bồi dưỡng được quan tâm. Huyện có 01 trung tâm thừa kế ứng dụng Đông y dược khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân bằng phương pháp dùng thuốc, không dùng thuốc, châm cứu, xoa bóp, vật lý trị liệu… đạt hiệu quả cao nhằm đáp ứng nhu cầu khám và điều trị bệnh cho nhân dân. Ngoài ra, nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị trong khám và điều trị bệnh bằng đông y, các cấp Hội cơ sở thường xuyên sinh hoạt chuyên môn hàng quý, năm để trao đổi, truyền đạt, học hỏi kinh nghiệm nhằm nâng cao năng lực khám, chữa bệnh. Mặt khác, Thường trực huyện hội phối hợp với Hội Đông y tỉnh, Trường Cao đẳng y tế Bình Thuận tổ chức các lớp bồi dưỡng về chuyên môn (đã củng cố cơ bản về y lý, giáo dục y đức) và cấp giấy chứng nhận cho 70 hội viên theo học; huyện hội cử 15 hội viên đi học lớp đào tạo lại do Hội Đông y tỉnh liên kết Trường Đại học y Phạm Ngọc Thạch và Hội Đông y Thành phố Hồ Chí Minh mở nhằm cấp lại giấy chứng nhận “lương y” cho những đối tượng đã có giấy chứng nhận bồi dưỡng do trường Cao đẳng y tế và Hội Đông y tỉnh cấp.

      Trang thiết bị y tế phục vụ cho việc khám chữa bệnh y học cổ truyền gặp nhiều khó khăn. Trong toàn huyện có 38 cơ sở khám, chữa bệnh (09 cơ sở được cấp giấy phép hành nghề, 28 tổ làm bán thời gian tại nhà), hầu hết các cơ sở Hội Đông y trong huyện hoạt động lồng ghép với các trạm y tế. Cơ sở vật chất, trang thiết bị như máy châm cứu, máy bó thuốc, đèn hồng ngoại, máy xoa bóp và nguồn thuốc chữa bệnh bằng y học cổ truyền, lương y đều tự cung tự cấp; tổng số giường bệnh các tuyến trong toàn huyện là 48 giường, trong đó tại phòng chẩn trị Tuệ Tĩnh Đường (chùa Quảng Hương) có 10 giường. Tình hình khám, chữa bệnh bằng phương pháp đông y với công tác bảo hiểm y tế ở Đức Linh chưa thực hiện được vì nguồn thu từ công tác điều trị bệnh bằng y học cổ truyền rất thấp nên không thể điều trị theo thẻ bảo hiểm y tế như Tây y.

       Việc phối hợp giữa Đông y và Tây y trong công tác phòng bệnh và khám bệnh được quan tâm. Hàng năm Hội Đông y huyện đã phối hợp cùng ngành y tế thực hiện chương trình chuẩn quốc gia về y tế, đáp ứng phần lớn về nhu cầu chăm sóc sức khỏe về Đông y cho nhân dân; phòng, chống dịch bệnh nhất là phòng, chống và điều trị sốt xuất huyết bằng thuốc Đông y. Hội Đông y cơ sở phối hợp với các Trạm y tế củng cố và khôi phục vườn thuốc nam tại các Trạm Y tế xã, thị trấn và tại nhà hội viên; đồng thời phát động, tuyên truyền hội viên và nhân dân trồng cây thuốc nam và hướng dẫn nhân dân biết sử dụng, điều trị một số bệnh thông thường. Hiện tại, Hội Đông y có 11/13 tổ Đông y hoạt động lồng ghép ở các trạm y tế cơ sở, mỗi tổ đều có lương y điều trị theo hình thức bán thời gian. Tuy hoạt động được quan tâm nhưng hiệu quả chưa cao, một số trạm y tế còn xem nhẹ ngành Đông y.

      Trong những năm qua các cấp Hội Đông y đã chú trọng việc phối hợp với các ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể trong việc đẩy mạnh các mặt công tác của Hội. Đối với ngành Y tế, Hội Đông y đã liên tịch triển khai thực hiện tốt một số mặt công tác như thừa kế, phát huy và xây dựng mạng lưới Đông - Tây y kết hợp từ huyện đến cơ sở. Đối với Hội Chữ thập đỏ, Hội Đông y phối hợp tổ chức khám và chữa bệnh từ thiện hàng năm (từ 200 đến 250 lượt người/năm) cho người dân có hoàn cảnh khó khăn; phối hợp với Hội Người cao tuổi, Hội Nông dân…..trong việc vận động bà con trồng và sử dụng thuốc nam, điều trị bệnh bằng Đông y.

      Công tác phát triển nuôi trồng dược liệu, phát hiện, tập hợp các loài thuốc có giá trị dược liệu quý hiếm được các cấp Hội quan tâm triển khai thực hiện sâu rộng. Tổng số diện tích trồng là: 6.300m2 (trong đó trồng tại nhà các hội viện và nhân dân: 4.500m2; tại trạm y tế là 1.800m2). Tại huyện Hội có vườn thuốc nam trên 60 cây dược liệu trong danh mục của Bộ y tế. Với phương châm “thầy tại chỗ, thuốc tại vườn, chữa bệnh tại nhà” các cấp hội đã chú trọng công tác tuyên truyền, hướng dẫn nuôi trồng đi đôi với sử dụng đã đem lại hiệu quả thiết thực, có giá trị chữa được một số bệnh thông thường. Phát triển theo hướng phục hồi các vườn thuốc nam tại các trạm y tế, cơ quan, trường học và hộ gia đình dưới dạng cây rau, cây cảnh, cây hàng rào làm thuốc với mục tiêu không để mất đi những cây thuốc quý; đồng thời tích cực bồi dưỡng kiến thức về cây thuốc nam, cây thuốc dân tộc cho cán bộ, hội viên để tăng cường sự hiểu biết về cây thuốc, vị thuốc hiện có ở từng địa phương nhằm bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu.

      Công tác khám và điều trị bằng y học cổ truyền của Huyện hội cũng như các cơ sở y tế ngày càng được nâng lên về số lượng và chất lượng. Tổng số bệnh nhân khám chữa bệnh trong 5 năm là 1.111.500 lượt người, trong đó có khoảng 1/3 lượt bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp không dùng thuốc (vật lý trị liệu, châm cứu…). Hàng năm, Hội Đông y huyện nói chung và cơ sở tổ chức khám từ thiện miễn phí cho 360.000 lượt người ở phòng chẩn trị Tuệ Tĩnh Đường (chùa Quảng Hương). Số lượng khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền tại các trạm luôn đạt từ 18 - 20% (đạt theo chuẩn Quốc gia về y tế xã, thị trấn).

      Số lượt người khám và điều trị bằng y học cổ truyền năm 2008 là 22.000 người, đến năm 2012 là 1.111.500 người; số hội viên năm 2008 là 75 đến nay tăng lên 86 hội viên; Tổ Đông y lồng ghép vào trạm y tế năm 2008 là 10, đến nay tăng lên 11; diện tích trồng cây dược liệu năm 2008 là 6.300m2 và cho đến nay diện tích này không thay đổi.

      Để nâng cao chất lượng hoạt động và sự phát triển của mạng lưới Hội Đông Y trong thời gian tới cần phải tiếp tục củng cố tổ chức và phát triển mạng lưới Hội Đông y từ huyện đến cơ sở. Phấn đấu từ nay đến năm 2015 toàn huyện có 100% xã, thị trấn có tổ chức hội; 100% xã, thị trấn có Tổ chẩn trị Đông y lồng ghép vào Trạm y tế đạt chuẩn quốc gia về lĩnh vực y học cổ truyền; xây dựng đội ngũ thầy thuốc Đông y đông đảo về số lượng, giỏi về chuyên môn và trong sáng về y đức; thu hút 30% lượt người bệnh nhân đến khám và chữa bệnh; đẩy mạnh nghiên cứu, kế thừa và phát triển Đông y, kết hợp Đông y với Tây y trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân; xây dựng nền y dược học khoa học, dân tộc và đại chúng. Phấn đấu đến năm 2015 Bệnh viện Đa khoa khu vực Nam Bình Thuận có khoa Đông y, thu hút 20% lượt bệnh nhân đến khám và điều trị; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn Đông y cho cán bộ, hội viên đạt trình độ từ sơ cấp trở lên. Trong đó, đội ngũ trẻ chiếm tỉ lệ 40%; xây dựng vùng chuyên canh cây thuốc nam, vườn thuốc nam gia đình và ở các cơ sở y tế; tăng cường giáo dục lý luận chính trị, tư tưởng cho cán bộ, hội viên Đông y với phương thức gắn nội dung sinh hoạt chuyên môn với việc tuyên truyền phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Nắm vững phương châm và đổi mới hoạt động Hội Đông y trong thời kỳ đổi mới hiện nay; nâng cao uy tín, phẩm chất của người thầy thuốc, tổ chức quán triệt và thực hiện quy định về đạo đức hành nghề Đông y theo 9 điều y huấn cách ngôn của Hải Thượng Lãn Ông và 12 điều y đức của ngành Y tế để tu dưỡng, rèn luyện; tăng cường công tác thi đua khen thưởng và phát hiện nhiều gương điển hình tiên tiến, để có nhiều lương y giỏi trong ngành; phấn đấu xây dựng Hội Đông y huyện là đơn vị vững mạnh cấp Tỉnh.

                                                                                                                                  H.M.T


  • |
  • 933
  • |

Các tin khác