Đức Linh- Công tác dân vận hiểu rõ và làm đúng về hoạt động giám sát và phản biện xã hội

Để đáp ứng yêu cầu tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khoá X), tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước; đồng thời, trước yêu cầu đổi mới về tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thì việc tìm hiểu, nghiên cứu để tiến tới hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhằm góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước trong sạch, vững mạnh là việc làm rất cần thiết cả về phương diện lý luận và thực tiễn.

     Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng nêu: “Hoạt động của Đảng và Nhà nước phải chịu sự giám sát của nhân dân”, “Phát huy vai trò và tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân tham gia xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, thực hiện vài trò giám sát và phản biện xã hội”, “Mọi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, có sự tham gia ý kiến của nhân dân”. Ngày 12/12/2013, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 217-QĐ/TW về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội. Trong đó đã nêu rõ về khái niệm “Giám sát” là việc theo dõi, phát hiện, xem xét, đánh giá kiến nghị nhằm tác động đối với cơ quan, tổ chức và cán bộ, đảng viên, đại biểu dân cử, công chức, viên chức nhà nước về việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. “Phản biện xã hội” là việc nhận xét, đánh giá, nêu chính kiến, kiến nghị đối với dự thảo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Giám sát và phản biện xã hội” là giám sát và phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội.

     Về mục đích, tính chất của giám sát và phản biện xã hội: Giám sát nhằm góp phần xây dựng và thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, các chương trình kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; kịp thời phát hiện những sai sót, khuyết điểm, yếu kém và kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách cho phù hợp; phát hiện, phổ biến những nhân tố mới, những mặt tích cực; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Phản biện xã hội nhằm phát hiện những nội dung còn thiếu, chưa sát, chưa đúng, chưa phù hợp trong các văn bản dự thảo của các cơ quan Đảng, Nhà nước; kiến nghị những nội dung thiết thực, góp phần bảo đảm tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và tính hiệu quả trong việc hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân; phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội. Giám sát và phản biện xã hội mang tính nhân dân, tính dân chủ xã hội chủ nghĩa, tính xây dựng, tính khoa học và thực tiễn, sâu sắc.

     Giám sát và phản biện xã hội phải bảo đảm 4 nguyên tắc: Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, phù hợp với Hiến pháp, pháp luật, Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Điều lệ các đoàn thể chính trị - xã hội; có sự phối hợp chặt chẽ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội với các cơ quan, tổ chức có liên quan; không làm trở ngại các hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát và phản biện xã hội; bảo đảm dân chủ, công khai, khách quan và mang tính xây dựng. Tôn trọng các ý kiến khác nhau, nhưng không trái với quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của thành viên, đoàn viên, hội viên, lợi ích quốc gia, dân tộc.

     Chủ thể giám sát và phản biện xã hội là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội từ Trung ương đến cơ sở, bao gồm: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

     Đối tượng giám sát là các cơ quan, tổ chức từ Trung ương đến cơ sở; cán bộ, đảng viên, đại biểu dân cử, công chức,viên chức nhà nước. Nội dung giám sát bao gồm: Việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước (trừ những vấn đề thuộc bí mật quốc gia) của cơ quan, tổ chức và cá nhân.

      Đối tượng phản biện xã hội là các văn bản dự thảo về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật, các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Nhà nước (trừ những vấn đề thuộc bí mật quốc gia) phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mình. Nội dung phản biện xã hội: Sự cần thiết, tính cấp thiết của văn bản dự thảo; sự phù hợp của văn bản dự thảo với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; thực tiễn của đơn vị, địa phương; tính đúng đắn, khoa học, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và tính khả thi của văn bản dự thảo; dự báo tác động, hiệu quả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của văn bản dự thảo.

      Cùng với việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 218- QĐ/TW ngày 12/12/2013 về việc ban hành quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị xã - hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

     Về mục đích góp ý nhằm phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước. Tiếp tục thể chế hóa và cụ thể hóa cơ chế: Đảng  lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.

     Nguyên tắc góp ý phải bảo đảm dân chủ, công khai, khách quan, trung thực, có tính xây dựng; góp ý phải phù hợp với các quy định hiện hành của Đảng và Nhà nước; không được lợi dụng việc góp ý  để vu cáo, đả kích, bôi xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự và hoạt động của tổ chức, cá nhân; các ý kiến góp ý bằng văn bản của tập thể do lãnh đạo cơ quan, đơn vị ký tên, đóng dấu, không nhân danh cá nhân; các ý kiến góp ý của cá nhân là công dân, người có đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật

     Về phạm vi góp ý, việc góp ý được thực hiện từ Trung ương đến cơ sở. Mặt trận Tổ quốc Việt  Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và công dân góp ý với cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và cán bộ, đảng viên công tác ở các cơ quan, đơn vị cùng cấp.

     Về chủ thể góp ý bao gồm: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp; là cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, công chức, viên chức, người lao động và công dân (gọi chung là cá nhân).

     GÓP Ý XÂY DỰNG ĐẢNG

     Nội dung góp ý đối với tổ chức đảng bao gồm: dự thảo nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy chế, quy định, kết luận... (sau đây gọi chung là quy định) của Đảng có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội; dự thảo báo cáo chính trị của cấp ủy, tổ chức đảng trước mỗi  kỳ đại hội; việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan đảng, cấp ủy, tổ chức đảng; về mối quan hệ giữa cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên với nhân dân.

     Nội dung góp ý đối với đảng viên bao gồm: việc thực hiện các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của  Nhà nước; về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng; mối quan hệ giữa đảng viên với nhân dân.

     GÓP Ý XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN

     Về nội dung góp ý đối với cơ quan, tổ chức bao gồm: việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật; việc thể chế hóa, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Hội đồng nhân dân và các văn bản quy phạm pháp luật; việc thực hiện cải cách hành chính; phòng, chống tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các tiêu cực khác; việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về dân chủ ở cơ sở; công tác tiếp dân và giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân.

     Về nội dung góp ý đối với cá nhân bao gồm: việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện nghĩa vụ công dân; về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và trách nhiệm nêu gương, trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, đại biểu dân cử, sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang; nhất là người đứng đầu cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp.

     Về phương pháp góp ý xây dựng Đảng, chính quyền gồm: góp ý định kỳ; góp ý thường xuyên; góp ý đột xuất

     Theo đó Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội có trách nhiệm chủ trì tổ chức việc góp ý theo nội dung quy định; tập hợp, tổng hợp ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân chuyển đến cấp ủy, tổ chức đảng được góp ý, phối hợp với cơ quan của cấp ủy địa phương thực hiện nội dung trên và theo dõi và thông tin kết quả tiếp thu góp ý của cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên tới tổ chức, cá nhân góp ý, đồng thời có trách nhiệm thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và Nhà nước về giữ gìn bí mật trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp thực hiện nghiêm túc trách nhiệm của mình theo quy định này; tạo điều kiện và phối hợp chặt chẽ để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân thực hiện tốt việc tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ở mỗi cấp.

 

 


Các tin khác